Báu vật ở đền Đô

ANTĐ - Đền Đô nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đền Đô còn có một tên khác là Cổ Pháp, xưa là Thái miếu nhà Lý để thờ các vua Lý theo quan niệm: Thờ vua chính là thờ nước. Đền Đô đã bị phá hủy hoàn toàn năm 1952 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cổ vật duy nhất còn tồn tại và cũng là báu vật quý nhất của đền Đô chính là tấm bia có tên “Cổ Pháp điện tạo bi”.

Báu vật ở đền Đô ảnh 1

Thủy đình trước đền Đô

Trạng nguyên khắc bia

Rất nhiều người đến tham quan đền Đô đều không khỏi tò mò về tấm bia đá cũ kỹ ở bên cạnh đền chính. Tấm bia này cao khoảng 190cm, rộng 103cm và có độ dày 17cm. Bên trên bia đã được xây dựng mái vòm để bảo vệ, tránh những bào mòn của thời gian, sương gió. Bia được chạm khắc tinh xảo, trán bia có hình lưỡng long chầu nguyệt. Mặt trăng tròn vo được chạm nổi, xung quanh có hình tượng hào quang tỏa chiếu.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Mùi, Viện nghiên cứu Hán Nôm cho biết: Tác giả tấm bia đá chính là Hoàng giáp Phùng Khắc Khoan. Lòng bia khắc 35 dòng chữ Hán, có xen kẽ một số chữ Nôm, tổng cộng chừng 1.500 chữ. Chữ khắc sâu, chân phương mềm mại, khoảng cách các dòng thưa, rộng. Trong bia có chữ Long (tên vua Lê Thái Tông) được viết húy, bằng cách thêm bốn “dấu nháy” lên đầu và đảo bộ, xuất hiện tại dòng thứ ba và dòng thứ tám.

Qua biến thiên lịch sử cùng mưa gió dập vùi, bia đá bị sứt mẻ và mất nhiều chữ. May mắn là trường Viễn Đông Bác Cổ xưa đã in dập thác bản nên phần chữ bị mất coi như được khôi phục. Thác bản gồm hai mặt, kích cỡ thuộc loại khổ lớn rõ nghĩa và rõ chữ.

Bia được dựng vào ngày tốt, tháng 1 năm Giáp Thìn niên hiệu Hoằng Định năm thứ 5 (1604), tức 9 năm trước khi Phùng Khắc Khoan qua đời.

Theo nội dung văn bia thì điện thờ 8 vị vua nhà Lý tạo dựng từ lâu đời, trải đến cuối thời Mạc đã bị hoang phế, thất lạc. Nhân Điện chánh Vũ Nghi dâng khải tâu lên triều, chúa Trịnh là Bình An Vương ban lệnh chỉ cho trùng tu điện.

Song điều đáng chú ý  ở chỗ Phùng Khắc Khoan đã dành thời lượng thích đáng để viết về nhà Lý. Mở đầu bài văn bia, sau khi điểm qua 8 vị vua Lý, từ Thái Tổ đến Huệ Tông, tác giả ghi nhận những thành tựu của triều vua này trong 216 năm trị vì, như xây thành Thăng Long định làm nơi trấn giữ thiên hạ, dựng Văn miếu - Quốc Tử Giám, đắp tượng Văn Tuyên vương, mở khoa thi Bác học hoành tài, chọn danh khoa Tiến sĩ, tỏ sự chuộng Nho thuật…

Sau đó, Phùng Khắc Khoan đưa ra nhận xét về triều đại Lý: “Từ An Nam dựng nước đến nay, thực chưa từng có. Dẫu nhà Hán, Đường, Tống cũng chẳng được như vậy”.

“Như vậy, vào đầu thế kỷ XVII, bên cạnh các sử gia như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên… chúng ta lại có thêm nhà văn hóa lớn Phùng Khắc Khoan nhìn nhận, đánh giá về vai trò của vương triều Lý đối với lịch sử dân tộc. Nhưng khác với tiền bối, Phùng Khắc Khoan nhìn nhận nhà Lý theo đại cục, nêu bật sự đóng góp to lớn trên các phương diện đối với sự phát triển của Đại Việt”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Mùi nhận định.

Báu vật ở đền Đô ảnh 2

Đền Đô là Thái miếu thờ 8 vị vua nhà Lý

Văn bia viết gì?

Nhà Lý giữ ngôi 216 năm, thực hiện nhiều chính sách nhằm bảo vệ quốc gia, đất nước thịnh vượng. Điều ấy được Phùng Khắc Khoan viết:

“Trời mở nền thái bình cho đời này, dân này. Trời sinh bậc thánh minh, thì ắt đó là người có đức. Bậc Khải thánh dạy rằng: “Sinh vương là do trời, thực cũng là đất”. Ngẫm lại: Địa đồ Cổ Pháp thực là nơi thắng cảnh bậc nhất xứ Kinh Bắc. Mạch đất theo thế “bát long, bát thủ”, muôn vật thành hình, quả là nơi chung đúc khí thiêng, cho nên đây là nơi sinh thánh độc đắc.

…Thánh hiền kế tiếp nhau lên ngôi được 8 đời vua, cai trị muôn phương, để lại phúc lành cho con cháu.

Đời nọ nối đời kia trải 216 năm, thâu tóm được thiên hạ. Ngoài Ngọa Triều bạo ngược ra, thì cả thiên hạ ngưỡng vọng theo về. Xây thành Thăng Long, định làm nơi chính giữa thiên hạ. Nay xem triều Lý trị quốc, trị gia, lập chính, lập sự: Tiên vương thương dân, thường tự mình cày ruộng khuyến nông, xuống chiếu giảm tô thuế…

Ôi! Lúc hưng phế, từng trải bao phen! Duy trì được công đức chỉ có tám vị Tiên vương triều Lý. Công tại nước Nam, đời mãi hưởng đức. Người nước Nam truy nhớ vì công đức lớn ấy mà lập miếu thờ, để bốn mùa xuân thu, mãi hưởng sự báo đáp trong thiên hạ, vạn đời hương đèn. Trải các đời nối tiếp nhau hưng thịnh, luôn ghi nhớ phụng thờ.…Nay đương buổi công nghiệp trung hưng, ắt làm vẻ vang sự nghiệp cho người đời trước, giành phúc ấm cho người đời sau. Liền phụng mệnh viết bài văn, giao cho thợ khắc vào bia, để nối công đức truyền lại mai sau.

Ngày tốt tháng 1 năm Giáp Thìn niên hiệu Hoằng Định thứ 5 (1604) Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, Kiệt tiết Tuyên lực công thần, phụng mệnh đi sứ phương Bắc, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hộ bộ Thượng thư, kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Mai Lĩnh hầu, Thượng trụ quốc là Phùng Khắc Khoan, tự Hoằng Phu, người xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất soạn. Trung thư giám, Hoa văn học sinh là Đỗ Đề viết chữ.

Tiến sĩ Trần Đình Luyện, Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bắc Ninh đánh giá: Phùng Khắc Khoan đã tiếp cận được quan điểm, tư tưởng và phương pháp của khoa học lịch sử hiện đại và tiên tiến ngày nay. Vì vậy, những nhận định của ông không chỉ toàn diện, sâu sắc cụ thể mà còn khách quan.

Báu vật ở đền Đô ảnh 3

Tấm bia đúng 1.500 chữ do Phùng Khắc Khoan soạn thảo

Suýt thành phế tích

Ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh cho biết: Báu vật “Cổ Pháp điện tạo bi” không chỉ là cổ vật quý hiếm của đền Đô còn lại sau hai cuộc tàn phá của kẻ thù xâm lược mà còn là nguồn sử liệu quan trọng để từ đó, các nhà sử học có thể khai thác và có những đánh giá sâu sắc hơn về một thời đã qua. 

Tấm bia cũng là tư liệu chính thống cho biết nhà Lê đã tu bổ, mở rộng khu thờ phụng các vị vua triều Lý với ý thức trân trọng, thể hiện trách nhiệm của hậu thế đối với việc gìn giữ, phát huy những công tích mà ông cha đã làm trong lịch sử đất nước. 

Trong thời kỳ tạm chiếm ở Đình Bảng, giặc Pháp đã tàn phá nhiều di sản văn hóa ở quê hương các vị vua triều Lý. Năm 1952, chúng phá hủy hoàn toàn đền Đô, đem tấm bia cổ ra giữa sân đền làm bia để tập bắn. May sao, báu vật quý không thành phế tích.

Theo các cao niên ở Đình Bảng, năm 1989 khi khởi công xây dựng lại đền Đô, nhân dân làng Đình Bảng đã đem tấm bia quý này về vị trí cũ và xây nhà bia như xưa để bảo vệ nhằm lưu giữ cho Đền Đô một báu vật cuối cùng.