Bầu cử Tổng thống Mỹ: Khi những lá phiếu cuối cùng được kiểm, cuộc chiến pháp lý nổ ra

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Giữa những ồn ào sau bầu cử Tổng thống Mỹ, một số thành phố đã chứng kiến cảnh người biểu tình đổ ra đường khi 2 ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden xung đột trong cuộc chiến giành những lá phiếu cuối cùng còn lại ở các bang chiến trường quan trọng…

Công tác kiểm phiếu ở những bang cuối cùng của nước Mỹ vài ngày tới mới có thể hoàn thành

Công tác kiểm phiếu ở những bang cuối cùng của nước Mỹ vài ngày tới mới có thể hoàn thành

Thế giằng co quyết liệt

Theo NBC News, Tổng thống Donald Trump cần giành được ít nhất 4 trong số 5 bang chiến trường gồm: Arizona, Georgia, Nevada, Bắc Carolina và Pennsylvania, để có thể tái cử. Tuy nhiên tình hình tại 4/5 bang này đều đang trong tình trạng “nguy cấp” với ông Trump khi càng về giai đoạn cuối của cuộc kiểm phiếu, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đang chiếm ưu thế mạnh hơn với lượng phiếu bầu vắng mặt và qua thư. Đối thủ Biden tiếp tục nới rộng khoảng cách với Tổng thống đương nhiệm khi vượt lên dẫn trước ở cả 4 bang chiến trường then chốt là Pennsylvania, Nevada, Georgia, Arizona và có thể vượt mốc 270 phiếu đại cử tri.

Liên quan đến tiến trình kiểm phiếu tại các bang “chiến địa” vốn đang diễn ra quá trình bám đuổi rất sít sao giữa 2 ứng cử viên, kênh truyền hình CNN dẫn lời bà Lisa Deeley - Chủ tịch Hội đồng thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania) cho hay, địa phương này còn khoảng 40.000 phiếu bầu chưa được kiểm và có thể mất vài ngày để hoàn thành việc đó. Kiểm phiếu chậm trễ tại Philadelphia đồng nghĩa với tiến trình kiểm phiếu ở Pennsylvania - bang “chiến địa” với 20 phiếu đại cử tri có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - có thể bị kéo dài.

Ngay sau khi số phiếu ủng hộ ông Biden nhích lên trước ông Trump ở Pennsylvania, chiến dịch tranh cử của ông Trump nói rằng “cuộc bầu cử này chưa kết thúc” và gọi chiến thắng dường như sắp xảy ra của ông Biden là “giả mạo”. Tổng thống Trump và đội ngũ của ông cam kết sẽ chiến đấu ngay cả khi ông Biden được tuyên bố là người chiến thắng. Họ cho biết đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến pháp lý kéo dài trên toàn quốc, tập trung vào tiểu bang Pennsylvania. “Joe Biden không nên tuyên bố sai về đắc cử Tổng thống. Tôi cũng có thể đưa ra yêu cầu đó. Các thủ tục pháp lý chỉ mới bắt đầu” - ông Trump đăng dòng Tweet vào tối 6-11 (giờ địa phương).

Nguy cơ phân cực và bất ổn

Một nguồn tin thân cận cho NBC hay, hiện nay chiến dịch của Tổng thống Trump đang hy vọng sẽ được Tòa án Tối cao Mỹ xét xử vụ kiện về việc các lá phiếu có dấu bưu điện trước ngày bầu cử có thể được tính đến 3 ngày sau ngày bầu cử (3-11) hay không. Trong một diễn biến liên quan, thẩm phán Tòa án Tối cao Samuel Alito đã yêu cầu quan chức bầu cử tại các hạt ở bang Pennsylvania để riêng những phiếu bầu gửi qua thư đến sau ngày tổng tuyển cử 3-11.

Trong khi đó, hãng Reuters đưa tin, Ủy ban Toàn quốc của đảng Cộng hòa đang tìm cách huy động ít nhất 60 triệu USD nhằm tài trợ cho những thách thức pháp lý mà Tổng thống Trump đưa ra. Được biết, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã mở đường dây nóng tiếp nhận thông báo về hiện tượng gian lận liên quan đến bỏ phiếu. “Chúng tôi sẽ vào cuộc ngay khi hiệu lệnh phát ra” - một luật sư trong nhóm chiến dịch cho biết.

Trong khi đó, chiến dịch của ông Biden vẫn tự tin chiến thắng bất kể ông Trump có nhượng bộ hay không. Người phát ngôn Andrew Bates của ứng viên Joe Biden nói: “Người dân Mỹ sẽ quyết định cuộc bầu cử này. Và Chính phủ Mỹ hoàn toàn có khả năng hộ tống những kẻ xâm phạm ra khỏi Nhà Trắng”. Cuộc bầu cử chưa ngã ngũ khiến nhiều cử tri Mỹ lo lắng về tình trạng phân cực chính trị trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dồn dập tấn công trước thềm mùa đông. Hôm 4-11, nước Mỹ ghi nhận kỷ lục trên 100.000 ca nhiễm Covid-19 mới trong vòng 24 giờ.

Tính đến nay, nước Mỹ đã có hơn 10 triệu ca Covid-19, trong đó hơn 242.000 người đã tử vong. Trong bối cảnh đó, các cuộc biểu tình của những người ủng hộ đương kim Tổng thống cũng như ứng cử viên Biden ở thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania) và các thành phố khác vẫn tiếp tục. Những người ủng hộ Tổng thống Trump kêu gọi “bảo vệ lá phiếu” nhằm ủng hộ nỗ lực của ban vận động tái tranh cử của ông chủ Nhà Trắng trong việc loại bỏ một số phiếu bầu, trong đó có cả những phiếu bầu qua đường bưu điện. Ngược lại, những người ủng hộ ông Biden đã xuống đường biểu tình bằng khẩu hiệu “đếm mọi phiếu bầu” với niềm tin một cuộc kiểm phiếu đầy đủ sẽ đem lại chiến thắng cho ứng cử viên của đảng Dân chủ.

Nhiều nhân viên bầu cử ở Arizona và Pennsylvania kể rằng, họ đang kiểm phiếu thì đám đông bên ngoài la hét, thậm chí phá cửa kính xông vào. Nhờ có lực lượng an ninh đã được tăng cường mà trật tự được đảm bảo. Các quan chức bầu cử cho biết, họ lo sợ cho sự an toàn của các nhân viên và kêu gọi mọi người chấm dứt hành vi quấy rối để họ tập trung hoàn thành việc kiểm phiếu. Cảnh sát các thành phố New York, Denver, Minneapolis và Portland thông báo, hôm 5-11 đã bắt giữ hàng trăm người biểu tình do cản trở giao thông hoặc các tội danh nhẹ tương tự khác.

Cho tới nay, hầu hết các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ đều diễn ra hòa bình và với quy mô nhỏ. Tuy nhiên, nhiều lo ngại rằng sau khi có kết quả của cuộc bầu cử, các cuộc biểu tình lớn sẽ diễn ra và có nguy cơ biến thành bạo loạn.

Nhiều người lo ngại các cuộc biểu tình lớn sẽ diễn ra sau khi có kết quả kiểm phiếu

Nhiều người lo ngại các cuộc biểu tình lớn sẽ diễn ra sau khi có kết quả kiểm phiếu

Tăng cường an ninh bảo vệ ông Joe Biden

Mới đây, “không phận phòng thủ quốc gia” đã được đặt tại nhà của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden ở Wilmington, Delaware. Theo CNN, 1 ngày sau cuộc tổng tuyển cử, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã công bố vùng cấm bay tạm thời trong bán kính 1 dặm quanh nhà của ông Joe Biden. Lệnh hạn chế bay này có hiệu lực đến thứ tư tuần tới.

FAA cho biết, lệnh hạn chế bay cũng được áp đặt ở không phận quanh Trung tâm Chase - nơi dự kiến lập sân khấu cho bài phát biểu chiến thắng của ông Biden nếu ông thắng cử Tổng thống. Với dự đoán nhiều khả năng ông Joe Biden sẽ trở thành ông chủ Nhà Trắng, các nhân viên mật vụ đã được điều đến Wilmington, Delaware. Nguồn tin cho biết, một nhóm mật vụ đã sẵn sàng phục vụ ông Biden từ tuần trước. “Điều này đúng như dự đoán, mặc dù có chậm một chút” - một quan chức thực thi pháp luật cấp cao cho biết. Quan chức này cũng tiết lộ, việc tăng cường an ninh thường được tiến hành từ đêm bầu cử, nhưng cơ quan mật vụ Mỹ đã thực hiện một cách thận trọng vì không muốn bị coi là đang đưa ra quyết định về cuộc bầu cử.

Hôm 4-11, đội an ninh bổ sung vào đoàn xe của ông Biden đúng như cách thức trang bị cho đoàn tùy tùng của Tổng thống nhằm ứng phó với các mối đe dọa và tình huống khác nhau. Tất nhiên, nó không giống với các đội mật vụ điển hình mà bất kỳ ứng viên Tổng thống nào nhận được. “Vì lý do an ninh, cơ quan mật vụ không thể đề cập đến phương tiện, phương pháp hoặc nguồn lực mà chúng tôi sử dụng để thực hiện sứ mệnh bảo vệ của mình” - người phát ngôn cơ quan mật vụ Mỹ cho biết.

Trong khi đó, Fox 5 DC đưa tin, Cục Điều tra liên bang (FBI) đang tiến hành cuộc điều tra liên quan đến một người đàn ông sử dụng mạng xã hội để đe dọa xả súng hàng loạt trong trường hợp ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden giành được phiếu bầu vào Nhà Trắng. Tờ Los Angeles Times thì cho hay, nghi phạm đã bị các thành viên của lực lượng đặc nhiệm chuyên xử lý các mối đe dọa khủng bố bắt giữ. Theo đó, lý do bắt giữ là người này có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

“Dù chưa có kết quả rõ ràng, nhưng chúng tôi sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Chúng tôi đang trên đà đạt được hơn 300 phiếu đại cử tri. Chúng ta phải nhớ rằng, mục đích chính trị của chúng ta không phải là chiến tranh toàn diện, không ngừng, không hồi kết. Không! Mục đích của chính trị của chúng ta, công việc của quốc gia không phải để thổi bùng ngọn lửa xung đột mà là để giải quyết các vấn đề, để đảm bảo công lý, để mọi người được hưởng công bằng, để cải thiện cuộc sống của người dân chúng ta”.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tối 6-11 (tức trưa 7-11 theo giờ Việt Nam)