Bầu cử Tổng thống Mỹ 2012: Kịch tính phút chót

ANTĐ - Ngày 6-11 là một ngày trọng đại của đời sống chính trị nước Mỹ, người dân Mỹ chính thức bước vào ngày bầu cử để bầu chọn tổng thống mới. Do tình thế bám đuổi sít sao giữa hai ứng cử viên tổng thống, nên tới phút chót kết quả bầu cử vẫn rất khó dự đoán.

Những cử tri Mỹ đầu tiên đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử

Các cử tri tại thị trấn Dixville Notch nhỏ bé ở bang New Hampshire đã trở thành những người đầu tiên bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ. Trong số tổng cộng 10 cử tri, 5 người đã bỏ phiếu cho đương kim tổng thống Barack Obama, 5 người còn lại ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt    Romney. Đây là một kết quả bất ngờ, bởi thị trấn này vốn có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa. Do sự chênh lệch múi giờ, nên các điểm bỏ phiếu đầu tiên tại Mỹ bắt đầu đóng cửa tại hai bang Indiana và  Kentucky ở miền Đông vào lúc 18h tối 6-11 (giờ Mỹ, khoảng 6h sáng 7-11 theo giờ Hà Nội) và tại các bang khác trong vòng 6 giờ sau đó.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney vẫn tiếp tục các nỗ lực vận động tranh cử đến tận phút chót trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa. Ông Obama có bài phát biểu kết thúc chiến dịch tái tranh cử tại Des Moines, bang Iowa tối 5-11. “Giờ mọi chuyện nằm trong tay các bạn. Các bạn phải lựa chọn giữa việc tiếp tục các chính sách đã làm kiệt quệ kinh tế Mỹ và việc giúp tầng lớp trung lưu của nước Mỹ có thêm quyền quyết định số phận của họ”, ông Obama, mắt nhòa lệ, nói với 20.000 người tập trung ở Iowa. 

Trong khi đó, ứng cử viên Romney cũng tranh thủ thời gian quan trọng này để tiếp cận các cử tri độc lập ở Virginia và Ohio. Điểm đến cuối cùng của ông Romney là New Hampshire. “Ngày mai phải là ngày bắt đầu một sự thay đổi vì tương lai tốt đẹp hơn” - ông Romney nói. 

Tổng thống Obama tranh cử năm 2012 có lợi thế của tổng thống đương nhiệm, có nhiều cơ hội  tái cử nhiệm kỳ thứ hai, nhưng không còn là hiện tượng như năm 2008 khi mà những yếu tố từng giúp ông ghi điểm đã không còn thuận lợi. Với lợi thế là một tổng thống đương nhiệm gần dân, tạo được thiện cảm với tầng lớp cử tri nghèo và trung lưu vốn chiếm đa số trong xã hội Mỹ, ông Obama có nhiều hy vọng tiếp tục ở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai. 

Còn cựu Thống đốc Mitt Romney giàu có cùng đội ngũ tranh cử hùng hậu, càng về cuối càng có thêm cơ hội. Tuy nhiên, vị cựu Thống đốc này bị cho là không có bản sắc riêng, quan điểm tiền hậu bất nhất và ít kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, an ninh. Hơn thế nữa, nhiều cử tri cho rằng là một doanh nhân giàu có với khối tài sản gần 300 triệu USD, ông Romney không hiểu khó khăn của người lao động thu nhập thấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế Mỹ hiện vẫn gặp khó khăn với nhiều thách thức thì vốn liếng về kinh tế sẽ là lợi thế rất lớn của ông Romney. Đa số cử tri Mỹ xác định kinh tế là yếu tố số một chi phối lá phiếu của họ trong năm tổng tuyển cử 2012.