Bất tử - Ước mơ xa vời

ANTĐ - Bất tử luôn là điều con người mong muốn và đó cũng là cái đích hướng tới của nhiều nghiên cứu khoa học. Mỗi ngày trên thế giới, có hàng chục phát minh sáng kiến liên quan đến việc kéo dài sự sống được giới khoa học công bố. Tuy nhiên, cũng có không ít người hoài nghi về những tuyên bố này.

“Xây dựng” lại một cơ thể mới

Tại Hội nghị thượng đỉnh Singularity năm 2011 (tổ chức tại New York, Mỹ), các nhà khoa học đã trình bày những phát kiến mới nhất trong hành trình kéo dài tuổi thọ của con người. Theo các nhà khoa học, công nghệ tái tạo những phần của cơ thể người và những khám phá trong việc xác minh rõ ranh giới của ý thức trong bộ não con người là những bước tiến vượt bậc trong việc tìm cách kéo dài tuổi thọ con người.

Theo đó, nhiều bác sỹ đã bước đầu thành công trong việc tái tạo lại các tế bào biểu mô da và sau đó là thay thế những mô ung thư ác tính bằng những tế bào mới hoàn toàn khỏe mạnh. Thành công này đến từ việc sử dụng một loại mô liên kết đặc biệt có tên gọi Extracellular Matrix (ECM - ma trận ngoại bào). Những mô liên kết này hoạt động giống như một lớp nền, từ đó tạo điều kiện cho các tế bào khỏe mạnh khác phát triển.

Stephen Badylak, Phó Giám đốc của bệnh viện Đại học Pittsburgh, Pennsylvania (Mỹ) đã thành công thông qua việc bước đầu áp dụng trên những bệnh nhân ung thư thực quản. Bệnh nhân đã có thêm vài năm sống hoàn toàn khỏe mạnh sau khi tiến hành thực nghiệm. Các ma trận ngoại bào này đã được tìm thấy trong thời kỳ bào thai, với vai trò chính là phát triển và tái tạo cơ thể con người. Với sự hiện diện của nó, thai nhi có thể tái tạo và sửa chữa những thứ bị hư hỏng trong thời gian ở trong bụng mẹ. Tuy nhiên, hoạt động của những ma trận này cũng chấm dứt khi thai nhi đã phát triển đầy đủ.

Nếu như thực nghiệm trên được ứng dụng vào thực tiễn, các nhà khoa học hy vọng một ngày nào đó có thể thay thế được những tế bào thần kinh - những tế bào cao cấp nhất, biệt hóa nhất trong cơ thể con người. Rõ ràng, với khả năng thay thế và tái tạo những bộ phận cơ thể, những căn bệnh trước đây từng là cơn ác mộng với loài người như ung thư, đột quỵ... giờ không còn là vấn đề quá lớn. Những tiến bộ này, thông qua đó sẽ giúp nâng tuổi thọ của con người lên gấp đôi kéo dài đến 150-200 năm.

Cơ thể nhân tạo?

Đề tài táo bạo nhất trong cuộc cách mạng tiến đến sự bất tử thuộc về Dmitry Itskov, nhà sáng lập phong trào “Nước Nga 2045”. Đây là một phong trào xã hội với sự tham gia của các nhà vật lý, hóa học, sinh học, những chuyên gia hứa sẽ nâng cao chất lượng sống nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, đồng thời sẽ khiến con người thành bất tử vào năm 2045. Tuyên ngôn của “Nước Nga 2045” viết: những thành viên của nó sẽ “thanh toán nạn già cỗi, thậm chí cái chết, khắc phục những biên giới cơ bản trong năng lực thể lý và tâm lý của con người mà cơ thể sinh học định đoạt”. Theo đó, “không trễ hơn năm 2045, cơ thể nhân tạo không chỉ qua mặt đáng kể những năng lực thiên định của nó, mà còn đạt được sự hoàn thiện của hình thức và sẽ đẹp hơn con người hiện đại. Khi đó, con người có thể tự mình thông qua quyết định tiếp tục sống và phát triển trong một cơ thể mới, sau khi tất cả nguồn dự trữ của cơ thể sinh học đã cạn kiệt”.

Tham vọng của Itskov là có thể tạo ra một cơ thể người, được gọi là “Avatar” - biểu tượng hoàn toàn mới trong vòng 5-7 năm tới, sau đó ghép não người vào cơ thể này - giống như một hình thức bảo quản trong 10-15 năm tới. Bước tiếp theo của dự án là việc số hóa ý thức của con người trong 20-25 năm tới và chuyển những ý thức này thành những hình ảnh 3 chiều trong 30 đến 35 năm tới và những “Biểu tượng” sẽ giúp con người trở nên bất tử.

Tầm nhìn đó là một viễn cảnh vượt quá sự tưởng tượng của những nhà khoa học lạc quan nhất, nếu như không muốn nói rằng đó là một điều không tưởng. Nhưng lịch sử đã chứng minh, khoa học đã nhiều lần làm được điều này - biến những thứ không thể thành có thể. Và nếu như thành công, nó sẽ giúp con người có thể tạo ra một thế giới hoàn toàn mới, một thế giới vượt quá những giấc mơ điên rồ nhất đã từng tồn tại trong lịch sử nhân loại.