Bắt truy nã trong ngày Tết

ANTĐ - Mỗi dịp cuối năm, trong khi mọi nhà đang chuẩn bị sắm sửa để đón một cái Tết Nguyên đán tươm tất, đoàn viên thì những cán bộ, chiến sĩ cảnh sát truy nã tội phạm lại lên đường nhận nhiệm vụ. Đối với họ, một cái Tết chỉ thực sự bình yên khi những kẻ đã gây ra tội lỗi không còn lẩn trốn ngoài xã hội.

Tầm nã chiều cuối năm

Kể về những câu chuyện bắt truy nã trong dịp cuối năm, Đại tá Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP Hà Nội vẫn không thể quên trường hợp truy bắt đối tượng Minh “voi”. Minh “voi” là kẻ có lệnh truy nã đặc biệt của CATP Hà Nội về tội danh giết người. Lỳ lợm, hung hãn và có nhiều chiêu thức đối phó với cơ quan công an, Minh “voi” đã trốn rất kỹ và gây không ít những khó khăn cho quá trình truy bắt. Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng các trinh sát cũng phát hiện ra dấu vết của hắn. Hôm đó, là chiều 27 Tết, nhận được tin báo đối tượng sẽ xuất hiện, Thượng tá Đào Anh Tuấn (hiện đang là Phó phòng Truy nã - CATP Hà Nội) cùng đồng đội lên đường. 
Vốn là kẻ lưu manh có hạng, nên Minh “voi” linh cảm được nguy hiểm cho mình và rất cảnh giác. Các trinh sát kiên trì dùng xe máy đuổi theo Minh đồng thời kêu gọi hắn đầu hàng. Tuy nhiên, Minh “voi” vẫn điên cuồng bỏ chạy. Không còn cách nào khác, các trinh sát buộc phải bắn để khống chế đối tượng này. Hai phát súng bắn theo Minh “voi” làm vỡ hai bên gương chiếc xe máy của hắn, nhưng Minh voi vẫn điên cuồng phóng xe máy bạt mạng. Lần đó, nhờ sự liều lĩnh mà Minh “voi” thoát khỏi sự truy bắt của các trinh sát. Nhận định, trong dịp Tết Nguyên đán, Minh “voi” có thể gây ra những vụ trộm cướp nguy hiểm, Đại tá Nguyễn Thanh Hùng cùng các đồng đội hạ quyết tâm phải bắt cho bằng được đối tượng nguy hiểm này.
Chiều 30 Tết, nhận được thông tin có thể đối tượng sẽ về nhà người quen tại Đông Anh, Đại tá Nguyễn Thanh Hùng đã huy động lực lượng truy bắt. Dù đã chuẩn bị đầy đủ cho mâm cúng gia tiên chiều 30 Tết, nhưng khi nhận được lệnh, anh em trinh sát đã lập tức lên đường. Khi “hội quân” ở địa điểm tập kết, nhiều người còn chưa kịp ăn uống gì. Do lúc đó là ngày cuối cùng trong năm, nên mọi hàng quán đã đóng cửa. Thời tiết cuối năm lạnh giá cộng với cái bụng đói cồn cào khiến anh em trinh sát đứng ngồi không yên. Đại tá Nguyễn Thanh Hùng lúc này mới sực nhớ ra là mình có một nhà người quen ở gần đó. Không chần chừ, anh tìm tới để xin “tiếp tế” cho đồng đội. Tới nơi cũng vừa lúc họ nấu xong nồi bánh chưng, mới vớt ra để ráo nước. Nhà nọ thấy hoàn cảnh của anh em trinh sát nên dù chưa kịp cúng gia tiên cũng biếu vài cặp để các trinh sát… chống đói. Hôm đó, vì đã được lên kế hoạch chặt chẽ và quyết tâm cao của lực lượng truy bắt, nên Minh “voi” đã không thể trốn thoát. Khi dẫn giải hắn lên xe về đơn vị cũng là lúc đồng hồ điểm sang thời khắc của một năm mới. Dù mệt mỏi, nhưng ai nấy trong tổ công tác cũng đều cảm thấy vui vẻ.
Đối với Thượng tá Đào Trọng Sơn, Trưởng phòng 4 Cục Cảnh sát truy nã tội phạm - Bộ Công an cũng có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ về những lần bắt tội phạm truy nã trong ngày Tết. Đó là trường hợp của Lê Văn Đạt bị Công an tỉnh Hà Tây (cũ) truy nã về tội danh lừa đảo. Lợi dụng cơ hội được cho tại ngoại để chờ điều tra, Đạt đã tìm cách bỏ trốn. Suốt từ năm 2003 đến 2010, Đạt dùng chứng minh nhân dân giả, lập công ty rồi mạo danh con cháu cán bộ cấp cao để lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Trưa mùng 1 Tết, nhận được tin báo đêm hôm đó Đạt có thể sẽ về nhà để ăn Tết cùng vợ con, Thượng tá Đào Trọng Sơn và các đồng đội đã bỏ dở ngày nghỉ Tết bên gia đình để lên đường làm nhiệm vụ. Trong khi người dân đang nô nức đi chơi, thăm hỏi họ hàng thì suốt cả chiều mùng 1 Tết, Thượng tá Đào Trọng Sơn cùng các trinh sát phải mật phục quanh nhà đối tượng, căng mắt để theo dõi Đạt. Rạng sáng mùng 2 Tết, các trinh sát phát hiện thấy Đạt. Tuy nhiên hắn không vào nhà mà chỉ lái xe ô tô chạy lảng vảng xung quanh. Vốn là kẻ cáo già, nên Đạt linh cảm thấy có điều gì đó bất an, hắn bỗng cho xe chạy mất. Các trinh sát định bụng sẽ phóng xe máy đuổi theo Đạt. Tuy nhiên Thượng tá Sơn đã ngăn lại vì đối tượng thấy mình bị truy đuổi, khi bỏ chạy có thể gây nguy hiểm cho người đi đường trong dịp Tết. Vài ngày sau đó, Lê Văn Đạt đã bị tóm cổ khi đang ở trong khách sạn với người tình, ngay trước khi hắn chuẩn bị kế hoạch cho một phi vụ lừa đảo lớn ở miền Trung. 

Vui buồn người lính truy nã

Chia sẻ với chúng tôi về công việc của người lính bắt truy nã trong dịp Tết Nguyên đán, Đại tá Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP Hà Nội cho biết: Theo quy luật tự nhiên của con người, trong những ngày giáp Tết, những người phạm tội cũng có nhu cầu thăm người thân và được chu cấp về tiền bạc. Chính vì điều đó mà công việc của các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm dịp cuối năm thường hết sức bận rộn. Đi cùng với sự bận rộn ấy là vô vàn những khó khăn vất vả trong mỗi đợt tầm nã. Chỉ cần có những thông tin, dù là mong manh về một tên tội phạm đang bị truy nã, các trinh sát cũng nhất định lên đường, ngay cả khi đang ăn dở bữa cơm tất niên hay đón ngày đầu năm mới cùng vợ con. Đó là chưa kể đến những tình huống khó khăn bất ngờ phát sinh trên đường thực hiện nhiệm vụ. Trung tá Nguyễn Xuân Kỷ, Đội phó Đội 3 - Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an thành phố Hà Nội vẫn còn nhớ như in kỷ niệm về một chuyến đi bắt đối tượng truy nã dịp cuối năm cách đây chưa lâu. Lần ấy, Trung tá Kỷ cùng đồng đội “hành quân” vào phía Nam. Trong đợt này, 7 đối tượng có lệnh truy nã lần lượt bị các anh phát hiện và bắt giữ. Sau khi “gửi gắm” 4 đối tượng cho các đồng đội trong các chuyến đi ra Bắc, còn 3 đối tượng bắt buộc phải chuyển về sau. Tuy nhiên, đó đã là thời điểm cận Tết, các phương tiện từ TP.HCM ra Hà Nội đều đã kín chỗ. Gần 2 ngày tìm đặt vé đều không có kết quả, tưởng chừng như các anh đã phải ăn Tết ở phương Nam. Thật may mắn là đúng lúc đó có một người quen tốt bụng cho đoàn công tác đi nhờ ra Hà Nội. Trên đường ra Bắc, các anh còn tranh thủ mua được cây mai vàng để làm quà Tết phương Nam.
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Hùng, một việc rất quan trọng của các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm những ngày cuối năm là kêu gọi đầu thú. Trong những ngày này, theo tâm lý tự nhiên, các đối tượng phạm tội bị truy nã sẽ chạnh lòng nhớ về gia đình. Đó cũng là thời điểm thuận lợi để cán bộ truy nã có thể tiếp cận, kêu gọi gia đình những đối tượng phạm tội vận động con em mình ra đầu thú. Bằng những tác động tâm lý, những phân tích nhẹ nhàng họ đã giúp cho những con người lầm lỡ trở về chịu án. Có những đối tượng được tác động tâm lý ra đầu thú, sau khi thi hành án về đã cảm ơn các cán bộ bắt truy nã vì “nhờ các anh mà em không còn phải chịu sống cuộc sống chui lủi và có cơ hội đoàn tụ gia đình, làm lại cuộc đời”. 
Với Trung tá Nguyễn Xuân Kỷ, trường hợp của một đối tượng giết người bị truy nã khiến anh không thể quên. Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ thấy nguyên nhân phạm tội của đối tượng chỉ là do thiếu hiểu biết về pháp luật, trong dịp cuối năm, Trung tá Kỷ đã đến tận nhà vận động mẹ của đối tượng để “gọi” hắn ra đầu thú. Trong quá trình lẩn trốn, đối tượng này đã kịp lập gia đình và có con. Được vận động, trước khi ra đầu thú, đối tượng đã đưa vợ con tranh thủ về thăm quê vợ tại Hưng Yên. Được mẹ đối tượng thông báo tình hình, Trung tá Kỷ đã mượn một chiếc xe ô tô của người quen đến tận nơi và đóng vai gia đình nhà nội đến “đón” vợ chồng của đối tượng này về quê. Sau khi hợp tác làm việc với cơ quan điều tra làm rõ các tình tiết trong vụ án, đối tượng đã được thay đổi tội danh từ “giết người” xuống thành “vô ý làm chết người” với mức án nhẹ hơn.
Chấp nhận thiệt thòi, hy sinh hạnh phúc riêng để hoàn thành nhiệm vụ chung dường như đã trở thành một “thói quen” của người lính bắt truy nã. Đối với họ, một cái Tết chỉ thực sự bình yên khi những kẻ đã gây ra tội lỗi không còn lẩn trốn ngoài xã hội.