Bắt tay khai thác Bắc cực

ANTĐ - Việc hai hãng dầu khí khổng lồ Rosneft của Nga và ExxonMobil của Mỹ lập liên doanh để thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển Bắc cực đã mở ra hướng hợp tác mới, đồng thời cũng làm nóng thêm cuộc đua khai phá vùng đất băng giá song đầy tiềm năng này.

Một giàn khoan dầu của Nga đang hoạt động tại khu vực biển Bắc cực

Thoả thuận thành lập liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí tại các vùng biển Bắc cực thuộc Nga được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nga Rosneft và Tập đoàn Exxon Mobil chính thức ký kết ngày 17-4. Rosneft sẽ đóng góp 30% số vốn vào các dự án khai thác dầu khí của ExxonMobil tại Tây Texas (Mỹ), trên vịnh Mexico và Canada, còn tập đoàn của Mỹ là đối tác quan trọng đầu tư 3,2 tỷ USD vào các hoạt động thăm dò ngoài khơi tại Biển Đen và Biển Kara phía Bắc cực thuộc Nga.

Phần hùn của Rosneft vào các dự án dầu khí của ExxonMobil không được chú ý bằng khoản đầu tư của hãng này trong liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí tại khu vực biển Bắc cực thuộc Nga. Càng đáng chú ý hơn khi thỏa thuận này đạt được sau khi Rosneft không ký được hợp đồng tương tự với tập đoàn BP của Anh do các đối tác Nga cáo buộc BP vi phạm thoả thuận cổ đông. 

ExxonMobil đã trở thành đối tác mới của Rosneft chỉ vài tháng sau khi cam kết đầu tư 2,2 tỷ USD vào một dự án thăm dò chung tại Bắc cực và trở thành đối tác đầu tiên khai thác tại khu vực giàu tài nguyên của thế giới. Theo thoả thuận ký tại trụ sở của Rosneft, liên doanh Nga-Mỹ sẽ tiến hành việc khoan giếng thăm dò đầu tiên dự kiến vào năm 2014-2015.

Việc hai hãng dầu khí khổng lồ của Nga và Mỹ, trong đó Rosneft hiện là tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới với sản lượng khai thác trên 120 triệu tấn dầu thô mỗi năm, bắt tay làm ăn đã mở ra hướng hợp tác mới trong việc khai thác tài nguyên ở Bắc cực. Trước thoả thuận này, cả 5 quốc gia có đường biên giới giáp Bắc Băng Dương là Nga, Mỹ, Canada, Na Uy và Đan Mạch cũng lên tiếng khẳng định chủ quyền đối với Bắc cực, đồng thời đã nảy sinh những tranh cãi quanh vấn đề này.

Điều đó cũng dễ hiểu bởi tuy là khu vực rộng lớn băng giá song Bắc cực đang chứa đựng những nguồn tài nguyên quý giá. Trong đó, đáng chú ý nhất là 100-200 tỷ tấn dầu thô, chiếm khoảng 30% trữ lượng dầu mỏ thế giới, và từ 50.000-80.000 tỷ m3 khí; cùng khoảng 22% các nguồn tài nguyên chưa được khai thác của thế giới.

Vì thế, thoả thuận giữa hai hãng dầu khí lớn của hai cường quốc hàng đầu thế giới cũng cho thấy những quốc gia đang tuyên bố chủ quyền ở Bắc cực có thể tạm gác tranh cãi sang một bên để cùng khai thác nguồn tài nguyên dồi dào. Song chính hướng hợp tác này lại mở ra mối lo ngại mới hết sức sâu sắc với thế giới, đó là vấn đề môi trường.

Trong khi Bắc cực đang phải vật lộn đối phó với tình trạng băng tan quá nhanh, LHQ đã lên tiếng cảnh báo rằng bất kỳ biến đổi nào ở đây đều tác động và để lại hậu quả sâu rộng và nghiêm trọng đến các khu vực khác trên toàn cầu. Các nhà môi trường phản đối việc khai thác tài nguyên ở Bắc cực cho rằng, một thảm hoạ tương tự như vụ tràn dầu của BP trên vịnh Mexico nếu xảy ra ở Bắc cực sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường cho đa dạng sinh học và môi trường không chỉ ở khu vực này mà cả thế giới.