Bát nháo thị trường thực phẩm chức năng

ANTĐ - Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) ở nước ta những năm gần đây phát triển với tốc độ chóng mặt nhưng việc quản lý mặt hàng này vẫn còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng bát nháo, thật giả lẫn lộn.

Thị trường TPCN ở nước ta đang phát triển mạnh (ảnh minh họa)


Nhan nhản hàng trôi nổi

Như ANTĐ đã đưa tin, mới đây Cục ATVSTP – Bộ Y tế đã thu hồi nhiều lô hàng TPCN không đạt tiêu chuẩn chất lượng ATVSTP và chứa hoạt chất cấm Sibutramine. Cụ thể, 3 lô hàng TPCN mới nhất bị phát hiện không đảm bảo và buộc phải thu hồi gồm TPCN Cishi (Qingguo Capsule) số lô 110318; TPCN The Utimate Gout Forrmula số lô D176; TPCN viên nang Phục linh nhãn hiệu Juji. Theo ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, trong quá trình thanh tra, làm việc với một số công ty nhập khẩu, kinh doanh TPCN thời gian qua, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều tồn tại, sai phạm khác và đã kịp thời chấn chỉnh.

Nếu như năm 2000 cả nước chỉ có khoảng 40 đến 50 công ty sản xuất, kinh doanh TPCN với khoảng 350 sản phẩm; năm 2005 có 143 cơ sở với khoảng 1.100 sản phẩm thì đến thời điểm này, nước ta đã có đến hơn 1.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN với gần 4.000 sản phẩm đang lưu hành (chiếm 66%). Vậy nhưng trong số 1.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này mới chỉ có duy nhất 1 cơ sở tại Việt Trì (Phú Thọ) đạt chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP) về TPCN.

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, nhận thấy thị trường TPCN là một thị trường màu mỡ, tiềm năng nên rất nhiều cá nhân, tổ chức  kinh doanh lĩnh vực này. Nhiều cơ sở sản xuất thuốc, dược liệu nhỏ lẻ không đạt GMP, nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm… cũng “đá ngang” sang sản xuất TPCN, chưa kể các loại TPCN trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng tràn ngập. Thậm chí nhiều cơ sở y học cổ truyền hiện nay bào chế ra sản phẩm và xin cấp số đăng ký TPCN để thu hút khách hàng và nâng cao lợi nhuận… Các cơ sở này quan tâm tới đầu tư đảm bảo chất lượng sản phẩm thì ít mà tập trung cho quảng cáo  thì nhiều, tung ra các bài quảng cáo loạn xạ khiến cho thị trường TPCN ở trong tình trạng lộn xộn, bát nháo, thật giả lẫn lộn.

Cần siết chặt quản lý

Theo ông Đáng, Hiệp hội TPCN Việt Nam luôn vận động, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất TPCN đầu tư xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo GMP dựa trên các tiêu chuẩn GMP của thế giới nhưng số cơ sở thực hành chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Đáng bày tỏ, trong khi tại các nước tiên tiến đều có các khuyến cáo về GMP trong TPCN thì cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có quy định hay hướng dẫn về GMP cho TPCN.

Cũng theo ông Đáng, muốn nâng cao chất lượng, đảm bảo VSATTP đối với các mặt hàng TPCN sản xuất trong nước thì nên quy định bắt buộc các cơ sở phải thực hành sản xuất theo GMP, những cơ sở nhỏ lẻ, không đảm bảo VSATTP và tiêu chuẩn chất lượng thì không được sản xuất. “Muốn giảm vi phạm thì cơ quan quản lý cần phải siết chặt và có chế tài quản lý mạnh mẽ hơn. Hiện tại, những quy định cũng như điều kiện về kiểm nghiệm chất lượng TPCN tại nước ta còn yếu kém và lỏng lẻo”, ông Đáng cho biết.

Ngoài ra, việc siết chặt hoạt động quảng cáo TPCN cũng cần được quan tâm. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP, sai phạm trong quảng cáo TPCN luôn là vấn đề nhức nhối nhất và khó quản lý nhất. Trong đó, lỗi sai phạm chủ yếu là được cấp phép một đằng nhưng quảng cáo một nẻo, quảng cáo quá nội dung được cấp phép, quảng cáo không đúng sự thật, đặc biệt là quảng cáo khiến người tiêu dùng hiểu lầm TPCN là thuốc chữa bệnh.