Bát nháo, "cướp" cả nơi ở của thánh thần

ANTĐ - Dường như, con người bây giờ bị phủ đầu bởi tham sân si thường nhật mà “dạn dĩ” hơn, không biết sợ là gì. Họ sống lệch khung truyền thống đã định hình như một thứ giá trị tồn tại hàng trăm năm qua. Họ sinh sống, ngang nhiên chà đạp, lấn chiếm và cướp đoạt nơi ở của thần thánh.

22 hộ dân ngang nhiên lấn chiếm, đổ nước thải xuống đất chùa Thanh Nhàn nói riêng và hàng trăm di tích đang kêu cứu là thực trạng đau lòng đang diễn ra tại Hà Nội, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

"Chùa có tên là Thanh Nhàn nhưng chẳng được thanh nhàn lúc nào"

Là một ngôi chùa cổ được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, chùa Thanh Nhàn đã sớm được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1989. Tuy nhiên, hàng chục năm nay, di tích này đang kêu cứu trước thực trạng 22 hộ dân ngang nhiên lấn chiếm đất chùa làm nhà ở, kinh doanh, thậm chí còn cơi nới, mua đi bán lại như một thứ tài sản của mình.

Theo sư thầy Thích Đàm Nguyên, trụ trì chùa Thanh Nhàn cho biết: "Từ số nhà 44 tới 66, không có nhà nào là không xâm lấn đất chùa. Họ còn ngang nhiên đổ rác thải sang chùa. Cứ 1 tháng, thầy và các vãi lại đi dọn một lần. Lắm lúc khi đang dọn, họ đổ thải ngay xuống mũi. Thế nhưng, vẫn phải vuốt nước mắt mà làm. Mình là sư, ai lại đi cãi nhau? Các thầy có nói nhẹ nhàng với họ nhưng được vài ngày họ lại đổ tiếp. Chùa chỉ được sử dụng mấy gian ở giữa, hai đầu hồi là dân ở. Phía trước, phía sau cũng là dân ở. Dân tình ở đây ghê gớm lắm".

Đã thế, trong lúc chùa có nhiều hạng mục đã hư hỏng và xập xệ, cần được trùng tu, cải tạo nhưng có muốn sửa sang gì thì dân cũng không cho. Sư Thích Đàm Nguyên có kể lại, năm 1994, sư cụ có chuẩn bị 5 đống gỗ với giá hàng tỷ đồng để sửa sang lại chùa. Thế nhưng, dân lại thuê bọn đầu gấu đến, thành ra động thổ năm lần bảy lượt cũng không xong với họ. Nhà thờ mẫu đóng cửa mấy năm nay vì quá xập xệ, chỉ mở vào ngày mồng 1 và ngày rằm hàng tháng mà thôi. Nhiều người đi lễ, không ai là không chảy nước mắt trước tình cảnh đó. Hồi tháng hai năm ngoái, mưa nhiều, thầy còn phải lấy nón đội nón cho Phật".

Các hộ dân phơi quần áo ngay trước nhà thờ Mẫu chùa Thanh Nhàn

Sư Thích Đàm Nguyên cả thở dài: "Chùa có tên là "Thanh Nhàn" nhưng chẳng được thanh nhàn lúc nào. Nhất là năm 2013 vừa qua là năm phức tạp nhất. Có ông Cường ở số nhà 54, trước đây có sang xin nhà chùa "cho con sửa nhà". Lúc đó, thầy mới bảo ông đang ở đất của chùa, ông không có sổ đỏ nên thầy không đồng ý ông làm bất cứ chuyện gì ngoại việc quét vôi vữa. Thế mà ông Cường vẫn bất chấp. Từ 2 tầng, giờ nhà ông cất lên thành 6 tầng. Nhà chùa có làm đơn kiến nghị từ năm 2004 nhưng tới giờ chính quyền địa phương vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Đã thế, ông này còn sang đưa ra lời dọa dẫm: Thầy không cho con xâỵ, hai bên đổ tường chết người thì thầy phải đi tù".

Vậy là nơi thờ Phật, đáng lý ra là một nơi tôn nghiêm và thoát tục thì ở đây, lại bị sự trần tục và sự vô ý thức của người dân làm vấy bẩn. Thần linh là biểu tượng của cái thiêng, cái thiện, con người phải tôn trọng thì ở đây, dường như người ta cũng không biết sợ là gì. Thành ra, chút tôn kính cuối cùng, ít ỏi mà họ có thể có cũng không còn.

Tình trạng "xẻo thịt" đất thánh diễn ra tràn lan

Tình trạng di tích bị "xẻo thịt", xâm lấn, chiếm dụng để phục vụ cho mục đích cá nhân không phải là câu chuyện riêng của chùa Thanh Nhàn mà đã trở thành chuyện thường ngày ở phố, nhất là phố cổ. Nếu đi dạo một vòng khu phố cổ, ta sẽ dễ dàng thấy rằng, nhiều di tích đình chùa đã được xếp hạng đang bị thu hẹp, xâm hại bởi những quán cơm, quán trà đá...

Nhiều nơi, cổng đình chùa biến thành bãi gửi xe. Như cổng chùa Vĩnh Trụ (Hàng Lược), mặc dù đã có một tấm biển "Di tích đã được xếp hạng, cấm được xâm hại" thì vẫn bị xâm hại như thường. Người ta ngang nhiên chiếm dụng diện tích trước cổng chùa thành bãi gửi xe, hàng trăm xe lớn nhỏ xếp ngổn ngang trước cổng chùa. Ở đình Thanh Hà (Ngõ Gạch), ngoài việc một cửa hàng bán đồ mây tre đan thủ công bày bán sán phẩm ra khắp lề đường và chăng hết tầm mắt của đình thì có một bãi gửi xe tồn tại một cách rất ung dung trước cửa đình. Thậm chí, dựng xe ngoài cổng chưa đủ, người ta còn bỏ tràn hai lối đi dẫn vào đình, khiến những người đi lễ gặp rất nhiều khó khăn.

Người đi lễ gặp nhiều "chướng ngại" thì rõ rồi, còn người nước ngoài khi đến nước ta để tìm hiểu văn hóa - lịch sử, khi gặp phải cảnh này cũng không ít phen ngán ngẩm. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên, cơi nới một cách vô tôi vạ, che kín không gian thuần của đình chùa. Hàng quán bày ra như nấm với đủ thứ trên đời. Còn gì là tôn nghiêm? Phơi bày trước mặt chỉ còn là những vết tích đang bị lu mờ bởi sự nhộn nhạo, trần trụi của đời sống. Phơi bày trước mặt chỉ còn là những vết tích cuối cùng của một thời vàng son Thăng Long phượng múa rồng bay.

Theo thông kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Hà Nội, trong số 2.000 di tích được xếp hạng ở địa phương này, có hơn 400 di tích bị xâm phạm nghiêm trọng và hàng trăm di tích đình, chùa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa bị lấn chiếm. Đó còn chưa kể có nhiều nơi, các hạng mục bị thay đổi và phá hủy một cách không thương tiếc. Chẳng biết mười năm nữa, Hà Nội còn lại gì? Văn hóa và lịch sử còn lại gì? Đời sau còn lại gì?

Nhộn nhạo ở cổng chùa Vĩnh Trụ

Về vấn đề này chúng tôi có một cuộc trao đổi ngắn với GS.TS Ngô Đức Thịnh, ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam:

+ Theo ông, thực trạng trong 2.000 di tích được xếp hạng ở Thủ đô Hà Nội thì có tới hơn 400 di tích bị xâm hại nghiêm trọng là hệ quả của điều gì?

Tôi nghĩ, đó là hệ quả tất yếu của lối sống suy đồi đạo đức, không có ý thức, cũng không có nhận thức về di sản của người dân và sự yếu kém, bất lực của hệ thống chính quyền. Luật Di sản có quy định nghiêm cấm các hành vi chiếm đoạt, làm sai lệch di sản, hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng xâm hại di tích diễn ra khắp nơi, không chỉ riêng Hà Nội. Chúng ta đang ngang nhiên chà đạp, xâm phạm lên di sản. Điều đáng nói ở đây là luật ban hành rồi mà còn thế, chứ không có luật thì không biết sẽ trở nên như thế nào?

+ Ông có thể nói cụ thể về sự suy đồi đạo đức ở trên?

Trong xã hội xưa, quan điểm của con người với những nơi thờ tự tâm linh là thành kính và trong lòng mỗi người ai ai cũng có một tâm thức rất đặc biệt. Dù không biết có thần thánh thật không nhưng từ lâu, thần linh được xem là biểu tượng của cái thiêng và cái thiện, mọi người đều tôn trọng. Thế nhưng, tâm thức đó bây giờ không còn. Người ta coi chuyện này không còn là một giá trị và sẵn sàng xâm phạm, vấy bẩn và cướp đoạt kể cả nơi ở của thần linh. Họ không xem thần thánh ra gì. Đó chính là sự suy đồi về lối sống, đạo đức. Và khi xã hội giải thiêng, con người ngày nay hình như cũng không còn sự tử tế nữa. Không tử tế với đồng loại, với chính mình và không tử tế cả với thần linh. Họ không biết rằng, sự tử tế làm nên cội rễ của một nền văn hóa. Các cụ ngày xưa đâu có dám. Thói xấu này là của chúng ta. Do chúng ta tạo ra!

+ Vậy thì theo ông, sự cần thiết của việc bảo tồn không gian đinh chùa giữa lòng một đô thị "đang lớn" như Hà Nội có vai trò như thế nào?

- Việc bảo tồn một không gian văn hóa - lịch sử như đình chùa quả thực rất cần thiết giữa lòng một đô thị đang bị nhiều thứ vây kín. Bây giờ đã thế, Hà Nội mấy mươi năm sau này càng thế nữa! Con người lúc nào cũng có nhu cầu tâm linh, lúc nào cũng có nhu cầu giải tỏa một dồn nén hoặc ẩn ức nào đó. Đình chùa như một nơi thanh lọc tâm hồn, là nơi trở về tĩnh lặng nhất của một đời sống ồn ã, bon chen. Tồi đã từng đề xuất với các cấp, đó là với các di tích ở Hà Hội, trong điều kiện đô thị hóa như hiện nay, chúng ta phải tăng cường xếp hạng (ở cấp thành phố hoặc quốc gia tùy tiêu chuẩn kiến trúc và giá trị lịch sử). Vì xếp hạng chính là cơ sở pháp lý để bảo vệ.