Bát nháo bến bãi vật liệu xây dựng tại Hà Nội (1): Quy mô đang… vượt quy hoạch

ANTD.VN - Dọc các tuyến sông chảy qua địa bàn TP Hà Nội, hoạt động của nhiều bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) có dấu hiệu vi phạm, trong khi đó cơ quan quản lý, chính quyền địa phương lại tỏ ra lúng túng trong công tác quản lý và xử lý.

Theo Quyết định số 711/QĐ-UBND ngày 1-2-2013 của UBND thành phố Hà Nội, quy định về hoạt động bến bãi trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, thì số bến bãi được quy hoạch cho các tổ chức, doanh nghiệp là 146; trong khi đó, qua rà soát hiện trên toàn thành phố, con số này lên đến 226! 

Bát nháo bến bãi vật liệu xây dựng tại Hà Nội (1): Quy mô đang… vượt quy hoạch ảnh 1Bến bãi cát ngoài đê thuộc địa bàn phường quận Bắc Từ Liêm

Chưa có phép vẫn hoạt động

Một thực tế trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay là nhiều bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD hoạt động nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc cho thuê đất. Có những địa bàn có tới hàng chục bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD hoạt động theo kiểu… cha truyền con nối. Điển hình như quận Bắc Từ Liêm có tới 37 bến bãi, huyện Gia Lâm có 35 bến bãi, huyện Ba Vì có 22 bến bãi…

Theo tìm hiểu của phóng viên ANTĐ, tại địa bàn huyện Phúc Thọ có 7 bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD nhưng tất cả đều chưa ký hợp đồng thuê đất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tại huyện Đan Phượng có 10 bến bãi nhưng chỉ có 2 bãi tạm gọi là có thủ tục giấy tờ và 8 bãi còn lại đang “nợ” giấy tờ thủ tục.

Trong quá trình hoạt động, hầu hết các bến bãi dọc các con sông trên địa bàn thành phố đều không có hoặc không đầy đủ các nội dung cam kết, kế hoạch bảo vệ môi trường. Điều đáng lo ngại, hoạt động kinh doanh, vận chuyển VLXD đến và đi các bến bãi này kéo theo sự xuất hiện của ô tô trọng tải lớn chạy trên mặt đê, gây rạn nứt đê, ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, do công tác quản lý các bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD bị buông lỏng, xung quanh các khu vực này trở thành nơi đổ trộm phế thải, gây bức xúc dư luận. 

Đầu tháng 5 vừa qua, nhóm phóng viên ANTĐ có mặt tại bãi bồi sông Hồng thuộc cụm 8, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, từng là bãi tập kết VLXD của Công ty CP đầu tư thương mại Toàn Hiền, nay là trạm trộn bê tông Việt Đức. Khu vực chấp chới giữa phường Phú Thượng và Nhật Tân này nằm sát bờ sông chừng vài chục mét, chình ình “núi” phế thải.

Phát hiện chúng tôi ghi hình, nhiều xe tải đang phăm phăm chạy vào trong đột ngột quay ra. Điều lạ là khi trao đổi với phóng viên về hiện tượng này, ông Đặng Hữu Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân khẳng định: “Làm gì có chuyện đó. Trên địa bàn không có chuyện đổ trộm phế thải hay lấn chiếm đất bãi ven sông. Tất cả các cửa khẩu đều có barie và người gác”.

Nhận diện vi phạm

Chỉ huy Phòng Cảnh sát Môi trường CATP Hà Nội cho biết, riêng năm 2016, qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác cát và hoạt động của các điểm tập kết trung chuyển VLXD, cơ quan chức năng đã xử lý, giải tỏa được 84 bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD trái phép. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, CATP đã xây dựng các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi dọc trên các tuyến sông. 

Toàn địa bàn thành phố có 15 tuyến sông lớn, nhỏ với tổng chiều dài hơn 490km, trong đó có 7 tuyến sông, do nhu cầu và lợi nhuận thu được từ các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản lớn, kéo theo những diễn biến phức tạp khác, như khai thác cát trái phép hay hoạt động của các bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD tiếp tay cho “cát tặc”.  

Quá trình hoạt động của các bến bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh VLXD dọc hai bờ sông đều rơi vào tình trạng vi phạm Luật Đê điều; các ô tô tải vận chuyển VLXD ra, vào bến bãi đều là xe có trọng tải lớn, chở quá trọng tải chạy trên mặt đê gây rạn nứt đê, bụi ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD thường rơi vào các vi phạm như sử dụng đất trái quy định; cam kết BVMT; nhiều bến bãi đang tồn tại có hợp đồng thuê đất với chính quyền địa phương không đúng thẩm quyền; chiều cao của các bến bãi vi phạm về Luật Đê điều, nhiều bãi chứa chất thải cao quá mức quy định, nằm sát đê làm ảnh hưởng đến dòng chảy và đê điều trong mùa mưa lũ…

Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó trưởng phòng Cảnh sát Môi trường CATP Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố và Giám đốc CATP, từ năm 2016 đến nay, lực lượng Cảnh sát Môi trường đã tập trung điều tra cơ bản, toàn diện các hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh, bắt giữ và xử lý.

Từ thực tiễn tình hình, đơn vị  đã có những kiến nghị đến cấp có thẩm quyền, đề nghị chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm trong hoạt động bến bãi, tập kết, trung chuyển VLXD và khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố.

(Còn tiếp)