Năm 1962, quần thể danh thắng Hương Sơn hay còn gọi là chùa Hương được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia, từ đó cho đến nay, quần thể di tích này được gìn giữ bảo vệ khá nghiêm ngặt. Trong quá khứ, chùa Hương cũng trải qua vài phen "sóng gió" như nạn chùa giả động giả, song về cơ bản, những di tích kiến trúc ở đây vẫn được bảo tồn nguyên trạng.
Công trình mới mọc lên ở chùa Hương có tên gọi là Hương Nghiêm pháp đường nằm ở phía phải chùa Thiên Trù, đối diện với bảo tháp Chân Tịnh, bao gồm 2 tầng mái, công năng sử dụng gồm nhà ăn, hội trường và là nơi lưu trú cho phật tử cũng như du khách đến chùa mỗi khi có dịp lễ trọng. Phía bên trong tòa nhà được chia thành nhiều phòng nhỏ với đầy đủ tiện nghi… Một số người giúp việc tại chùa kể, từ khi đưa vào hoạt động, mỗi dịp lễ trọng, nơi này luôn chật kín khách.
Theo PGS.TS Trần Lâm Biền thì phù điêu này hoàn toàn xa lạ với văn hóa Việt Nam
Không chỉ xa lạ với cảnh quan xung quanh về độ hoành tráng, công trình mới xây kể trên còn gây hoang mang, đánh đố du khách về niên đại cũng như các kiến thức về lịch sử mỹ thuật nước nhà.
Hiện tại chùa Hương đang xây dựng hồ sơ di tích Quốc gia đặc biệt
Bất ngờ, ngạc nhiên và vô cùng tò mò với sự xuất hiện của công trình kiến trúc kể trên, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Chí Thanh (Trưởng ban Quản lý Di tích Danh thắng Hương Sơn) thì được biết, công trình này có từ năm 2013 và không thuộc khuôn viên của Thiên Trù (dù cách chùa chỉ có vài chục bước chân-PV).
Ông Thanh lý giải, vị trí xây dựng Hương Nghiêm pháp đường trước đây là dãy nhà cấp 4 thuộc quyền sở hữu của Công ty Danh thắng và Công ty du lịch Hà Tây (cũ), sử dụng làm nơi ăn nghỉ của cán bộ nhân viên công ty, đồng thời phục vụ khách nội bộ. Năm 2000, UBND tỉnh Hà Tây có quyết định giao 2 dãy nhà kể trên cho nhà chùa quản lý. Đến năm 2011, các dãy nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng và nhà chùa có đơn đề nghị được tu sửa nâng cấp.
Trong nội dung đơn đề nghị mà Ban Xây dựng chùa Hương gửi UBND huyện Mỹ Đức ngày 18-4-2011 chỉ đề cập đến việc tu sửa và nâng cấp, tuy nhiên, sau một thời gian “tu sửa” thì công trình lừng lững với diện tích mặt sàn lên tới 400m2 đã mọc lên và nơi được thông qua duy nhất chỉ là UBND huyện Mỹ Đức, trong khi đó các cấp quản lý cao hơn là Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, Cục Di sản- Bộ VHTT&DL không hề hay biết. Bản thân Trưởng ban Quản lý Di tích danh thắng Hương Sơn Nguyễn Chí Thanh trong quá trình trao đổi với phóng viên liên tục khẳng định, đây là công trình phụ trợ, không thuộc vùng lõi di sản, không phải là di tích gốc và “chắc nhà chùa khi xây đã xin phép cấp trên rồi”.
Công trình xây dựng quy mô này chỉ cách chùa Thiên Trù vài chục bước chân
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo ANTĐ cũng đã có cuộc trao đổi với ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, theo đó Sở đã kiểm tra công trình xây dựng kể trên vào sáng 10-11-2015, bước đầu xác định, công trình xây dựng trái phép, nằm trong vùng lõi của di sản (phạm vi bảo tồn nguyên trạng, phá vỡ cảnh quan di tích). Ông Trương Minh Tiến khẳng định, trong quá trình xây dựng UBND huyện Mỹ Đức không hề thông qua Sở VHTT Hà Nội.
Bên cạnh đó, PV ANTĐ đã liên hệ với ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa và được biết, Bộ VHTT&DL không nhận được văn bản xin thỏa thuận nào về việc xây dựng kể trên.
Cận cảnh phù điêu lai căng ở chùa Hương
Kể cũng lạ, suốt từ cuối năm 2013 tới nay, một công trình với quy mô lấn át các công trình kiến trúc khác mọc lên tại nơi đáng ra cần bảo tồn nguyên trạng hoặc giả nếu có tu sửa thì phải thực hiện theo các quy định hết sức ngặt nghèo mà không một cơ quan quản lý nào biết.
Hình ảnh "linh thú" này theo PGS.TS Trần Lâm Biền là sự sao chép vụng về và kém hiểu biết
Những tưởng, ở một di tích quan trọng bậc nhất của Thủ đô, nơi được chăm sóc kỹ đến từng viên gạch lát nền sẽ không có chuyện "qua mặt" cơ quan quản lý mà xây dựng không phép, chuyện vốn xảy ra như cơm bữa thời gian gần đây ở nhiều di tích. Ấy thế mà, chùa Hương bỗng dưng lại ghi tên mình vào "bản danh sách đen".