Bất ngờ với kết quả thử nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới

ANTD.VN - Nhiều bất ngờ sau khi Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới chạy thử nghiệm 48 trường tại 6 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Vùng khó khăn dạy tốt hơn thành thị

6 địa phương được lựa chọn chạy thử nghiệm chương trình mới đại diện cho các vùng kinh tế - xã hội trong cả nước, gồm Hà Nội, Lào Cai, Bình Định, Lâm Đồng, Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo thành viên Ban soạn thảo, kết quả thử nghiệm cho thấy một số bất ngờ ở chỗ khi chưa thực nghiệm thì nghĩ rằng ở khu vực thành thị sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, điều ngược lại đã xảy ra, một số giờ lên lớp chưa đạt yêu cầu lại thuộc về trường học ở nội thành Hà Nội.

Ban soạn thảo đã tham dự những giờ học gây ấn tượng mạnh lại là ở địa bàn xa xôi như ở trường Trần Đại Nghĩa, huyện Cái Răng, Cần Thơ, dù điều kiện dạy học khó khăn nhưng giáo viên đã tổ chức được giờ học mà thầy và trò tương tác với nhau rất tốt.

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên chương trình môn Khoa học tự nhiên cho rằng, chương trình có soạn tốt là mấy cũng chỉ như bản thiết kế của một ngôi nhà, chất lượng xây dựng thế nào phụ thuộc vào người thợ, ở đây là các giáo viên. 

Ông Tuấn đánh giá tình hình chung là khả quan, khi nhận thấy nhiều giáo viên từ chỗ bỡ ngỡ ban đầu, sau khi được hướng dẫn đã làm chủ được phương pháp dạy học mới, tạo ra không khí hoạt động tích cực trong lớp học.

“Khó khăn mà hầu hết giáo viên phản ánh là về các thiết bị dạy học, nhưng cái khó nhất theo tôi chính là năng lực đổi mới phương pháp dạy học. Qua dự giờ, tôi thấy có cô giáo không biết cách tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh. Nhưng chỉ mất vài giờ chỉ dẫn thì các thầy cô đã dạy một giờ học rất ưng ý”.

Không phải giáo viên nào cũng biết cách thay đổi phương pháp giảng dạy, tổ chức hoạt động nhóm

PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn đánh giá, việc chuyển từ phương pháp dạy học nội dung sang năng lực cực kỳ khó khăn đối với các giáo viên Ngữ văn. “Giáo viên trước nay quen thuyết trình cách hiểu, cách cảm của mình về một bài văn, bây giờ phải tổ chức các hoạt động để học sinh tự tìm ra là cực kỳ khó. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận những lúng túng, chệch choạc ban đầu. Được tập huấn tốt, chắc chắn giáo viên dần dần sẽ thực hiện chương trình tốt hơn” - ông Thống nói.

TS Nguyễn Thị Thu Hoài, thành viên Tiểu ban soạn thảo Chương trình môn Giáo dục công dân cho rằng việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. “Nếu giáo viên hiểu đúng, hiểu rõ những điểm mới về nội dung và phương pháp dạy học trong chương trình lần này thì sẽ thực hiện được và ngược lại nếu không hiểu đúng và không chịu đầu tư, tự đổi mới mình thì sẽ khó thành công” – TS Hoài khẳng định . 

Tiếp tục sửa đổi chương trình sau thử nghiệm

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình phổ thông mới cho biết: “Việc tổ chức thực nghiệm nhằm đánh giá tính khả thi và tác động của chương trình các môn học đến hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh. Thực chất là thực nghiệm những nội dung, phương pháp dạy học, cách thức đánh giá mới”.

GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định, quá trình thử nghiệm cho thấy không phải giờ dạy nào cũng thành công. Chính đây lại là những yếu tố cần thiết giúp Ban soạn thảo đánh giá, nhìn nhận công việc của mình để hoàn thiện tiếp.

TS Bùi Phương Nga, Chủ biên chương trình môn khoa học ở cấp tiểu học, cho biết: “Chúng tôi tổ chức thực nghiệm CT là để nhận phản ánh trung thực về thực tế, chứ không muốn tự lừa dối mình, không muốn “ăn bánh vẽ” rằng CT là rất tốt, rất hoàn hảo.

Quá trình thực nghiệm cho thấy có không ít vấn đề chưa được như mong muốn nhưng chúng tôi hài lòng ở chỗ giáo viên và học sinh, dù ở vùng dân tộc thiểu số, không chuẩn bị trước, không “cầm tay chỉ việc” nhưng đã tổ chức được một giờ dạy có thể đánh giá là đạt yêu cầu của CT mới”.