Bất ngờ vì khán giả yêu cầu chiếu lại phim chiến tranh

ANTĐ - Lâu nay,  phim về đề tài chiến tranh dù được đầu tư vài tỷ hay đến cả chục tỷ đồng đều có chung số phận “cất kho” chỉ sau vài ngày công chiếu trong một dịp kỷ niệm hay ngày lễ nào đó. Vậy nên việc có một bộ phim chiến tranh được khán giả đề nghị chiếu lại ngoài rạp quả là chuyện xưa nay hiếm!
Bất ngờ vì khán giả yêu cầu chiếu lại phim chiến tranh ảnh 1

“Người trở về” được chiếu lại theo yêu cầu khán giả

Khán giả chưa thỏa “cơn khát”

Đó là bộ phim chiến tranh do Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất - “Người trở về” vừa được công chiếu rộng rãi trong dịp 2-9 vừa qua. Cũng như nhiều phim lịch sử được đặt hàng để chào mừng các ngày lễ lớn, đạo diễn Đặng Thái Huyền dường như đã xác định trước việc phim của mình có thể chỉ ra rạp ngắn ngày rồi rơi vào cảnh “đắp chiếu” xếp kho. Song bất ngờ ở chỗ, vài suất chiếu trong dịp lễ 2-9 có vẻ như chưa thỏa “cơn khát” của người xem.

Như chia sẻ của đại diện lãnh đạo Trung tâm Văn hóa Kim Đồng thì “Người trở về” đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả, thậm chí không ít người còn gọi điện, gửi thư đến để bày tỏ sự xúc động với phim và mong muốn được chiếu lại. Đây là lần đầu tiên Trung tâm Văn hóa Kim Đồng nhận được rất nhiều lời đề nghị chiếu lại một bộ phim về đề tài chiến tranh, mà lại là phim do một đơn vị Nhà nước sản xuất.

Thông tin một bộ phim chiến tranh được đơn vị chiếu phim chủ động đề nghị với đơn vị sản xuất hợp tác để chiếu lại theo yêu cầu của khán giả, nghe cứ như… chuyện đùa. Và cũng là chuyện lạ, những buổi chiếu bộ phim này  rạp đều chật kín người xem. Thậm chí có khán giả còn không ngại ngồi bệt dưới bậc cầu thang để xem từ đầu đến cuối. Đặc biệt, trong số những khán giả tìm đến với “Người trở về”, thú vị là có không ít người trẻ. Phim điện ảnh đầu tay của một đạo diễn thuộc thế hệ 8X, lại làm về đề tài chiến tranh mà “hot” như thế, quả là điều không tưởng!

Bất ngờ vì khán giả yêu cầu chiếu lại phim chiến tranh ảnh 2

Đạo diễn Đặng Thái Huyền với góc nhìn của thế hệ 8x đã làm nên “hiện tượng” phim chiến tranh Việt Nam 

Có dễ “trụ” nếu như bán vé?

Các phim chiến tranh do đơn vị Nhà nước đầu tư sản xuất hoặc đặt hàng sản xuất khi chiếu ngoài rạp đều không mang tính thương mại, tức là không bán vé. Kể cả “Người trở về” cũng vậy, tất cả các buổi chiếu, dù là chiếu đi hay chiếu lại đều mở cửa miễn phí. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cả rạp Kim Đồng lẫn Điện ảnh Quân đội Nhân dân chẳng lãi gì từ việc chiếu lại bộ phim này, ngoài “lãi” tình cảm từ phía người xem. Thế nhưng để “lãi” được tình cảm không phải chuyện dễ, vì trước đó từng có không ít phim Nhà nước phải “xếp kho”, thỉnh thoảng đến dịp lễ hay ngày kỷ niệm nào đó lại được  đem ra chiếu. Tất nhiên miễn phí, nhưng khán giả vẫn không mặn mà gì.

Việc “Người trở về” được chiếu lại theo yêu cầu khán giả không đồng nghĩa với việc phim sẽ bán được vé nếu như chiếu thương mại. Nói theo lời của đạo diễn Vương Đức - Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam thì chỉ cần nói với các nhà phát hành là phim về đề tài chiến tranh thì họ sẽ không ngần ngại lắc đầu từ chối khéo.

Hãng phim truyện Việt Nam cũng từng nếm mùi thất bại khi đạo diễn Thanh Vân nỗ lực đưa bộ phim “Sống cùng lịch sử” ra rạp. Tuy nhiên, chỉ riêng việc được đơn vị chiếu phim chủ động “gõ cửa” mượn bản phim để chiếu phục vụ người xem cũng là điều cá biệt của “Người trở về” mà trong nhiều năm trở lại đây chưa có bộ phim chiến tranh nào làm được. 

Còn một điều đặc biệt nữa là sắp tới đây vào cuối tháng 9, “Người trở về” sẽ Nam tiến, thậm chí còn được tập đoàn phát hành phim CJ CGV bày tỏ mong muốn đưa vào trình chiếu trong khuôn khổ chương trình “Art House” -  nơi tuyển chọn những bộ phim có giá trị nghệ thuật của điện ảnh Việt Nam và Hàn Quốc. Có điều, các phim chiếu trong chương trình này đều bán vé và đây là cơ hội để bộ phim này “đo” sự quan tâm của khán giả bằng doanh thu.

Nghệ sĩ Phạm Cường, lãnh đạo Điện ảnh Quân đội bày tỏ phim làm ra phải được đặt trước công chúng, giống như cá phải được nuôi dưỡng trong nước mới lớn được. Mà để làm được điều này, chỉ nhà làm phim nỗ lực thôi chưa đủ, mà có lẽ cần nhất vẫn là khán giả phải…yêu cầu!.