Bất lực ở Trung Đông, Trung Quốc mới thấy mình nhỏ bé

ANTĐ - Cuộc chiến ở Syria đã phơi bày một sự thật phũ phàng, Trung Quốc đã mất rất nhiều lợi ích ở Trung Đông nhưng họ không thể làm gì để cứu vãn tình trạng đó. Đến giờ người ta càng hiểu tại sao Mỹ vẫn coi Nga là đối thủ lớn nhất của họ chứ không phải là Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng Syria đang được đẩy lên tới cao trào, hiện tại tuy Đức từ chối tham gia ngay từ đầu, Anh đã rút lui, Pháp và Mỹ đang chờ quyết định của Quốc hôi Mỹ, nhưng các tàu chiến Anh, Pháp, Mỹ vẫn đang thường trực ở Địa Trung Hải. Cực bên kia, Nga cũng điều động biên đội tuần dương hạm có khả năng tấn công hạt nhân đến khu vực này, thực hiện chính sách “ngoại gia pháo hạm”. Còn Trung Quốc thì ở đâu?

Một thực tế phũ phàng nhưng không thể phủ nhận là hải quân Trung Quốc không có khả năng tác chiến xa bờ quá 500km, chứ đừng nói là gửi quân đến Trung Đông. Đối với 1 khu vực có vị trí địa – chính trị quan trọng, lại có quan hệ mật thiết đến an ninh năng lượng của mình, mà ảnh hưởng của Trung Quốc rất mờ nhạt, vô phương bảo vệ lợi ích của mình, đóng vai trò của một “kẻ bị hại”.

Mỹ và đồng minh luôn uy hiếp đến Syria, mà Trung Quốc khoanh tay không biết làm gì, trong khi họ chính là người có lợi ích bị đe dọa nhiều nhất. Trung Đông chính là “rốn dầu” của thế giới, khu vực này bất ổn, nền kinh tế lớn thứ 2 của thế giới có nguy cơ khủng hoảng. Trong 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 83 triệu tấn dầu thô từ Trung Đông, chiếm một nửa trong tổng số dầu thô nhập khẩu vào Trung Quốc.

Trên thực tế, dầu thô Trung Quốc nhập vào chủ yếu đến từ các nhà cung cấp hàng đầu như Saudi Arabia, Iran, Iraq, Oman và Các Tiểu Vương Quốc Ả-rập Thống nhất. Mặc dù Trung Quốc có rất ít lợi ích kinh tế ở Syria, nhưng Syria lại có vai trò chiến lược trong việc đảm bảo sự ổn định ở Trung Đông. Nếu Syria bị tấn công, Saudi Arabia có thể sẽ bị Nga triệt hạ, hơn nữa, Iran cũng sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Cuộc tấn công vào Syria hoàn toàn có thể khơi mào cho một cuộc chiến tranh khu vực.

Hạm đội Trung Quốc mới chỉ đủ lực loanh quanh ở vùng biển gần


Tuy Trung Quốc có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình, chiến hạm hạng nặng, thậm chí đã có tàu sân bay đầu tiên, nhưng hải, không quân của họ không hề có kinh nghiệm thực chiến. Hải quân Trung Quốc cũng đã có những chuyến viễn hành đầu tiên, khi họ cử các biên đội tàu tham gia chống cướp biển ở vịnh Aden - Somalia từ năm 2009, nhưng đó là hoạt động trong thời bình và đối phó với vài tàu lẻ tẻ “hạng ruồi” của bọn cướp biển.

Chuyên gia quân sự Australia Ross Babbage thẳng thắn chỉ ra: “Nói đến hành động can dự tích cực giống như Mỹ và đồng minh có thể tiến hành đối với Syria, thì quân đội Trung Quốc không có khả năng này. Bất luận là về quân sự hay ngoại giao, Bắc Kinh đừng hy vọng can thiệp sâu vào khu vực Trung Đông. Không giống như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc không hề có ảnh hưởng gì ở khu vực này”.

Trung Đông là địa bàn tranh giành ảnh hưởng của Nga với Mỹ và các đồng minh suốt từ thập niên 60 của thế kỷ 20 đến nay, Trung Quốc không có cơ để chen chân vào khu vực này. Tiếng nói của Bắc Kinh không có ý nghĩa quyết định đối với bất cứ nước nào ở đây, kể cả Tehran. Nếu Mỹ tiến đánh Syria, sẽ kéo theo hệ lụy cho Israel, Iran, Saudi Arabia…, khu vực này chắc chắn sẽ bất ổn kéo dài.

Nếu chính phủ của Tổng thống Assad sụp đổ thì cả khu vực chỉ còn mỗi Iran đối đầu với Mỹ, trước sau cũng bị Mỹ hạ nốt, “Chú Sam” sẽ đánh bật ảnh hưởng của “Gấu Nga” và độc chiếm cả Trung Đông, lúc đó họ sẽ khống chế mỏ dầu lớn nhất thế giới. Hiện nay, gần 50% lượng dầu thô của TQ là nhập từ Trung Đông, lúc đó Trung Quốc sẽ bị bóp nghẹt, nên Bắc Kinh rất muốn ngăn Washington đánh Damascus nhưng lực bất tòng tâm.

Lợi ích cốt lõi của mình bị đe dọa nhưng Trung Quốc chỉ đóng vai trò trung gian hòa giải mờ nhạt

Việc Trung Quốc xác định không can dự được vào Trung Đông đã thể hiện trong chiến lược chuyển hướng nguồn cung dầu mỏ sang châu Phi của họ. Chiến lược này bắt đầu cách đây khoảng 5 năm và được đẩy mạnh trong 2 năm trở lại đây. Hiện nay, Đại Lục đang dùng chiêu viện trợ kinh tế không hoàn lại, cho vay tiền mua hàng hóa giá rẻ, viện trợ quân sự để đổi lấy các hợp đồng dầu mỏ của các nước nghèo châu Phi.

Tuy nhiên, “Lục địa đen” không phải là sự thay thế hoàn hảo cho Trung Đông trong lĩnh vực cung cấp dầu mỏ, bởi vì năng lực sản xuất của họ còn hạn chế, hơn nữa trữ lượng đã thăm dò được cũng thấp hơn rất nhiều. Ngoài ra, môi trường chính trị của châu Phi cũng không phải là điều kiện lý tưởng. Các vấn nạn nội chính bất ổn, chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia đang trỗi dậy, chính biến quân sự, nội chiến liên miên đang trở thành điểm yếu cố hữu.

Một chuyên gia về các vấn đề Trung Đông thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận xét, Trung Đông bất ổn thì Trung Quốc cũng không yên. Iran đã từng lớn tiếng dọa, nếu Mỹ đánh Syria thì họ sẽ phong tỏa eo biển Hormuz, cắt đứt tuyến vận tải chiến lược, chiếm 40% lượng dầu mỏ thông thương của thế giới. Vì vậy, Trung Đông ổn định là điều Trung Quốc luôn mong muốn, nhưng Trung Quốc không đủ thực lực giúp khu vực này có hòa bình.

Năm ngoái, Thiếu tướng La Viện, viên lĩnh xướng "dàn hỏa lực mồm" của Trung Quốc, cho biết trên tờ “Nhân dân nhật báo”: “Chúng ta không thể nghĩ rằng các vấn đề của Syria và Iran không có liên quan gì tới Trung Quốc, vì lượng dầu lớn ở đây đang bị đe dọa”.

Chính vì vậy chúng ta càng hiểu rằng Trung Đông có vai trò quan trọng như thế nào đối với Trung Quốc và việc họ không cất tiếng ở đây chỉ vì họ không thể làm gì được.