Bắt kẻ 10 năm chạy trốn và chuyện uống rượu để vận động đối tượng truy nã

ANTĐ - Bị Công an tỉnh Hòa Bình truy nã về tội mua bán trái phép chất ma túy, Tráng A Pha mang theo vũ khí nóng lẩn vào rừng giáp biên giới Việt - Lào. Khi bị vây bắt hắn lao thẳng xe vào tổ công tác để tìm đường chạy trốn.

Tổ công tác đi vận động đối tượng đầu thú

Đối tượng 10 năm trốn truy nã

Trung tá Đặng Văn Nghị, Đội phó Đội Truy nã, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Hòa Bình - người trực tiếp tham gia truy bắt đối tượng Tráng A Pha cho biết, Tráng A Pha sinh năm 1969, là người dân tộc Mông ở bản Co Tang, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định truy nã đặc biệt trên toàn quốc từ ngày 19-1-2004 về tội danh mua bán trái phép chất ma túy. Lật giở lại những trang hồ sơ về Tráng A Pha, Trung tá Đặng Văn Nghị tóm tắt nhanh về hành vi phạm tội của đối tượng này. Cách đây gần 10 năm, ngày 4-1-2004, Công an huyện Mai Châu (Hòa Bình) phát hiện xe ô tô BKS Hải Phòng đi theo hướng từ Sơn La về Mai Châu có nhiều biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên lái xe là Nguyễn Quang Huy (SN 1966, P. Máy Tơ, Q.Ngô Quyền - Hải Phòng) đã cho xe lao thẳng vào tổ công tác để chạy trốn. Lực lượng công an huyện Mai Châu đã phải rất vất vả để khống chế và bắt đối tượng. 

Kiểm tra trên xe của Huy, cơ quan công an đã phát hiện có 44 bánh heroin. Cùng trên chuyến xe này của Huy còn có Nguyễn Thị Hồng Thủy (vợ Huy). Trong quá trình đấu tranh mở rộng vụ án, cơ quan điều tra đã làm rõ đây là đường dây buôn bán ma túy lớn nhất Hòa Bình ở thời điểm đó. Trong suốt gần một năm, vợ chồng Huy - Thủy đã thực hiện 14 chuyến đi Mộc Châu (Sơn La) mua 366 bánh heroin. Tráng A Pha được xác định là một trong những đối tượng đã cung cấp ma túy cho đường dây của vợ chồng Huy - Thủy. Kết thúc quá trình điều tra, năm 2005, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã truy tố 10 bị cáo trong đó tuyên phạt 4 án tử hình và 2 án tù chung thân. Tráng A Pha cùng 2 đối tượng khác đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình ra quyết định truy nã đặc biệt trên toàn quốc.

Qua công tác nắm tình hình, các trinh sát của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm được biết, mặc dù lẩn trốn trong rừng, nhưng Tráng A Pha vẫn tranh thủ thời gian để về bản Co Tang thăm vợ con và gia đình. Đặc biệt trong gần 10 năm bỏ trốn, Tráng A Pha vẫn tiếp tục tham gia trong các đường dây buôn bán trái phép chất ma túy. Sau khi nắm chắc được quy luật hoạt động của đối tượng, đầu tháng 10 năm 2013 Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình lập chuyên án để bắt giữ đối tượng Tráng A Pha. Một tổ công tác của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Hòa Bình được cử về xã Lóng Luông (Vân Hồ - Sơn La) phối hợp cùng tổ công tác 279 của Công an tỉnh Sơn La để truy bắt đối tượng.

Xác định Tráng A Pha là đối tượng cực kỳ manh động, liều lĩnh và có thể sẽ mang theo vũ khi nóng nên kế hoạch vây bắt được tính toán cẩn trọng, tỷ mỷ đến từng chi tiết. Ngày 10-11, các trinh sát nhận được tin Tráng A Pha có thể sẽ trở về thăm nhà, quyết định phá án được đưa ra. Các trinh sát được hóa trang trong vai của những người đi rừng và người buôn bán nhỏ được bố trí mật phục trên đoạn đường mà đối tượng có thể sẽ đi qua. Đúng như dự đoán khoảng 10h ngày 11-11, có một đối tượng chạy xe máy xuất hiện từ phía rừng men theo lối mòn để trở về nhà. Xác định đó chính là Tráng A Pha, các mũi trinh sát được lệnh áp sát. Quá bất ngờ trước sự xuất hiện của chiến sĩ công an, Tráng A Pha lập tức lao thẳng xe máy vào các trinh sát hòng tìm đường tẩu thoát. Tuy nhiên các chiến sỹ trong tổ công tác đã dũng cảm quật ngã và khống chế đối tượng, đảm bảo an toàn cho lực lượng vây bắt. Tráng A Pha, ngay lập tức được tổ công tác đưa về Hòa Bình, bàn giao cho Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy.

NHìn thấy đối tượng mà không bắt được

Chuyên án bắt đối tượng Tráng A Pha chỉ là một trong số rất nhiều chiến công bắt tội phạm truy nã của Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, với Thiếu tá Hoàng Hải - Đội trưởng Đội Truy nã anh lại nhắc nhiều đến những câu chuyện xung quanh công tác vận động đối tượng truy nã ra đầu thú. Trong chuyên án truy bắt đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt Vàng A Khua năm 2010 tại bản Hang Kia 1, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, 3 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh khi gặp phải sự chống trả quyết liệt của đối tượng. Sự hy sinh, mất mát quá to lớn ấy đã đặt Công an tỉnh Hòa Bình phải quyết tâm thật sự trong việc vận động các đối tượng đầu thú.

“Bảo bối” để các anh có thể hoàn thành công việc của mình chính là Thông tư 71 của Bộ Công an về việc khoan hồng cho những đối tượng truy nã người Mông, xử dưới khung nếu ra đầu thú. Kèm theo đó là thư kêu gọi đầu thú của Công an tỉnh Hòa Bình, gửi trực tiếp cho từng đối tượng. Mất nhiều tháng ròng rã, các cán bộ của phòng truy nã thay nhau có mặt tại 2 xã trọng điểm là Hang Kia và Pà Cò (huyện Mai Châu) để làm công tác vận động. Ban ngày họ có mặt ở trong từng xóm, bản, đến tối lại rút ra ngoài. Thiếu tá Hoàng Hải kể: Thấy sự xuất hiện của chúng tôi, người nhà đối tượng hỏi thẳng: “Chúng mày là công an đến bắt người nhà tao à?”. Nếu như biết người đi vận động là những cán bộ cảnh sát bắt truy nã, thì họ sẽ lập tức từ chối không hợp tác nên buộc phải trả lời khéo léo: “Chúng tôi là công an, nhưng không phải công an đi bắt mà chỉ đi tuyên truyền thôi. Vừa rồi Chính phủ có chính sách mới với đồng bào Mông. Phạm tội ma túy bị tử hình nếu ra đầu thú thì sẽ được khoan hồng của pháp luật”. Lại có chuyện nhiều lần cán bộ đi vận động bị đối tượng nắn gân: “Chúng mày ở trong nhà, nhưng ở ngoài kia đang có mấy khẩu súng đang chĩa vào chúng mày rồi đấy”. Lúc đó các cán bộ truy nã lại phải nhẹ nhàng giải thích “chúng tôi đi giúp cho đồng bào Mông phạm tội được giảm nhẹ hình phạt, chứ có phải đi bắt người đâu mà ghét chúng tôi”.

Thông thường, trong những lần đi vận động, cán bộ của phòng Cảnh sát truy nã tội phạm cùng với những người có uy tín, chức sắc trong bản vào nói chuyện với từng gia đình có đối tượng truy nã. Sau đó gia đình mới cử người đi gọi đối tượng ở các lán trên nương, rãy của người Mông cách nhà  3-5 tiếng đồng hồ đi bộ. Thế nhưng cũng có nhiều lúc cán bộ phòng truy nã gặp giáp mặt với đối tượng truy nã nhưng vẫn không thể bắt. Lý do là bởi khi đã vào bản của người Mông thì bắt buộc phải tuân theo những luật lệ của họ. Khi người Mông bẻ lá cắm trước cổng nhà hoặc người vợ kê ghế ngồi trước cửa nhà là dấu hiệu trong nhà đang có người ốm, không ai được phép vào, kể cả với người Mông. Chính vì vậy mà nhiều lúc nhìn thấy đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm đang nhởn nhơ đi lại trong nhà như trêu ngươi nhưng cũng phải bấm bụng bỏ qua. 

Đối tượng truy nã mời công an... uống rượu

Thiếu tá Hoàng Hải tâm sự, trong những chuyến đi vận động có lần gặp phải những chuyện khôi hài như trong lần vận động đối tượng Vàng A Tủa. Trong lần đầu vào vận động, ngồi nói chuyện, khuyên nhủ đối tượng ra đầu thú, Vàng A Tủa chỉ bảo “để xem đã”. Đến một ngày khác mời Vàng A Tủa ra ủy ban xã làm việc, đối tượng bảo “không ra ủy ban đâu, thôi hôm nay về nhà tao uống rượu”. Vậy là các cán bộ bắt truy nã đành về theo Tủa. Trong mâm rượu, một bên là cán bộ bắt truy nã, một bên là đối tượng truy nã, khi rượu đã tới tới các cán bộ mới dùng lời lẽ chân tình khuyên giải “bây giờ mày còn trẻ ra đầu thú đi để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật còn cơ hội để làm lại cuộc đời, không đến lúc bắt được là tử hình thật đấy”. Sau vài chén rượu, Tủa cũng nghe theo lời khuyên và ra đầu thú.

Từ việc xây dựng và củng cố niềm tin đã có nhiều đối tượng tự nguyện ra đầu thú và được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Như trường hợp của Khà A Táu ở Hang Kia có lệnh truy nã đặc biệt do phạm tội vận chuyển ma túy với số lượng lớn. Với tội danh trên, nếu bị bắt Khà A Táu chắc chắn sẽ phải nhận bản án tử hình, nhưng được tạo điều kiện cho ra đầu thú, Khà A Tàu chỉ phải chịu mức án 15 năm tù giam. Hay như Vàng A Tủa cũng chỉ phải chịu án 10 năm tù. Các đối tượng truy nã khác được sự vận động của cán bộ truy nã và thấy được sự khoan hồng của pháp luật cũng đã tự nguyện ra đầu thú.

Có thể nói, nhờ chủ trương và cách làm đúng nên số đối tượng truy nã ở đặc biệt nguy hiểm về tội buôn bán ma túy ở 2 điểm nóng Hang Kia và Pà Cò đã giảm một cách đáng kể. Từ chỗ có trên 20 đối tượng, đến nay chỉ còn khoảng 3 đối tượng vẫn còn lẩn trốn ngoài vòng pháp luật.