"Bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng là hành vi của người không bình thường!"

ANTD.VN - Đó là lời khẳng định của chuyên gia truyền thông, tâm lý Nguyễn Ngọc Long khi được hỏi về trường hợp cô giáo tại TP Hải Phòng phạt học sinh nữ phải uống nước vắt từ giẻ lau bảng đang gây phẫn nộ. Bởi theo vị chuyên gia này, không một hình phạt nào trong khuôn viên sư phạm có thể khủng khiếp, phi nhân tính và mang nặng tính làm nhục người khác đến như vậy. “Phải coi đó là hành vi của một người có tâm lý không bình thường…”, chuyên gia khẳng định.

Thời gian qua xuất hiện nhiều vụ việc giáo viên phạt học sinh mắc lỗi bằng những hình thức mang tính “làm nhục” như: Bắt quỳ, cho phép các bạn cùng lớp tát vào mặt, hay gần đây nhất là hành vi khó tưởng tượng của một cô giáo chủ nhiệm lớp 3 ở TP Hải Phòng, khi vắt nước từ giẻ lau bảng và bắt học sinh nữ… uống.

Những hình phạt đó khiến dư luận vô cùng phẫn nộ, và khó lý giải vì sao những người đứng trên bục giảng lại có thể nghĩ ra cách “làm nhục” tinh thần và bạo hành thể xác trẻ như vậy.

"Bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng là hành vi của người không bình thường!" ảnh 1

Chuyên gia cũng cảm thấy "choáng váng" với hành vi ép học trò uống nước vắt từ giẻ lau bảng của cô giáo chủ nhiệm lớp 3

Để đi tìm một lời giải thích, PV Báo ANTĐ đã phỏng vấn anh Nguyễn Ngọc Long – một chuyên gia truyền thông có thời gian nghiên cứu lĩnh vực tâm lý và cũng thường xuyên đứng trên bục giảng. Trước khi bày tỏ quan điểm, vị chuyên gia này đã phải thừa nhận “quá khó” để lý giải hành vi độc ác của nữ giáo viên ở Hải Phòng, và khẳng định…

“Đó không phải là hình phạt!”

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long bày tỏ rằng, khi nắm thông tin về sự việc, anh đã “khựng lại, suy nghĩ rằng tại sao cô giáo có thể làm được điều kinh khủng vượt ngoài hình dung, sức tưởng tượng như vậy”.

“Tôi ở lứa tuổi 8x, và ở tuổi đó, hẳn nhiều người vẫn còn lưu lại những ký ức tuổi thơ khi bị các thầy cô giáo phạt, với những hình thức ‘đáng sợ’ như cầm thước kẻ to gõ vào tay, cầm phấn hoặc giẻ lau từ trên ném xuống, vứt sách ra sân trường… Nhưng tôi phải khẳng định, những hình phạt đó vẫn có thể lý giải được, còn hành vi vắt nước giẻ lau bảng ra cho học sinh uống thì… không!”, chuyên gia Long bất bình.

Phân tích kỹ hơn, anh Nguyễn Ngọc Long cho rằng trong một hoàn cảnh cụ thể, chẳng hạn thầy cô giáo đang say sưa giảng bài, thấy có học sinh ngồi dưới không tập trung, làm việc riêng, thầy cô lấy phấn/giẻ lau ném xuống, không may trúng miệng của học sinh… thì điều đó còn “giải thích được”.

“Mặc dù nghe sơ qua, hậu quả ảnh hưởng tới học sinh có thể tương tự như trường hợp ở Hải Phòng, song đó là sự nóng giận nhất thời của giáo viên, nó bột phát và diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn. Khi đó, cô không có đủ thời gian và sự tỉnh táo để suy tính, suy xét có nên làm hay không, có gây ra hậu quả gì không, mặc dù nó vẫn là việc làm sai, song còn có cơ sở giải thích được. Nhưng ở trường hợp vắt giẻ lau bảng, cô giáo đó có thời gian, vì để vắt ra được một cốc nước, ít nhất cô ta phải mất 10 giây, và còn dùng lực. Trong khoảng thời gian đó, người ta có đủ thời gian nguôi ngoai hơn, nhất là khi dồn lực vào việc vắt giẻ. Ở đây, em học sinh thậm chí còn từ chối uống, song vẫn bị ép uống, bị cô vắt thêm nước vào, đó là một sự giằng dai, không còn là tức giận bột phát nữa”, anh Nguyễn Ngọc Long bày tỏ.

Do vậy, vị chuyên gia trên cho rằng, thậm chí phải coi hành vi cố tình, có chủ ý của cô giáo là biểu hiện của một người có tâm lý, thần kinh bất bình thường, có “ẩn ức tâm lý” và có xu hướng đối xử ngược đãi với mọi người xung quanh.

“Đó không thể coi là hình phạt được. Nó quá khủng khiếp, nhất là khi diễn ra trong một lớp tiểu học, nơi các học sinh còn nhỏ tuổi, mọi nhận thức mở rộng đều ở giai đoạn khởi đầu”, chuyên gia truyền thông và tâm lý nhấn mạnh.

Cần có bộ quy tắc ứng xử cho giáo viên, tránh hành vi kỳ dị

Khi được hỏi về vai trò của ngành sư phạm trong việc đào tạo ra những giáo viên “kỳ dị” như trường hợp cô giáo ở Hải Phòng, chuyên gia truyền thông, tâm lý Nguyễn Ngọc Long thẳng thắn cho rằng “đâu đó đã có sự thất bại của ngành sư phạm trong việc phát hiện ra những hành vi tâm lý bất thường của người đứng trên bục giảng”.

“Nói rộng hơn, đó là sự thất bại trong việc đào tạo đạo đức, khơi dậy tình yêu thương con người trong trái tim của một bộ phận những người làm nghề giáo. Giáo trình không phải chỉ đề cập tới cách truyền tải kiến thức, mà còn cần phải làm bật lên được vai trò của sự đồng cảm, tình yêu thương giữa người với người. Nếu sinh viên sư phạm không có được điều đó, chương trình đào tạo cần giúp họ nhận ra rằng họ đã chọn sai nghề…”, anh Nguyễn Ngọc Long chia sẻ.

"Đâu đó đã có sự thất bại của ngành sư phạm, vì không phát hiện ra được những giáo viên tương lai có hành vi tâm lý bất thường", chuyên gia truyền thông và tâm lý Nguyễn Ngọc Long

Vị chuyên gia trên cũng kiến nghị cần có một bộ quy chuẩn hành vi cho giáo viên, trong đó hướng dẫn cho họ biết họ nên làm gì, không được làm gì… để khi có một chế tài và quy chuẩn rõ ràng, người làm nghề đứng trên bục giảng sẽ biết cách làm tròn bổn phận nghề nghiệp, tránh những kiểu phạt mang tính làm nhục như bắt quỳ, cho bạn bè đồng trang lứa đánh học sinh, hay… vắt nước giẻ lau bảng bắt uống.

“Đừng bao giờ cho rằng phải dùng bạo lực, dùng hình phạt nặng thì mới uốn nắn được những học sinh hư, ngỗ nghịch. Hãy nhìn xem cách làm đó có giúp các em trở nên đàng hoàng, tử tế hơn hay không? Chỉ hình phạt nào xuất phát từ một trái tim biết yêu thương thì mới có tác dụng. Tôi tin rằng những giáo viên ‘lỗi’ trong các sự việc gây phẫn nộ vừa qua mới chỉ tốt nghiệp về mặt kiến thức, còn bằng tốt nghiệp về cảm xúc và tình thương thì họ vẫn chưa được nhận”, anh Nguyến Ngọc Long bày tỏ.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia truyền thông và tâm lý cũng khẳng định, phụ huynh cần trở thành điểm tựa vững chắc cho con em, để khi gặp bất kỳ vấn đề khó khăn nào, các em có thể mạnh dạn tìm tới cha mẹ chia sẻ.

“Một khi thu hẹp được cách biệt về mặt tuổi tác, quan điểm, góc nhìn… thì cha mẹ sẽ thực sự trở thành người bạn của con. Khi đó, nếu các con gặp vấn đề khó khăn, cha mẹ sẽ thành chìa khóa giúp đỡ hiệu quả. Đừng để các con sợ bố mẹ, sợ thầy cô, và chôn vui mọi ẩn ức, mọi sợ hãi vào trong và tự mình chịu đựng! Hậu quả sẽ rất khó lường, cho cả gia đình và xã hội!”, vị chuyên gia chốt lại.