Bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng: "23 năm làm hiệu phó, hiệu trưởng, đời tôi chưa từng thấy!"

ANTD.VN - Một nữ giáo viên từng có 23 năm kinh qua các vị trí hiệu phó, hiệu trưởng các trường tiểu học ở tỉnh Thái Bình đã phải thốt lên "đời tôi chưa từng thấy" khi nghe thông tin về việc cô giáo bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng ở Thái Bình. Có lẽ, với cô giáo của "thế hệ cũ" này, việc giải thích hành động ác động như vậy của một cô giáo trẻ "thế hệ mới" là điều quá khó khăn...

Cô Nguyễn Thị Tuyết (74 tuổi, trú tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) là giáo viên đã có hơn 23 năm giữ các vị trí hiệu phó, hiệu trưởng ở các trường tiểu học trên địa bàn. Khi chia sẻ về cách hành xử của nữ giáo viên ép học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng ở Hải Phòng, cô Tuyết đã phải thốt lên “đời tôi chưa từng gặp một trường hợp nào như thế..."

“Đó không phải là hành vi của một người thầy”

Cô Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ rằng, nhà giáo là người làm công việc trồng người, vì hai chữ "trồng người" ấy mà phải kiên trì, nhẫn nại để giáo dục các em trở thành những công dân tốt trong xã hội.

Cô kể, ngày trước học sinh cũng rất nghịch ngợm, có em nói chuyện riêng trong lớp, thậm chí văng tục, đánh nhau trong giờ học,… Để ứng phó với những trường hợp ấy, các cô thường phạt các em đứng ở góc lớp, đứng nghiêm tại chỗ, phạt trực nhật...

"Mục đích của những hình phạt này là giúp các em nhận ra việc làm sai của mình, để rồi tự điều chỉnh, không làm những việc gây ảnh hưởng đến thầy cô và các bạn khác nữa. Còn hành vi phạt uống nước vắt từ giẻ lau bảng không phải là hành vi của một người thầy", nữ giáo viên dày dặn kinh nghiệm chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Tuyết trải lòng về câu chuyện đau lòng trong quan hệ thầy - trò ở Hải Phòng

Trong trường hợp vi phạm của học sinh vẫn còn tái diễn, giáo viên sau khi tan học, hoặc trước khi vào học, sẽ đến gặp riêng từng em học sinh cá biệt để nói chuyện, chỉ ra cái sai của em ấy, nêu lên những mặt tốt để em tích cực phát huy, hỏi han em có khó khăn gì để thầy cô có thể giúp đỡ...

"Sau đó, nếu các em vẫn chưa chịu thay đổi, thì giáo viên sẽ đến nhà phụ huynh để trao đổi với gia đình, để gia đình cùng với nhà trường kết hợp giáo dục các em được tốt hơn", cô Tuyết khẳng định.

Trên góc độ quản lý và chia sẻ kỹ năng sư phạm, cô Tuyết cho biết, hằng tuần hoặc hằng tháng, Ban giám hiệu vẫn thường có những cuộc họp định kỳ. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm từng lớp sẽ lên báo cáo tình hình lớp học, nêu ra tình hình về cả những học sinh hư, và những học sinh này sẽ được mọi giáo viên trong cuộc họp chú ý quan tâm, phân công hoặc đưa chỉ dẫn cho giáo viên chủ nhiệm để giúp đỡ em tiến bộ.

“Phạt như thế không giải quyết gì, mà chỉ... làm nhục học sinh!"

Bình luận về kiểu phạt bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng, cô Nguyễn Thị Tuyết khẳng định đó là kiểu phạt "không giải quyết được gì", mà chỉ đơn thuần là hành động làm nhục học sinh, rồi trở thành cái cớ để các bạn học sinh khác chế giễu em học sinh đó.

Khi đề cập tới vấn đề áp lực, cô Tuyết bày tỏ, không chỉ nghề giáo mới có áp lực mà bất cứ ngành nghề nào cũng có. Bởi vậy, không phải vì áp lực mà giáo viên có quyền "xả" lên các em, thậm chí nếu thấy áp lực quá thì... nộp đơn xin thôi việc.

"Nếu giáo viên kia làm việc tại trường của tôi, thì trước tiên, tôi sẽ gặp riêng cô ấy để nhắc nhở việc cô dùng hình phạt ấy là không phù hợp, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đây là khuyết điểm của cô, cô nên sửa đổi; thứ hai, nếu giáo viên đó vẫn tiếp tục tái diễn, nhà trường sẽ họp hội đồng kiểm điểm giáo viên, và không cho phép giáo viên đó sử dụng hình phạt này; thứ ba, nếu cô ấy vẫn không thay đổi, chúng tôi chỉ còn cách là báo cáo lên cấp trên để đề nghị hình thức kỷ luật thích đáng", cô Tuyết bày tỏ.