Bất động sản vẫn “khát” vốn

ANTĐ - Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nới tín dụng đối với một số lĩnh vực liên quan tới bất động sản (BĐS). Thế nhưng, liều thuốc “tăng lực” này là chưa đủ trong bối cảnh thị trường tuột dốc khá sâu và nhiều doanh nghiệp đang ngấp nghé bờ phá sản.

Thị  trường BĐS đình trệ ảnh hưởng lớn tới cơ hội việc làm của nhiều người (Ảnh minh họa)

Không chịu nổi khi cắt tín dụng

Tại Hội nghị doanh nghiệp ngành xây dựng tổ chức chiều 17-12, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng dự báo, năm 2012, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro; kinh tế - xã hội trong nước cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, mục tiêu tổng quát vẫn là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm tổng mức đầu tư toàn xã hội (còn 33,5% GDP), giảm đầu tư công, duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hợp lý 6 - 6,5%. Từ phân tích trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, đối mặt với tình trạng cắt giảm đầu tư công, tới đây, nguồn vốn cho phát triển công trình chắc chắn sẽ giảm, nguồn cung về vốn giảm, lãi suất tín dụng cao nên các doanh nghiệp ngành xây dựng buộc phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức chưa có tiền lệ.

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuduc House than thở: “Thị trường BĐS vốn đã trầm lắng nay lại càng khó khăn hơn khi thiếu nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, nhu cầu vay vốn để đầu tư BĐS bị hạn chế, đầu ra các dự án tắc nghẽn, sản phẩm không tiêu thụ được, cầu trên thị trường cạn kiệt...”. Đồng quan điểm, một số nhà đầu tư khác cũng than vãn: “Chính sách bất ngờ được ban hành và thực thi, đã làm nhiều doanh nghiệp BĐS không kịp chuyển đổi cơ cấu kinh doanh, nhiều dự án đang thực hiện dang dở không thể thu hút thêm vốn để triển khai dẫn đến tình trạng bị đình trệ hoặc tạm hoãn, khiến nhiều doanh nghiệp BĐS phải oằn mình gánh chi phí lãi vay và các chi phí đầu vào liên tục tăng cao”.

Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thừa nhận: “Hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và huy động của người dân, chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong tạo lập nhà ở. Vì vậy thị trường BĐS luôn bị tác động lớn khi có sự thay đổi chính sách tín dụng”.

Kiến nghị tiếp tục nới tín dụng

Cũng liên quan tới các giải pháp tài chính để cứu bất động sản, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (Horea) vừa đề xuất hàng loạt kiến nghị. Cụ thể, Horea cho rằng cần chú ý thêm đến việc mở “van” tín dụng cho cả các doanh nghiệp BĐS. Các địa phương cần kiến nghị Chính phủ không xếp ngành BĐS vào nhóm dịch vụ phi sản xuất, mà xếp vào ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện như Luật Doanh nghiệp đã xác định. Bởi lẽ, ngành BĐS sử dụng trung bình từ 17 đến 20 công lao động để có 1m2 sàn xây dựng, sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu (xi măng, sắt thép, điện, xăng dầu, vật liệu xây dựng…) tạo việc làm cho nhiều ngành khác.

Đi vào chi tiết hơn, Horea kiến nghị cho các doanh nghiệp BĐS đầu tư các dự án làm nhà ở cho thuê giá thấp hoặc bán cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, nộp ngân sách đầy đủ; các dự án đã hoàn thành đến 60%… thì vẫn được vay vốn tín dụng. Còn lãi suất cho vay hiện nay quá cao, đề nghị Nhà nước có lộ trình giảm xuống mức 15-16%/năm và duy trì ở khoảng 11-12%/năm như trước đây để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển ổn định và bền vững hướng tới an sinh xã hội.

Chia sẻ với các kiến nghị của Horea, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuduc House cho rằng, Nhà nước phải xây dựng được các cơ chế, chính sách nhằm tạo thêm nhiều kênh cấp vốn cho ngành BĐS như Quỹ Đầu tư, Quỹ Tín thác, Quỹ Tiết kiệm nhà ở. Đồng thời, bổ sung các công cụ tài chính phong phú cho thị trường chứng khoán và thị trường vốn cũng như từng bước giảm dần lãi suất tín dụng, tái cơ cấu và ổn định họat động của ngành ngân hàng... Đây mới là gốc của vấn đề. Ông nói: “Doanh nghiệp dù có cố gắng vùng vẫy cỡ nào cũng khó đứng vững được nếu không có sự thay đổi căn cơ ở một số chính sách hiện nay đang còn bất cập...”.