Bất động sản Hà Nội phải tạo lập được không gian sống văn minh

ANTD.VN - Với tốc độ đô thị hóa, sự phát triển sôi động của thị trường bất động sản (BĐS), nhu cầu sở hữu của người dân không chỉ là ngôi nhà mà còn là không gian sống. Do đó, việc đi tìm lời giải để tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội là yêu cầu bức thiết.

Đây là nhận định chung của các chuyên gia tại Hội thảo “Phát triển thị trường Bất động sản - Tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội” do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức sáng nay, 23-12.

Tại Hội thảo, nhiều vấn đề về quy hoạch, quản lý, phát triển thị trường BĐS Hà Nội đã được “xới” lên. Ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, trong một vài năm gần đây, nhiệm kỳ mới 2015-2020 của TP Hà Nội có chuyển biến rõ rệt. Tiêu biểu như vấn đề trồng cây xanh, tạo cảnh quan xanh của một đô thị xanh - sạch - đẹp; tổ chức phố đi bộ; cho phép kinh doanh, buôn bán về đêm; lộ trình giảm dần xe máy…

Thủ đô đang có những bước chuyển biến theo hướng văn minh hiện đại, hình thành các đô thị văn minh, bước đầu hình thành nếp sống thị dân. Tuy nhiên, theo ông thực trạng vẫn còn nhiều điều bức xúc, đặc biệt là giao thông, nhà ở, xử lý rác, môi trường.

Các chuyên gia cho rằng thị trường BĐS Hà Nội đã có những chuyển biến rõ rệt

Do đó, Hà Nội cần hoàn thiện, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quy hoạch phát triển Thủ đô, trọng tâm là công tác lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch phù hợp với quy định của pháp luật. Rà soát, điều chỉnh, thực hiện các quy hoạch có liên quan.

“Trước mắt, giai đoạn ngắn hạn, trong khi chờ đợi kết nối với các khu đô thị vệ tinh được dễ dàng hơn, có thể xem xét cấp phép các dự án mới theo phương thức “vết dầu loang”, từ khu vực trung tâm ra phía ngoài đô thị, nhằm mục tiêu phát triển hạ tầng đồng bộ, lan tỏa” – ông Nguyễn Trần Nam kiến nghị.

Ngoài ra, ông Nguyễn Trần Nam cũng đề xuất Hà Nội nhiều giải pháp giúp Hà Nội nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị hơn nữa như: Vận hành hệ thống chiếu sáng tiết kiệm; Cải tạo, nâng cấp, phát huy hiệu quả hệ thống các hồ nước, công viên, vườn hoa và chỉnh trang cây xanh đô thị; Tiếp tục công tác sắp xếp, dành lại vỉa hè cho người đi bộ; Tăng cường quản lý phương tiện giao thông; Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính…

Nhu cầu khách hàng bây giờ không chỉ là mua nhà mà còn là mua không gian sống

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, dù thị trường BĐS Hà Nội có những chuyển biến rõ rệt nhưng thời gian qua cũng bộc lộ những yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định.

“Có những giai đoạn thị trường phát triển quá nóng, nhiều dự án phát triển bất động sản được cấp phép không căn cứ vào quy hoạch phát triển đô thị, không có kế hoạch và không phù hợp với nhu cầu có khả năng thanh toán của thị trường. Nhiều doanh nghiệp không có chức năng, không đủ năng lực và kinh nghiệm cũng tham gia đầu tư bất động sản, dẫn đến tình trạng lệch pha cung - cầu…” – ông Nguyễn Mạnh Hà nêu thực trạng.

Qua đó, ông Nguyễn Mạnh Hà nêu ra 3 giải pháp để khắc phục những tồn tại trong thời gian tới như: Hạn chế phát triển các khu nhà ở mới trong các quận nội thành. Phát triển đô thị theo hướng xây dựng các đô thị hạt nhân với quy mô đủ lớn từ 500, 600 ha trở lên, với quy hoạch hiện đại, thông minh (Smart City). Đồng thời lựa chọn chủ đầu tư có tiềm lực về tài chính, có kinh nghiệm phát triển đô thị.

Về tài chính đô thị, ông Hà đề xuất tiền sử dụng đất, các loại thuế thu được của khu đô thị trước hết phải được đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị đấy. Qua đó có cơ chế tự chủ để chủ đầu tư tạo dựng các khu đô thị đồng bộ.

Cuối cùng, công tác đấu thầu các dự án phải công khai minh bạch, nghiêm túc để thu hút được các nguồn tài chính và các nhà đầu tư có năng lực kinh nghiệm.

PGS. TS. Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng đưa ra một số khuyến nghị để phát triển thị trường BĐS theo hướng hiệu quả, bền vững.

Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển thị trường BĐS như: Ban hành các quy chuẩn thiết kế công trình cao tầng trên địa bàn Hà Nội; Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý cao về thông tin BĐS; Xây dựng cơ chế hành chính đặc biệt cho Hà Nội, với vai trò là một siêu đô thị của cả nước…

Thứ hai, công khai hóa, minh bạch hóa các dự án quy hoạch, danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Thứ ba, khuyến khích mọi thành phần tham gia phát triển thị trường BĐS. Thứ tư, là xây dựng lối sống đô thị cho Hà Nội và người Hà Nội…