Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng:

Bất động sản đang ở đáy

ANTĐ - Hôm qua, 5-6, tại buổi giao lưu trực tuyến với người dân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, “hiện nay đang là đáy của bất động sản”. Tuy vậy, ông cũng thận trọng khuyên, “nếu mua nhà để kinh doanh thì cần nghiên cứu kỹ”.

- Bộ trưởng bình luận gì về tình trạng cấp đất tràn lan cho các dự án đầu tư xây dựng dẫn đến phá vỡ quy hoạch?

- Chúng ta phát triển đô thị nhưng thiếu quy hoạch chi tiết, đặc biệt thiếu thiết kế đô thị, điều lệ quản lý đô thị; công tác thiết kế đô thị còn lúng túng. Việc quản lý thực hiện quy hoạch còn bất cập, thiếu sự kiểm soát thống nhất, phân cấp quá nhiều cho địa phương... nên các dự án phát triển đô thị tự phát, phong trào. Trách nhiệm này thuộc về những cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, trong đó có Bộ Xây dựng.

- Đại bộ phận người làm công ăn lương không thể tạo lập được chỗ ở, Bộ trưởng suy nghĩ gì về điều này?

- Chiến lược nhà ở quốc gia đã đề ra hướng tương lai rất tốt về nhà ở cho người thu nhập thấp. Nhưng nhà ở là sản phẩm bất động sản (BĐS), xây dựng mất nhiều thời gian, nên cần có lộ trình dài hạn 10 năm và 20 năm. Thông qua nhiều hình thức, với sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân thì sẽ có đủ số lượng nhà ở xã hội và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân đang khó khăn về nhà ở.

- So sánh với thu nhập thì giá BĐS ở nước ta cao nhất nhì thế giới. Bộ trưởng có thể lý giải vì sao?

- Các nước khác nhau thì giá BĐS khác nhau. Giá nhà ở 

Singapore khác với ở Hồng Kông (Trung Quốc) và phụ thuộc vào sự khan hiếm... Ở Việt Nam, nhà ở khu phố cổ Hà Nội khan hiếm hơn so với các địa phương khác. Để giảm giá nhà, cần tạo ra nhiều nguồn cung, từng bước hạ giá phù hợp với khả năng thanh toán của người dân.

- Thị trường BĐS lệ thuộc sâu vào nguồn tín dụng ngân hàng, Bộ trưởng tháo gỡ điểm yếu này như thế nào?

- Thị trường BĐS hiện đang đóng băng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguồn vốn tín dụng. Nếu nguồn vốn tín dụng dồi dào, lãi suất thấp sẽ ảnh hưởng tốt đến thị trường, nếu vốn ít, lãi suất cao thì có tác động không tốt. Vốn tín dụng rất quan trọng nhưng phải với nguồn cung ổn định, lãi suất thấp và đặc biệt là phải hướng tới người mua nhà. 

- Theo Bộ trưởng, thị trường đã thoát khỏi “đáy” sụt giảm chưa?

- Hiện nay đang là đáy của BĐS, nhưng đáy này theo hình parabol hay chữ U thì phải nghiên cứu. Chắc không phải hình chữ U bởi thời gian BĐS ảm đạm đã quá dài, ở Hà Nội từ giữa năm 2011 còn TP Hồ Chí Minh từ năm 2009. Giờ đã có tín hiệu sáng hơn, số lượng các giao dịch đã tăng. Tuy nhiên, trong năm 2012, thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn.

- Có nên mua nhà để ở tại thời điểm này không, thưa Bộ trưởng?

- Nếu mua nhà để ở thì nên tìm kiếm các sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính của mình, còn nếu để kinh doanh thì cần nghiên cứu kỹ.

- Bộ trưởng có lời khuyên nào cho những nhà đầu tư BĐS tư nhân, nhỏ lẻ?

- Tôi không phải nhà kinh doanh BĐS, nhưng qua nghiên cứu, và đóng góp của các chuyên gia, cá nhân tôi cho rằng, lúc này, các doanh nghiệp cần bình tĩnh, nhìn toàn diện, tổng thể thị trường, phân tích các nguyên nhân, tồn tại của thị trường và phải can đảm, phải vững vàng để vượt qua khó khăn, chứ không ngã lòng, chán nản. Ngoài ra, phải khôn ngoan lựa chọn các giải pháp như cấu trúc lại doanh nghiệp, cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu hoặc liên doanh liên kết để trụ vững, cùng nhau vượt qua khó khăn.

- Giá nhà quá đắt nhưng chất lượng lại kém. Cách gì để ngăn chặn tình trạng làm ăn gian dối này?

- Có hiện tượng chất lượng ở một số công trình còn thấp, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư xây dựng, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với công tác quản lý xây dựng. Người dân có thể phản ánh chi tiết và cụ thể những công trình chung cư có vấn đề về chất lượng, chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan quản lý ở địa phương đến kiểm tra. Nếu phát hiện gian dối về chất lượng thì phải tìm ra nguyên nhân và quy trách nhiệm, hướng khắc phục. Kiên quyết không để tình trạng này tiếp diễn.