Bất đồng Mỹ - EU khoét sâu thêm chiếc hố ngăn cách giữa hai bờ Đại Tây Dương

ANTD.VN - Hội nghị thường niên Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia thành viên NATO bắt đầu với không khí u ám bao trùm bởi những bất đồng, mâu thuẫn sâu sắc giữa Mỹ và các đồng minh chủ chốt bên kia bờ Đại Tây Dương.

Bất đồng Mỹ - EU khoét sâu thêm chiếc hố ngăn cách giữa hai bờ Đại Tây Dương ảnh 1Mỹ và những thành viên NATO ở châu Âu đang bất đồng sâu sắc về hàng loạt vấn đề song phương cũng như quốc tế quan trọng 

Bộ trưởng Quốc phòng các thành viên liên minh quân sự NATO đã bắt đầu tại Thủ đô Brussels của Bỉ trong không khí nặng nề do những mâu thuẫn sâu sắc giữa Mỹ và các thành viên NATO nằm trong Liên minh châu Âu (EU). Điều này nghiêm trọng tới mức Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phải công khai tuyên bố đang cố gắng nỗ lực làm dịu mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa EU và với đồng minh Washington. 

Người đứng đầu NATO không nói rõ về những bất đồng giữa Mỹ và EU mà cho biết, hiện hai bên “đang tồn tại nhiều bất đồng nghiêm trọng”.  Tuy nhiên, ông Stoltenberg, Tổng Thư ký NATO đã dẫn ra các bất đồng giữa các nước thành viên NATO về vấn đề chiến tranh tại Iraq năm 2003 hay cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956 để so sánh, đồng thời mong các thành viên liên minh quân sự này “đoàn kết để thực hiện nhiệm vụ cốt lõi của NATO” bất chấp những khác biệt. 

Quan hệ giữa Mỹ và các thành viên EU trong NATO đột ngột xấu đi nghiêm trọng khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền tại Mỹ. Không chỉ khiến các thành viên NATO ở châu Âu bất bình với tuyên bố “NATO đã trở nên lỗi thời”, ông Donald Trump còn lớn tiếng yêu cầu các thành viên NATO ở châu Âu phải tăng chi tiêu quân sự lên mức tối thiểu 2% GDP như cam kết chung nhằm chia sẻ gánh nặng quốc phòng với Washington.

Theo Mỹ, dù cùng cam kết dành ít nhất 2% GDP cho chi phí quân sự, song phần lớn các thành viên NATO ở châu Âu đều chi thấp xa con số này. Điều này khiến Washington phải căng mình, “gồng gánh” tới 70% chi phí của NATO hàng năm, khiến ngân sách của Mỹ luôn bị thâm thủng nặng nề và nợ công không ngừng tăng cao.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng thẳng thừng chỉ rõ rằng Đức, cường quốc kinh tế thứ ba thế giới, song lại quá “hà tiện” trong chi phí quân sự. Theo đó, trong năm 2017, Đức chỉ chi 1,13% GDP của nước này cho quân sự, thấp hơn cả con số ước tính 1,22% trước đó của NATO và thấp xa mục tiêu 2% mà Mỹ yêu cầu.  

Gặp Tổng Thư ký NATO Stoltenberg trong chuyến thăm Mỹ ngày 17-5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã liệt kê những nước thành viên NATO ở châu Âu chưa chi đủ số tiền theo nghĩa vụ, đồng thời cảnh báo những nước này “sẽ bị xử lý”. Tổng thống Donald Trump đặc biệt chỉ đích danh Đức “chưa làm tròn nghĩa vụ”. 

Mâu thuẫn tiền bạc trong NATO chưa được giải quyết, hàng loạt mâu thuẫn khác giữa Mỹ và thành viên NATO trong EU lại liên tiếp nảy sinh, càng khoét sâu thêm chiếc hố ngăn cách giữa hai bờ Đại Tây Dương. Chính sách khó lường, thay đổi chóng mặt của chính quyền Tổng thống Donlad Trump khiến các đồng minh NATO ở châu Âu không chỉ thấy rõ bị xem thường mà còn cảm thấy bất an khi hàng loạt cam kết, thỏa thuận, hiệp định trước đây của chính quyền Mỹ với EU.  

Rất đáng chú ý là trong bối cảnh đồng minh hai bên bờ Đại Tây Dương đang ngày càng xa cách nhau thì EU bắt đầu đi những bước đi thực tế đầu tiên khi khởi động chương trình Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) nhằm mở đường cho việc thành lập Quân đội châu Âu của riêng EU. Bất đồng giữa Washington và EU càng lớn, tốc độ lập đội quân riêng của châu Âu có lẽ càng nhanh.