"Bật đèn xanh" cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên 3.0

ANTD.VN - Khả năng về Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ ba giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lại xuất hiện một cách khá rõ ràng theo những tín hiệu mới phát đi.

"Bật đèn xanh" cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên 3.0 ảnh 1Dư luận đang trông đợi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ ba để phá vỡ bế tắc trong tiến trình phi hạt nhân hóa

Tín hiệu sáng sủa nhất là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đã nhận được một bức thư mà ông gọi là “rất nồng ấm” của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đúng vào dịp kỷ niệm 1 năm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên trong lịch sử giữa một Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, vào ngày 12-6-2018 tại             Singapore. Dù không tiết lộ nội dung bức thư, song Tổng thống Donald Trump nói rằng ông và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có một “mối quan hệ rất tốt”, đồng thời bày tỏ lạc quan về những điều tích cực sắp tới.

Việc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên gửi thư và đánh giá tích cực về nhau đã làm hé mở tia hy vọng về tiến trình đối thoại giữa hai nước về vấn đề phi hạt nhân hóa trong bối cảnh tiến trình này đã giậm chân tại chỗ suốt từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên đến nay. Trong tròn 1 năm qua sau khi đạt được cam kết mang tính nguyên tắc tại Singapore, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên gần như không có bất cứ một tiến triển thực chất nào, ngoài những động thái mang tính biểu tượng như việc Triều Tiên dỡ bỏ những cơ sở không còn cần thiết.

Bắt tay vào thực thi cam kết phi hạt nhân hóa, Mỹ và Triều Tiên mới nhận thấy có quá nhiều bất đồng, khác biệt giữa hai bên tất cả các vấn đề từ những cơ sở hạt nhân, nội dung, cách thức, lộ trình thực hiện cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể từng giai đoạn, bước đi… Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội cuối tháng 2 vừa qua là cơ hội để Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thấy rõ những khác biệt và đòi hỏi của nhau trong việc thực thi cam kết phi hạt nhân hóa.

Bất đồng và đòi hỏi với nhau của Mỹ và Triều Tiên trong thực thi cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thực sự là quá lớn, lớn tới mức không chỉ dư luận và người trong cuộc cũng phải tính tới khả năng xấu nhất là trở lại thời kỳ đối đầu và thù địch trước đây. Nút chặn cuối cùng giữ cho tiến trình phi hạt nhân hóa chưa lùi về điểm xuất phát là Mỹ vẫn giữ cam kết không tiến hành tập trận thường niên quy mô lớn với Hàn Quốc, trong khi Triều Tiên không thử hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Một điều cũng rất đáng chú ý khác là Tổng thống Donald Trump, người không ngần ngại lên tiếng chỉ trích trực diện, không những không chỉ trích mà đến nay vẫn có những đánh giá tích cực, thân thiện về Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Thậm chí, ngay cả khi các quan chức cấp dưới chỉ trích Triều Tiên thử vũ khí mới hay tên lửa tầm ngắn, ông Donald Trump vẫn tuyên bố đặt sự tin tưởng vào ông Kim Jong-un, một người bạn và đối tác tốt.

Điều đó cho thấy ý chí mạnh mẽ của cả Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không muốn tiến trình phi hạt nhân vừa bắt đầu đã sớm “đứt gánh”, hơn thế còn muốn đạt được những bước đi thực chất trong cam kết có ảnh hưởng quyết định tới hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, cả khu vực Đông Bắc Á và thế giới nói chung. Một cuộc gặp nữa giữa hai ông   Donald Trump và Kim Jong-un nếu diễn ra, được cho nhiều khả năng sẽ là bước đột phá để phá thế bế tắc suốt năm qua trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Washington đã “bật đèn xanh” cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ ba khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngày 11-6 tuyên bố cuộc gặp Thượng đỉnh lần ba giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un “hoàn toàn có thể” xảy ra và tùy thuộc vào Bình Nhưỡng. Quan chức vốn có quan điểm cứng rắn này còn khẳng định Washington sẵn sàng tham gia hội nghị này bất cứ khi nào Bình Nhưỡng muốn.

Washington đã bật “tín hiệu xanh” về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều 3.0, vậy tín hiệu nào sẽ phát ra từ Bình Nhưỡng?