Bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 từ 8-3: Chuẩn bị kỹ lưỡng, hạn chế thấp nhất rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tính đến sáng 6-3, công tác chuẩn bị cho đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam (sẽ diễn ra vào ngày 8-3) đã cơ bản hoàn tất. Dù số lượng vaccine trong đợt tiêm chủng này chưa nhiều, song nó cũng thể hiện sự chủ động và nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc tiếp cận nguồn vaccine để phòng bệnh cho người dân.
Lô vaccine Covid-19 đầu tiên về Việt Nam hôm 24-2

Lô vaccine Covid-19 đầu tiên về Việt Nam hôm 24-2

Chủ động tiếp cận từ rất sớm

Hơn 10h sáng 24-2-2021, lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên đã về tới Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) gồm 117.600 liều. Với lô vaccine này, Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên ở châu Á tiếp cận với loại vaccine phòng Covid-19 uy tín hàng đầu thế giới. Đây là vaccine của hãng dược phẩm nổi tiếng toàn cầu AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất, được đưa về Việt Nam theo hợp đồng giữa Hệ thống tiêm chủng VNVC và Tập đoàn AstraZeneca đã ký từ tháng 11-2020. Theo đó, VNVC đã đặt mua 30 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca trong năm 2021 và được giao về Việt Nam thành nhiều đợt.

Sự kiện lô vaccine Covid-19 của AstraZeneca đầu tiên về tới Việt Nam cũng thể hiện sự nhanh nhạy, chủ động và quyết liệt trong chỉ đạo phòng chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế cùng các cơ quan, đơn vị liên quan. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ giữa năm 2020 khi các nước trên thế giới bắt đầu phát đi những tín hiệu tích cực về sản xuất vaccine Covid-19, Việt Nam đã chủ động và sớm tham gia chương trình “giải pháp tiếp cận vacine toàn cầu” - Covax Facility - cùng nhóm 92 quốc gia.

Lúc này, chưa có vaccine Covid-19 nào được cấp phép lưu hành. Còn nhớ tại một hội thảo quốc tế giới thiệu vaccine phòng Covid-19 diễn ra ngày 30-9-2020 tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Long (khi đó còn là quyền Bộ trưởng Bộ Y tế) đã khẳng định: “Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận sớm vaccine phòng Covid-19 ngay khi nó được đưa ra thị trường”.

Hà Nội có 75.000 người được ưu tiên tiêm vaccine đầu tiên

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, thực hiện theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ và chỉ đạo của UBND TP, hiện cơ quan chức năng đã rà soát được 75.000 người dân thuộc nhóm đối tượng có thể được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 đợt đầu tiên. Dù vậy, những đối tượng nào được tiêm trước thì còn phụ thuộc vào số lượng vaccine do Bộ Y tế phân bổ cho Hà Nội. Hiện các khâu chuẩn bị cho đợt tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên của Hà Nội đã cơ bản hoàn tất.

Đặc biệt, không chỉ chú trọng đến nhập khẩu vaccine mà Việt Nam cũng rất chủ động nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 trong nước. Hiện Việt Nam có 4 công ty đã nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm vaccine Covid-19 và tiến độ thử nghiệm đang diễn ra khẩn trương. Trong đó, vaccine Nanocovax của hãng Nanogen (TP.HCM) đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 tại Học viện Quân y. Cũng trong tháng 3 này, vaccine Covid-19 thứ 2 của Việt Nam sản xuất sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người. Đó là vaccine Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển.

Phân rõ thứ tự ưu tiên

Ngay sau khi lô vaccine Covid-19 đầu tiên được nhập về Việt Nam hôm 24-2, đồng thời với việc khẩn trương tiến hành các bước kiểm định chất lượng và chuẩn bị về chuyên môn, Việt Nam cũng nhanh chóng lên kế hoạch phân bổ vaccine một cách hợp lý. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, trong đó quy định đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí như sau:

+ Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch; quân đội; công an.

+ Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

+ Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước…

+ Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

+ Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.

+ Người sinh sống tại các vùng có dịch.

+ Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.

+ Người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

+ Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.

Lãnh đạo Bộ Y tế tiếp nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên về nước tại sân bay Tân Sơn Nhất

Lãnh đạo Bộ Y tế tiếp nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên về nước tại sân bay Tân Sơn Nhất

Về địa bàn: Ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng nêu trên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch; trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.

Ngày 6-3, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tập huấn tiêm vaccine phòng Covid-19 kết nối 700 điểm cầu trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long một lần nữa nhấn mạnh, do số lượng vaccine được tiêm lần này rất hạn chế nên Bộ Y tế tập trung ưu tiên theo các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và những đối tượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch. “Ngay cả Bộ Y tế sẽ tiêm đợt sau, phải ưu tiên dành những mũi tiêm đầu tiên cho những người trực tiếp phòng chống dịch, giảm thiểu yếu tố nguy cơ lây nhiễm với các trường hợp này” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Chiến lược “vaccine + 5K”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không thể ngay một lúc tiêm vaccine được cho tất cả 100 triệu người nên phải có thứ tự ưu tiên. Đồng thời, phải áp dụng chiến lược “vaccine + 5K”, không vì chúng ta có vaccine mà lơ là các biện pháp chống dịch. Còn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 cũng nêu rõ, vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài để kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu. Nhưng trước mắt vẫn phải dùng các biện pháp phòng chống dịch rất hiệu quả của chúng ta cộng thêm với vaccine.

Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, do lượng vaccine rất hạn chế nên không thể phân bổ cho 63 địa phương mà chỉ có thể phân bổ một phần cho 13 tỉnh/thành có dịch, ưu tiên cho điểm nóng Hải Dương. Cụ thể, theo chương trình, ngày 8-3, tỉnh Hải Dương sẽ tiêm những mũi đầu tiên, cùng với một số điểm như Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, hay một số cơ sở y tế có điều trị bệnh nhân Covid-19 khác… Hiện Bộ Y tế cũng đang phối hợp tích cực để chuyển sớm các lô vaccine Covid-19 tiếp theo về Việt Nam. Hy vọng tháng 3 này có thể có thêm 1,3 triệu vaccine trong chương trình Covax Facility. Sau đó, tháng 4 và 5-2021 nguồn cung vaccine tiếp tục tăng lên.

Giải pháp tốt nhất

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 5-3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị, khi triển khai tiêm vaccine Covid-19 vào đầu tuần tới, Bộ Y tế cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá độ an toàn, hiệu lực, hiệu quả một cách tốt nhất.

Theo Phó Thủ tướng, trong tiêm chủng mở rộng, kể cả vaccine đã ổn định rồi cũng vẫn xảy ra những sự cố. Tất cả những loại vaccine trước đây tiêm ở Việt Nam đều là những vaccine được phát triển theo quy trình lúc bình thường với thời gian trung bình 7-8 năm, thậm chí có loại lên đến 12 năm. Trong khi đó, vaccine phòng Covid-19 được nghiên cứu, phát triển trong tình hình khẩn cấp, việc cấp giấy phép sử dụng ở Việt Nam cũng vậy. Đây lại là loại vaccine lần đầu sử dụng.

Vaccine Covid-19 có tên Nanocovax do Việt Nam sản xuất đang thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 2

Vaccine Covid-19 có tên Nanocovax do Việt Nam sản xuất đang thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 2

“Là vaccine mới, những phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm. Kể cả vaccine đang lưu hành cũng không thể khẳng định độ an toàn 100%” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến tập huấn tiêm vaccine phòng Covid-19. Bộ Y tế trong thời gian qua đã tích cực trao đổi, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn để tổ chức điểm tiêm chủng, buổi tiêm và chiến dịch tiêm một cách an toàn nhất.

Vì thế, Bộ trưởng yêu cầu tất cả cơ sở y tế cần tập huấn thật kỹ lưỡng để đảm bảo việc tiêm chủng thật an toàn, đồng thời chia sẻ thêm chiến lược tiêm chủng vaccine Covid-19 của Việt Nam sẽ khác với quốc tế. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nêu rõ các nguyên tắc: Thứ nhất, các cơ sở tiêm chủng sẽ phải khám sàng lọc trước khi tiêm, nhất là với người lớn. Thứ hai, Việt Nam quản lý toàn bộ hệ thống tiêm chủng lần này qua hệ thống hồ sơ sức khoẻ từng người dân. Bộ trưởng Y tế nói: “Công tác truyền thông với chiến dịch này rất quan trọng. Chắc chắn sẽ có tai biến không mong muốn xảy ra, nhưng không vì thế mà làm chậm lại hay lung lay niềm tin với vaccine”.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trên thế giới có những người tham gia phong trào phản đối vaccine, nhưng lợi ích của vaccine Covid-19 đem lại rất rõ ràng, giúp bảo vệ chính bản thân và cộng đồng. Dù vaccine lần này độ bảo vệ không đạt 100%, nghĩa là có người vẫn có thể bị nhiễm Covid-19 sau khi tiêm, nhưng quan trọng là bệnh nhẹ hơn và không tử vong.