Bắt đầu điều chỉnh tăng viện phí bệnh viện công

ANTD.VN - Bắt đầu từ hôm nay, 20-8, giá dịch vụ khám chữa bệnh ở các bệnh viện công lập, bao gồm cả khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và không có BHYT chính thức được điều chỉnh theo quy định mới.

Bắt đầu điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, Thông tư 13/2019/TT-BYT và Thông tư 14/2019/TT-BYT vừa được Bộ Y tế ban hành đầu tháng 8 vừa qua để thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các bệnh viện, bao gồm giá khám chữa bệnh có BHYT và ngoài phạm vi BHYT, chính thức có hiệu lực từ ngày 20-8-2019.

Theo đó, từ ngày 20-8-2019, giá khám bệnh BHYT áp dụng theo Thông tư 13 sẽ tăng nhẹ tại tất cả các tuyến bệnh viện. Mức giá điều chỉnh tăng bình quân như sau: Giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%.

Cụ thể: giá khám tại Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I là 38.700 đồng/ lượt (tăng 1.700 đồng); Bệnh viện hạng II: 34.500 đồng/ lượt (tăng 1.500 đồng); Bệnh viện hạng III: 30.500 đồng/ lượt (tăng 1.500 đồng); Bệnh viện hạng IV, trạm y tế xã: 27.500 đồng/ lượt (tăng 1.500 đồng).

Đồng thời, giá dịch vụ ngày giường bệnh và giá một số dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm khác cũng sẽ được điều chỉnh tăng. Theo đó, tại bệnh viện hạng đặc biệt, giá giường bệnh là 782.000 đồng/ngày/ bệnh nhân (tăng 29.000 đồng); Đối với bệnh viện hạng I, mức giá dịch vụ ngày giường bệnh tối đa là 705.000 đồng/ngày, bệnh viện hạng II là 602.000 đồng/ngày…

Tiếp đó, bắt đầu từ 1-10-2019, giá phòng dịch vụ tại các bệnh viện (áp theo thông tư 14) có sự điều chỉnh. Về giá ngày giường điều trị theo yêu cầu, giá tối đa tại các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 là 4 triệu đồng/ngày với loại phòng 1 giường/phòng; loại 2 giường/phòng có giá 2,5 triệu đồng/ngày; loại 3 giường có giá 1,5 triệu đồng; loại 4 giường có giá 1,3 triệu đồng/ngày.

Giá ngày giường bệnh các cơ sở y tế khác tại 5 thành phố lớn gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ được thu từ 900.000 đồng đến 3 triệu đồng/ngày cho loại phòng từ 4 giường đến 1 giường/phòng. Các cơ sở y tế còn lại tại các tỉnh khác được thu từ 600.000 đồng đến 2 triệu đồng/ngày.

Theo Bộ Y tế, so với Thông tư 37 và Thông tư 39 thì ở Thông tư 13, 14 không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ  1.390.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 sang mức lương cơ sở 1.490.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019).

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Y tế cho rằng, mức tăng viện phí theo 2 Thông tư mới áp dụng từ ngày 20-8-2019 không ảnh hưởng đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách xã hội khác vì được BHYT thanh toán 100%.

Còn đối với các cơ sở khám chữa bệnh, việc điều chỉnh giá lần này vẫn chưa kết cấu chi phí quản lý theo lộ trình giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP. Tuy nhiên việc điều chỉnh giá cũng góp phần tăng nguồn thu cho các cơ sở y tế; các bệnh viện có nguồn kinh phí để trả lương cho cán bộ nhân viên theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng.