Bất chấp Mỹ, Trung Quốc quyết "thu hồi" Đài Loan trong năm 2019?

ANTD.VN - Gần đây, quan hệ trong tam giác Mỹ - Trung - Đài diễn biến ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra chiến tranh khi Mỹ tăng cường hỗ trợ Đài Loan trang bị vũ khí, đồng thời gia tăng sức ép toàn diện đối với một Trung Quốc đang trỗi dậy, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được khởi động lại từ tháng 5-2019 sau thất bại tại vòng đàm phán thứ 11 tại Washington D.C.

Bộ ba leo thang căng thẳng

Thứ nhất, Mỹ tuyên bố sẽ bảo vệ đồng minh Đài Loan.

Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 từ 31-5 đến 2-6-2019, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc liên tục đấu khẩu với nhau liên quan đến vấn đề an ninh trên biển, trong đó có vấn đề chủ quyền Đài Loan. Trong báo cáo Chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" dài 55 trang được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố mới đây đã gây bão trong mối quan hệ Trung - Mỹ với 2 dòng ngắn ngủi tại trang 30 khi lãnh thổ Đài Loan được đề cập là "quốc gia" cùng với Singapore, New Zealand và Mông Cổ là các đối tác tin cậy, có năng lực của Mỹ.

Xe tăng M1A2 Abrams trong biên chế lục quân Mỹ mà Đài Loan muốn tăng cường cho khả năng quân sự (Nguồn: TASS)

Ngày 13-6-2019, Ủy ban Quân vụ của cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã thông qua dự thảo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia (National Defense Authorization Act - NDAA) cho năm 2020, kêu gọi cải thiện khả năng phòng thủ của Đài Loan để chống lại sự gia tăng quân sự của Trung Quốc.

Thứ hai, Trung Quốc đe dọa thu hồi Đài Loan

Chính quyền Trung Quốc lo ngại rằng, Mỹ đang sử dụng kịch bản tương tự trong chính sách đối ngoại như với Jerusalem và Cao nguyên Golan tại Trung Đông, tiến tới công nhận "Đài Loan là một quốc gia độc lập".

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Những động thái mới đây của Mỹ như đang xát muối vào vết thương của Trung Quốc khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump liên tục công kích Trung Quốc trên nhiều "mặt trận" khác nhau từ thương mại, Huawei, sáng kiến Vành đai - con đường, Biển Đông, nay là vấn đề Đài Loan.

Hải quân Trung Quốc (PLA) tiến hành tập trận trên biển

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc hồi đầu tháng 6-2019, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh sẽ "kiên quyết phản đối và ngăn chặn mọi âm mưu hay động thái ly khai đòi độc lập cho Đài Loan, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc".

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần thống nhất, kể cả bằng vũ lực. Trung Quốc đã nhiều lần điều máy bay và tàu chiến hoạt động quanh đảo Đài Loan trong các cuộc tập trận vài năm qua và tìm cách gây sức ép buộc nhiều nước trên thế giới cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Trước đó, ngày 5-3-2019, Thủ tướng Lý Khắc Cường thông báo ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2019 sẽ tăng 7,5%, lên mức 177,49 tỷ USD; quyết tâm thực hiện chính sách "Một Trung Quốc" và chiến lược "Cường quốc biển". Với mức tăng này, ngân sách quốc phòng Trung Quốc hiện đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ (nước sẽ chi 750 tỷ USD cho quốc phòng năm 2019).

Lính bộ binh cơ giới Trung Quốc

Ngày 2-1-2019, tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm ngày Bắc Kinh gửi thư cho Đài Loan kêu gọi thống nhất và chất dứt đối đầu quân sự, Chỉ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục thể hiện quan điểm "Một đất nước, hai chế độ" trong giải quyết vấn đề Đài Loan.

Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình còn tuyên bố cứng rắn, Trung Quốc không loại trừ biện pháp quân sự để thu hồi Đài Loan, khẳng định "thu hồi Đài Loan là đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa trong thời đại mới".

Thứ ba, Đài Loan quyết thực hiện chính sách "Đài độc" (Đài Loan độc lập)

Đáp lại tuyên bố trên, Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tỏ ra cứng rắn rằng, người dân Đài Loan phản đối chính sách "Một quốc gia, hai chế độ". Song song với những lời đáp trả đó, ngày 17-1, Đài Loan đã phát động cuộc tập trận quân sự nhằm đối phó với những đe dọa quân sự từ bên kia eo biển, ngăn chặn mọi nguy cơ tấn công đổ bộ bằng đường biển từ phía Trung Quốc đại lục.

Ngoài ra, Lực lượng phòng vệ Đài Loan thời gian gần đây đẩy mạnh việc mua sắm các loại vũ khí hiện đại của Mỹ. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, từ năm 2010 đến nay, Mỹ đã bán cho Đài Loan hơn 15 tỷ USD vũ khí; đang thương thảo để cung cấp hơn 100 xe tăng M1A2 Abrams của tập đoàn Gerneral Dynamics Corp có trị giá khoảng 1,4 tỷ USD, các vũ khí chống tăng và chống máy bay (đạn chống tăng 409 Raytheon Co và tên lửa Javelin do Lockheed Martin sản xuất trị giá 129 triệu USD; 1.240 quả tên lửa chống tăng TOW trị giá khoảng 299 triệu USD; 250 tên lửa đất đối không vác vai 223 triệu USD), với tổng trị giá khoảng 2 tỷ USD. Điều này không thể giúp Đài Loan chiến thắng khi đương đầu với Trung Quốc về mặt quân sự, nhưng nó làm rối loạn trong tính toán của Trung Quốc, giúp Đài Loan an tâm rằng, họ không bị Mỹ bỏ rơi.

Trung Quốc nôn nóng

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia gần đây đưa ra nhận định, trong năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tấn công quân sự để thu hồi Đài Loan. Đây không phải là nhu cầu cố hữu trong quan điểm chính trị các đời lãnh đạo Trung Quốc, nó còn là "chìa khóa" giúp Trung Quốc thực hiện tham vọng trở thành "Cường quốc biển" trong thế kỷ XXI.

Thứ nhất, Chủ tịch Tập Cận Bình không còn nhiều thời gian. Từ ngày Tưởng Giới Thạch tiến ra Đài Loan (năm 1949), trải qua 70 năm, nền kinh tế Đài Loan đã có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành "con rồng" châu Á. Người dân Đài Loan đang thay đổi rõ rệt về nhận thức, ý thức tự tôn dân tộc, mong muốn Đài Loan độc lập đang là "xu thế chính", đặc biệt là giới trẻ.

Thứ hai, năm 2019 đánh dấu 70 năm thành lập nước CHND Trung Hoa. Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống do cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ (được khởi động lại từ 10-5-2019 sau khi thất bại tại vòng đàm phán thứ 11). Niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đang xuống thấp. Nếu Trung Quốc thu hồi được Đài Loan sẽ là "điểm cộng" rất lớn trong sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình và tiến trình lịch sử của nước CHND Trung Hoa.

Thứ ba, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ D. Trump đang có nhiều chính sách và hành động "gây bất lợi" cho Trung Quốc, trong đó tăng cường can thiệp vấn đề Đài Loan; tích cực thể hiện quan điểm "bảo vệ đồng minh Đài Loan đến cùng" trên các diễn đàn, cuộc gặp, hội nghị quốc tế lớn. Trung Quốc vì thế thấy cần có hành động kịp thời để sớm ngăn cản nguy cơ này.

Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Đài Loan. (Nguồn: EPA)

Thứ tư, trong chiến lược "Ba nước trở thành cường quốc biển" mà Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Lưu Hoa Thanh vạch ra vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Đài Loan có vị trí đặc biệt quan trọng. Theo tính toán này, năm 2000, Trung Quốc phải làm chủ được "chuỗi đảo đầu tiên". Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ kiểm soát được "chuỗi đảo thứ hai". Nhưng đến nay, Trung Quốc vẫn đang loay hoay trong việc thống nhất Đài Loan, nước này vẫn là "chướng ngại vật" của Trung Quốc trên tiến trình trở thành "cường quốc biển".

Động thái tiếp theo

Như vậy, trong vấn đề Đài Loan, Trung Quốc hiện nay có 3 sự lựa chọn: (1) thu phục; (2) để Đài Loan độc lập; (3) giữ nguyên hiện trạng. Dù vậy, trong tình thế hiện tại, giữ nguyên hiện trạng chính là sự lựa chọn "khả dĩ" nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Do đó. trong năm 2019, khó có thể nổ ra cuộc chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan. Để ngăn chặn Đài Loan độc lập, Trung Quốc sẽ có những biện pháp mạnh về chính trị để làm giảm tham vọng đó của bà Thái Anh Văn.

Đài Loan như đang mắc kẹt giữa căng thẳng ngày càng tăng của Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Các biện pháp đó có thể là: (1) Về quân sự, tiến hành các cuộc tập trận quân sự ngay sát biên giới để nâng cao uy thế, răn đe Đài Loan; tăng cường trang bị các loại vũ khí hiện đại có sức sát thương cao. (2) Về kinh tế, thực hiện các biện pháp gây khó dễ cho hàng hóa nhập khẩu của Đài Loan vào Trung Quốc đại lục; kiểm soát nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc vào nước này...; đồng thời có cơ chế giảm số du khách Trung Quốc đến Đài Loan và ngược lại.

Năm 2020, Đài Loan có cuộc bầu cử Tổng thống. Đối với Trung Quốc, lãnh đạo Đài Loan là người thuộc Quốc dân Đảng là hay nhất. Do đó, những tuyên bố cứng rắn, chính sách gây khó khăn cho nền kinh tế Đài Loan sẽ là biện pháp giảm uy tín chính trị của Đảng Dân tiến... và bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không muốn một người thuộc Đảng Dân tiến tiếp tục lãnh đạo Đài Loan.