Bất chấp mọi biện pháp "hạ nhiệt", giá thịt lợn vẫn tăng chóng mặt

ANTD.VN - Những tháng đầu năm 2020, dù khối lượng thịt lợn nhập khẩu đã tăng đến 300% so với cùng kỳ nhưng vẫn không đủ để ngăn đà tăng của giá thịt lợn trong nước. Đến ngày 21-5, giá thịt lợn hơi nội địa đã lên mức đỉnh, đạt 103.000-105.000 đồng/kg... 

Bất chấp mọi biện pháp "hạ nhiệt", giá thịt lợn vẫn tăng chóng mặt ảnh 1Nguồn cung thiếu hụt lớn khiến giá thịt lợn trên thị trường tăng chóng mặt bất chấp nhiều giải pháp được đưa ra

Thịt lợn nội địa vượt mốc 100.000 đồng/kg hơi

Mặc dù Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã vào cuộc, điều hành sát sao giá thịt lợn cũng như ngăn chặn tình trạng găm hàng, đẩy giá, nhưng giá thịt lợn trên thị trường vẫn tăng do nguồn cung quá thiếu hụt. Thông thường, khi thời tiết nắng nóng sẽ là thời kỳ thấp điểm về tiêu dùng thịt lợn. Thế nhưng giá thịt lợn hơi vẫn tăng chưa từng có.

Ghi nhận đến ngày 22-5 cho thấy, sau khi tăng lên mức 103.000 đồng - 105.000 đồng/kg vào ngày 21-5 thì giá thịt lợn hơi đã giảm nhẹ, từ 5-10.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Hà Nội, giá lợn hơi giảm xuống còn 95.000 đồng/kg; giá lợn hơi tại Bến Tre còn 96.000 đồng/kg. Tại miền Bắc, giá lợn hơi tại ở Hưng Yên, Quảng Ninh cao nhất từ 99.000 - 100.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong khu vực  (Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang, Vĩnh Phúc) cũng phải tới 95.000 đồng/kg.  Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, giá lợn hơi trung bình trên thị trường đã tăng 15.000 đồng/kg dù 15 doanh nghiệp lớn đã cam kết giữ giá lợn hơi ở mức 70.000 đồng. Đáng nói, sau một thời gian cam kết chỉ bán giá lợn hơi với mức 70.000 đồng/kg thì ngày 22-5, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng đã rục rịch tăng giá xuất chuồng.

Ông Kiều Đình Thép - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (Chi nhánh Hải Dương 2) cho biết, công ty vẫn đảm bảo giá lợn hơi tại cổng trại ở mức 75.000 đồng/kg, số lượng lợn cung cấp ra thị trường không có sự đột biến. Trước đó, theo cam kết với Chính phủ, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn sẽ hạ giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1-4. Lộ trình đến cuối quý II và quý III sẽ xuống mức 65.000 đến 60.000 đồng/kg. Nhưng theo phản ánh của nhiều thương lái, không phải ai cũng tiếp cận được mức giá lợn hơi 70.000 đồng/kg mà các doanh nghiệp đưa ra. 

Băn khoăn của người tiêu dùng

Khi nguồn cung trong nước thiếu hụt, giá con giống cao khiến người chăn nuôi nhỏ không dám tái đàn nên dù lượng thịt lợn nhập khẩu tăng đến 300% (trong những tháng đầu năm 2020) vẫn không đủ để bù đắp. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính đến ngày 18-5 Việt Nam đã nhập khẩu hơn 65.362 tấn thịt lợn (tăng 298% so với cùng kỳ năm 2019) chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha, Nga. Thế nhưng thịt lợn nhập khẩu vẫn chưa chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, còn người dân lại khó tiếp cận với kênh bán chính thống. Phần lớn thịt lợn nhập khẩu được bán qua mạng xã hội và các cửa hàng chuyên về thực phẩm nhập khẩu. Chị Nguyễn Hoàng Lan ở Đội Nhân, Ba Đình (Hà Nội) cho hay: “Nhiều ngày nay tôi thấy trên mạng xã hội có rao bán thịt lợn nhập khẩu từ Nga. Nhìn trên ảnh thấy cũng rất ngon, nhưng tôi vẫn băn khoăn về chất lượng và nguồn gốc. Từ trước đến nay chúng tôi đã quen mua thịt tươi ở chợ, trong khi đó một số bạn bè đã mua thử thịt nhập khẩu lại có người khen, người chê, nên tôi cũng chưa dám dùng thử”.

Bất chấp mọi biện pháp "hạ nhiệt", giá thịt lợn vẫn tăng chóng mặt ảnh 2Giá thịt lợn ngoài chợ cao gấp nhiều lần giá tại chuồng

Đắt đỏ vì trung gian

Xung quanh vấn đề giá cả, Bộ NN&PTNT đã chỉ ra 6 nguyên nhân khiến thịt lợn chưa thể giảm trong thời gian ngắn. Đầu tiên và thấy rõ nhất là cung - cầu đang mất cân đối vì dịch tả lợn châu Phi, thị trường hiện đang thiếu hụt khoảng 20% lợn thương phẩm. Một số doanh nghiệp nuôi lợn quy mô lớn không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt nên gia tăng thêm hiệu ứng thiếu nguồn cung. Cùng với đó, giá nguyên liệu thức ăn cũng tăng 10%, chi phí phòng chống dịch tăng cao, tình trạng thẩm lậu lợn thịt, lợn giống qua biên giới để sang Trung Quốc vẫn còn xảy ra. Ngoài ra, lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian, giá thịt lợn tăng cao gần 43%.

Thông thường, lợn sau khi xuất chuồng để đến tay người tiêu dùng sẽ trải qua 2 khâu chính. Thứ nhất là thu mua, giết mổ và bán buôn, gồm các chi phí như: tiền vận chuyển, phí giết mổ và phí kiểm dịch, tổng chi phí chiếm 10% so với tiền mua lợn. Khâu thứ hai là mua móc hàm, pha lóc, đóng gói và bán lẻ, gồm: chi phí nhân công, vận chuyển, vận hành máy móc, tổng chi phí chiếm tới 33% so với tiền mua lợn móc hàm.

Giá thịt lợn đắt đỏ cũng khiến sức tiêu thụ giảm rõ rệt. Anh Trần Văn Chiến -  một tiểu thương chuyên bán thịt lợn tại chợ Thành Công, Ba Đình (Hà Nội) cho biết, lượng tiêu thụ thịt lợn cũng rất chậm, trong khi đó lượng lợn về các chợ đầu mối cũng khan hơn. “Khoảng 1 tháng nay, tôi đi chợ trong cảnh 1 ngày đi thì 1 ngày nghỉ vì hàng bán rất chậm, ế ẩm, và nguồn cung thì lại khan nên lờ lãi cũng chẳng được bao nhiêu” - anh Chiến nói. Còn với người tiêu dùng, thịt lợn đắt đỏ  trong nhiều tháng đã khiến họ phải chuyển đổi sang các loại thực phẩm khác như thịt gà, thịt vịt, cá, trứng… Chị Nguyễn Đặng Phương Hoa ở Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay: “Khoảng 3 tháng trở lại đây, gia đình tôi đã dần chuyển sang dùng các loại thực phẩm khác thay thế vì giá thịt lợn cứ mãi đà tăng. Chúng tôi hay trêu nhau “nhà giàu bây giờ mới có thịt lợn để ăn, chứ nhà bình dân thì chỉ có thịt bò, thịt gà, cá để ăn thôi”.

Nhiều “ông lớn” nhảy vào chăn nuôi

Người tiêu dùng đang phải ăn thịt lợn với giá đắt đỏ trong nhiều tháng nay, nhưng các “ông lớn” ngành chăn nuôi thì lại đang hốt bạc. Cũng bởi vậy, nhiều “đại gia” bắt đầu đổ vào lĩnh vực chăn nuôi, cũng như mở rộng sản xuất. Mới đây, Công ty CP Hùng Vương cho biết đã thông qua việc đầu tư góp vốn thực hiện dự án thành lập Công ty TNHH Sản xuất lợn giống và thức ăn chăn nuôi Việt Đan. Công ty này có vốn điều lệ 556 tỷ đồng, trụ sở tại Khu công nghiệp Nhựt Chánh (Bến Lức, Long An). Được biết, trước đó Công ty CP Hùng Vương đã ký hợp đồng chiến lược với Công ty CP sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi (thuộc Tập đoàn ô tô Trường Hải) để thành lập 2 công ty liên doanh mới với công suất chăn nuôi lợn lần lượt từ hơn 36.000 và 44.000 con.

Trước đó, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, để rút ngắn khâu trung gian cũng như đưa sản phẩm thịt lợn đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng, dự kiến cuối năm nay công ty sẽ đưa vào hoạt động Nhà máy giết mổ và pha lóc thịt lợn tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội. Tổng công suất giết mổ của nhà máy là 4.000 con lợn/ngày. Trước mắt, cuối năm nay, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành với công suất 2.000 con/ngày. Để phục vụ dự án này, được biết Công ty C.P Việt Nam đang tiếp tục thực hiện chiến lược tăng đàn nái, liên kết với các hộ nông dân, trang trại lớn chăn nuôi lợn gia công. 

Thông thường, lợn sau khi xuất chuồng để đến tay người tiêu dùng sẽ trải qua 2 khâu chính. Thứ nhất là thu mua, giết mổ và bán buôn, gồm các chi phí như: tiền vận chuyển, phí giết mổ và phí kiểm dịch, tổng chi phí chiếm 10% so với tiền mua lợn. Khâu thứ hai là mua móc hàm, pha lóc, đóng gói và bán lẻ, gồm: chi phí nhân công, vận chuyển, vận hành máy móc, tổng chi phí chiếm tới 33% so với tiền mua lợn móc hàm.