Bất chấp hiểm nguy, lực lượng Công an căng mình bảo vệ tính mạng, tài sản người dân trong cơn bão số 3

ANTD.VN - Cho đến cuối giờ sáng nay (4-8), những diễn biến khốc liệt nhất của cơn bão số 3 đã trôi qua. Có thể thấy, từ những chỉ đạo xuyên suốt của trung ương và tinh thần hiện quyết liệt, nghiêm túc của các cấp, các ngành, các địa phương, nên những thiệt hại do bão đã được giảm đến mức thấp nhất.

Liên tiếp trong 2 ngày đêm vừa qua, “sáng” lên trong cơn bão là hình ảnh những cán bộ, chiến sỹ Công an ở các địa phương, bất chấp hiểm nguy, lăn xả, bảo vệ sự an toàn tài sản và tính mạng của người dân.

Không nghỉ trong những ngày mưa bão

Liên tục từ trước ngày 1-8, khi thông tin về cơn bão số 3 sẽ tràn về các tỉnh phía Bắc, Văn phòng Bộ Công an thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, đã có những Công điện gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN) Công an các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An; Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng về việc ứng phó với bão số 3 và mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Chiến sỹ Cảnh sát giao thông phân luồng ô tô giữa vùng ngập

Yêu cầu đặt ra là các đơn vị, địa bàn, lực lượng chức năng phải theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó. Triển khai đồng bộ các biện pháp, tập trung cao nhất mọi lực lượng, phương tiện có thể nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Kiểm tra các trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đã được trang cấp; chủ động hiệp đồng với các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo các trang thiết bị hoạt động tốt, khi cần phải huy động ngay… “Không nghỉ trong những ngày mưa bão”, tinh thần chỉ đạo đó của lãnh đạo Bộ Công an đã được các đơn vị, địa phương thực hiện hết sức nghiêm túc.

Trước cơn bão, Công an các tỉnh phía Bắc đã phối hợp với các lực lượng chức năng rà soát, chủ động sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở; phối hợp thuyết phục, vận động nhân dân di dời đến nơi lánh trú an toàn, chủ động đối phó với bão số 3.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an còn bố trí cán bộ, chiến sỹ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân; tổ chức kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, các cầu vượt biển; kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển tại các khu vực nguy hiểm.

Sự cố cây đổ đã được lực lượng Công an kịp thời có mặt, giải quyết

Tại Thủ đô Hà Nội, Ban Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo toàn lực lượng nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo tối đa an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động và Công an các phường đã được triển khai ứng trực phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời tham gia khắc phục hậu quả cây đổ, đảm bảo cho nhân dân di chuyển an toàn. Hình ảnh những chiến sỹ Công an chân đất, ngâm mình trong vùng nước ngập để hướng dẫn an toàn cho người dân, là minh chứng rõ nét cho tinh thần sẵn sàng hy sinh, gian khổ, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Cứu giúp người dân bằng mọi giá

Không chỉ ở Thủ đô Hà Nội, những ngày qua, lực lượng Công an các tỉnh, thành phố phía Bắc nói riêng, đã thực sự trải qua những thời khắc “quên mình”. Tại Thanh Hóa, Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, lực lượng CS phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và các lực lượng sơ tán, bảo vệ tài sản của nhân dân, giúp đỡ các gia đình có người già yếu, neo đơn chằng chống nhà cửa, vận chuyển tài sản của các hộ có nguy cơ ngập lụt đến chỗ an toàn.

Cho những tuyến đường thông suốt trong mưa bão

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lớn kéo dài trong mấy ngày qua, mực nước các suối ở Thanh Hoá dâng cao. Các huyện miền núi như Mường Lát, Quan Hoá, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thuỷ... đã xảy ra lũ, đe dọa và gây thiệt hại lớn cho người dân.

Chống bão, 100% quân số của Công an các huyện nằm trong vùng có mưa, lũ đã triển khai phương án tham gia cứu, giúp người dân. Bên cạnh đó, cán bộ chiến sỹ các phòng chức năng Công an tỉnh cũng đã được tăng cường, cùng xuồng máy, môtô nước, hàng trăm phao tròn, các bộ thiết bị lặn…

Đêm 2-8, bão số 3 đi vào Quảng Ninh và Hải Phòng, với gió giật mạnh kèm theo mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường bị ngập úng cục bộ, cây xanh đổ gãy…, khiến giao thông đi lại khó khăn.

Chủ động công tác phòng chống cũng như khắc phục hậu quả do bão, ngay từ đầu tháng 8, Công an TP Hải Phòng đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra tại các đơn vị và Công an các quận, huyện. Đáng chú ý thời điểm trước khi bão đổ bộ vào địa phận Hải Phòng, Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp kiểm đếm, sơ tán nhân dân và kêu gọi trên 3.000 phương tiện, với gần 10.000 lao động trên sông, biển về nơi tránh trú an toàn. 

Các đơn vị Công an TP Hải Phòng cũng đã xây dựng phương án tăng cường bảo đảm ANTT, kịp thời giải tỏa, không để xảy ra ùn tắc giao thông; bố trí lực lượng chốt điểm phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ ngập lụt, các bến đò ngang, đò dọc, khu vực nguy cơ sạt lở nguy hiểm, kiên quyết không cho người lưu thông khi chưa bảo đảm an toàn.

Theo báo cáo của Công an TP Hải Phòng, ngoài khu vực trung tâm thành phố, lực lượng Công an các đơn vị địa phương còn tổ chức, di chuyển vật cản, cây đổ trên các tuyến đường ngoại thành, quốc lộ 5, quốc lộ 10, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ngay trong sáng 3- 8.

Tại Quảng Ninh, theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, đến sáng 3-8, bão số 3 không gây thiệt hại về người, nhưng do ảnh hưởng hoàn lưu bão, tại một số địa phương, như Móng Cái, Ba Chẽ, Đông Triều, Uông Bí xuất hiện mưa lớn. Mưa lớn đã làm nước lũ trên sông biên giới Ka Long (TP Móng Cái) và sông Tiên Yên dâng cao.

Công an TP Móng Cái đã đảm bảo giao thông trên các tuyến phố bị ngập lụt, như Trần Phú, đại lộ Hòa Bình, khu vực trước cửa Vincom… Đồng thời tham gia cùng các lực lượng chức năng khắc phục hậu quả di chuyển hơn 30 cây xanh bị gãy đổ và 1 cột đèn cao áp tại Km 9.

Ngoài ra, tại huyện Tiên Yên, để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng Công an đã ứng trực tại những khu vực nguy hiểm, ngầm tràn, không cho người dân, phương tiện qua lại. Lực lượng Cảnh sát đường thủy cũng đã phối hợp cùng Cảng vụ đường thuỷ nội địa tỉnh Quảng Ninh, giám sát chặt chẽ các phương tiện chở khách tham quan du lịch tại vịnh Hạ Long và các đảo, cho đến khi được cấp phép hoạt động bình thường…

Bão tan, song hoàn lưu bão, nguy cơ sạt lở, dịch bệnh vẫn tiềm ẩn phức tạp. Và những nhiệm vụ vẫn đang chờ phía trước, đối với các chiến sỹ Công an.

“Áo vàng” hiên ngang trong mưa bão

Theo từ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, đơn vị đã chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các vị trí đã được dự đoán trước có thể gây ngập úng, cây đổ tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào trung tâm Thủ đô để kịp thời hỗ trợ, phân luồng giao thông. Đồng thời, Phòng CSGT còn phối hợp với các đơn vị trên địa bàn, Công an các quận, huyện, phường, xã chống ngập, kịp thời xử lý các xử cố trên đường để đảm bảo giao thông đi lại an toàn.


Bất chấp hiểm nguy, lực lượng Công an căng mình bảo vệ tính mạng, tài sản người dân trong cơn bão số 3 ảnh 4

Bức ảnh tự thân đã "nói" được nhiều điều

Đại úy Trần Ngọc Trung, Phó Đội trưởng phụ trách Đội CSGT số 6 cho biết: đơn vị đã chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các vị trí xung yếu và phối hợp với các đơn vị khác để kịp thời xử lý các sự cố trên đường nhằm đảm bảo cho người dân đi lại thông suốt, an toàn.

Ngoài ra, Đội CSGT số 6 cũng phối hợp với các đơn vị thi công bố trí các thiết bị cảnh báo ngập úng để cảnh báo cho người dân tránh đi vào vị trí bị ngập sâu.

Còn theo Trung tá Hà Văn Tuân, Đội trưởng Đội CSGT số 2, đơn vị đã bố trí các tổ tuần tra lưu động trên các tuyến, đặc biệt là tuyến Trần Phú - Chu Văn An - Điện Biên - Hoàng Diệu - Nguyễn Thái Học - Đào Tấn - Liễu Giai - Hoàng Hoa Thám… để kịp thời phát hiện những sự cố, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý ngay để đảm bảo an toàn giao thông.

Cụ thể, tại ngã ba Hoàng Diệu có 3 cây to bị đổ; Đội CSGT số 2 phối hợp với Công ty Cây xanh Hà Nội đưa phương tiện thiết bị đến cắt tỉa, vận chuyển đi nơi khác, nên không xảy ra tình trạng ách tắc giao thông.