Bất cập vì bị "ép" là cao tốc

ANTĐ - Không có đường gom dù được “gắn mác” cao tốc và kể từ khi thu phí đến nay, Trạm thu phí đặt tại Bắc Ninh đã nhiều lần ùn ứ phải “tháo khoán”. Đáng nói, mặc dù là cao tốc nhưng chỉ là dự án nâng cấp, cải tạo QL1 mà thành nên không khép kín, nhiều điểm ra vào đã tạo cơ hội cho xe tải, xe khách “né” trạm thu phí. Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư đang lên kế hoạch xây đường gom đoạn qua Bắc Ninh với kinh phí đội thêm khoảng 1.200 tỷ đồng.

Trạm thu phí liên tục tắc nghẽn

Từ ngày 25-5, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang chính thức thu phí đường bộ, với mức thấp nhất là 35.000 đồng/xe ô tô dưới 12 chỗ và cao nhất lên tới 200.000 đồng/xe có tải trọng lớn. Do tuyến cao tốc này xuất phát điểm ban đầu chỉ là cải tạo, nâng cấp QL1 nên không đủ chuẩn cao tốc, không có đường gom cho xe máy, đặc biệt là quá nhiều điểm mở giao cắt nên phương tiện có thể “né” trạm thu phí bằng cách đi đường vòng vào tỉnh lộ, huyện lộ. 

Theo phản ánh của người dân, kể từ ngày Trạm thu phí BOT Bắc Ninh đi vào thu phí, trên tuyến tỉnh lộ 295B, số lượng phương tiện xe ô tô tham gia giao thông tăng đột biến. Nhất là đoạn qua địa bàn thị xã Từ Sơn, khu vực cầu chùa Dận, khu vực xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) do lượng xe “né” trạm vì mức phí cao dồn về đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Hậu quả để lại là không những gây hỗn loạn giao thông, nhân dân bức xúc mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT.

Anh Nguyễn Đức Toàn (ở Phù Đổng, Gia Lâm) cho biết: “Mặt đường đê Phù Đổng rất nhỏ, lại nhiều trường học, chợ họp sát đê. Khoảng 1 tháng nay, lượng xe dồn về đây tăng đột biến,  gây ùn ứ đoạn qua chợ Phù Đổng. Chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với UBND huyện Gia Lâm điều tiết nhưng chỉ giảm chốc lát khi có mặt lực lượng chức năng”. Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên, đã xảy ra vài vụ va chạm nhưng rất may chưa có thiệt hại về người. Nhưng nếu tình trạng này tái diễn lâu dài sẽ khiến cuộc sống của người dân sống ở khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đảo lộn. 

Đường ngắn trả phí đường dài

Trong khi tình trạng xe ô tô “né” trạm thu phí đi vào đường tỉnh lộ, huyện lộ chưa được giải quyết thì một bất cập nữa nảy sinh là Trạm thu phí đặt tại tại Km152+080 QL1, xã Phù Chẩn (thị xã Từ Sơn) cách Trạm thu phí Phù Đổng cũ (thuộc địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội) vài km, đồng nghĩa với việc, muốn vào Hà Nội hoặc đi Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định… các phương tiện đi từ Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh (theo đường 1A) đều buộc phải qua trạm thu phí này.

Các phương tiện đi ra ở bất kỳ chỗ nào trên đường cũng bị thu một mức phí đồng đều như nhau. Anh Nguyễn Văn Huy, làm việc tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh thông tin: “Một ngày tôi phải đi qua Trạm thu phí BOT Bắc Ninh 4 lần. Tôi nhà ở Ninh Hiệp nhưng công tác ở Tiên Sơn, chỉ đi một quãng đường ngắn nhưng cũng mất tiền. Mặc dù tôi đã mua vé tháng qua trạm này nhưng vẫn thấy rất vô lý. Tôi kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang phải có chính sách giảm phí cho người dân sống xung quanh khu vực này. Bởi thực tế chúng tôi chỉ di chuyển một đoạn đường rất ngắn hàng ngày để đi làm nhưng lại phải mất phí như người di chuyển cả đoạn đường dài từ Hà Nội đến Bắc Giang”.

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh dài 25km, chỉ trải thảm lại mặt đường trên nền đường cũ (đường cũ từ nguồn vốn ngân sách), không có đường gom, điểm dừng, đỗ đón, trả khách cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng, nên ô tô, xe máy vẫn phải đi chung.

Xe khách thì đón, trả khách bừa bãi, trong khi vận tốc khai thác tối đa cho phép lên đến 100km/h, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo đảm ATGT. Các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh cũng đã nhiều lần kiến nghị lên Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang nhưng chưa được giải quyết. Trong khi đó, người dân đang phải đi trên tuyến đường bị “ép” là cao tốc, chi trả tiền phí đường bộ và đi trên con đường không tương xứng với giá tiền bỏ ra.

Anh Đặng Đình Hải, lái xe tuyến Hà Nội - Lạng Sơn cho biết: “Tuyến đường QL1A đoạn Hà Nội - Lạng Sơn vẫn còn khá tốt. Có lẽ đây là tuyến đường chất lượng, bởi sau cả chục năm đưa vào khai thác mà vẫn đảm bảo. Nếu các nhà đầu tư BOT muốn thu phí thì nên mở một con đường mới, rồi lập trạm BOT thu tiền nếu xe đi vào. Còn đường QL1A là tuyến huyết mạch Bắc - Nam, được làm từ ngân sách Nhà nước tại sao lại cho tư nhân nâng cấp, ép thành cao tốc rồi bắt người dân phải đóng phí?”. 

Đáng nói, trạm mới đi vào thu phí được 1 tháng nhưng đã nhiều lần xảy ra ùn tắc. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Dù mới đi vào thu phí được 1 tháng, nhưng Trạm thu phí BOT Bắc Ninh thường xuyên ùn tắc. Tổng cục đã nhiều lần yêu cầu nhà đầu tư phải mở trạm cho các phương tiện đi qua”. 

Đội thêm 1.200 tỷ đồng làm đường gom 

Liên quan đến việc tuyến cao tốc này thiếu đường gom cho xe máy đoạn qua Bắc Ninh, khiến ô tô, xe máy vẫn lưu thông chung, không đảm bảo ATGT, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cơ quan này đã yêu cầu nhà đầu tư tháo biển tốc độ tối thiểu 60 km/h để cho phép xe máy đi trên QL1 đoạn qua Bắc Ninh. Bên cạnh đó, theo tính toán, trước đây dự án nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang có lưu lượng phương tiện chỉ 24.000 xe mỗi ngày, song thực tế hiện đạt 27.000-29.000 và dự báo còn tăng.

Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã họp với chủ đầu tư và quyết định bổ sung dự án làm đường gom đoạn qua Bắc Ninh. Tổng số vốn làm đường gom cho xe máy đoạn này khoảng 1.200 tỷ đồng. Mức đầu tư này sẽ được tính toán, xem xét đưa vào phương án hoàn vốn của doanh nghiệp. “Sau khi giải phóng mặt bằng khoảng 3-6 tháng tới, chủ đầu tư sẽ xây dựng đường gom ngay. Ngoài ra, sẽ bố trí thêm 8 cửa thu phí trên tuyến để giải quyết ùn tắc tại trạm”, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết. 

Đề cập việc ngừng thu phí do chưa có đường gom, ông Nguyễn Văn Huyện cho rằng, theo hợp đồng BOT thì tuyến này vẫn phải thu phí để đảm bảo phương án tài chính, nếu dừng thu sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn vốn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường gom đoạn qua tỉnh Bắc Ninh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.  

Theo tính toán của một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, với lưu lượng xe qua trạm BOT Bắc Ninh đạt 27.000-29.000 lượt xe/ngày như hiện nay, tối thiểu với mức thu 35.000 đồng lượt, thì trung bình 1 ngày, trạm này thu về từ 1-1,1 tỷ đồng.

Trong khi, trạm thu phí này theo hợp đồng BOT ký kết với Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư được thu phí 18 năm 7 tháng để hoàn vốn. Với tổng thời gian được thu phí này, tổng số tiền phí thực tế thu về qua trạm tối thiểu đạt 7.000 tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư của tuyến đường này là 4.200 tỷ đồng. Đó còn chưa kể, lưu lượng phương tiện qua tuyến đường này gia tăng mạnh qua từng năm và mức tính trên cũng chỉ là thủ công, lấy mức vé thấp nhất.