Bất cẩn trong sử dụng điện là nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Theo thống kê của lực Cảnh sát PCCC và CNCH- CATP Hà Nội, trên 60% vụ cháy xảy ra trong thời gian qua có liên quan tới chập điện do dùng thiết bị điện không tuân thủ quy định an toàn, chế độ bảo dưỡng hoặc do mua phải thiết bị điện trôi nổi, kém chất lượng.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH- CATP Hà Nội tiếp cận cứu nạn, chữa cháy tại vụ cháy nhà trên phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH- CATP Hà Nội tiếp cận cứu nạn, chữa cháy tại vụ cháy nhà trên phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội

Chất lượng thiết bị điện tiềm ẩn nguy cơ cháy

Thiết bị điện đều có "tuổi thọ" nhất định, nhưng do nhu cầu và kinh tế của từng hộ gia đình nên người sử dụng “bắt” nó phải hoạt động “bền mãi”. Đây chính là tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, nếu như công tác bảo trì, bảo dưỡng không thực hiện đúng định kỳ.

Vụ cháy tủ bảo ôn tại một siêu thị ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nào từng khiến những người liên quan đặt câu hỏi tại sao tủ chứa toàn đồ đông lạnh, không có chất dễ cháy, bén lửa lại có thể cháy được? Hơn nữa trong đêm không có ai động chạm mà lửa vẫn bùng cháy dữ dội.

Vấn đề ở đây là, không phải cứ nhà tranh mái lá, thùng xốp, giấy bao bì mới dễ cháy, mà tất cả các chất liệu đều có thể gây hỏa hoạn lớn được. Hay vụ cháy cây nước tại Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm nhiều năm trước dẫn đến hậu quả 3 người thương vong là minh chứng: kể cả thứ người dân nghĩ không bao giờ cháy được, nhưng hỏa hoạn vẫn xảy ra! Nói cho đúng thì cây nước không cháy được nhưng thiết bị làm nóng, lạnh của cây nước chập điện dẫn tới việc cháy lan và trong đêm, gia chủ ngủ say không hề hay biết. Khi lửa bùng phát lớn thì đã muộn.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Phó Trưởng CAQ Cầu Giấy, Hà Nội phân tích: “Tất cả thiết bị điện đều tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Hệ thống máy móc hoạt động thời gian quá dài mà không được bảo dưỡng, thay thế, kiểm tra, tất yếu sẽ gây họa. Chính vì thế, nhà sản xuất đều khuyến cáo cần bảo dưỡng đúng định kỳ và hoạt động đúng công suất ghi trên sản phẩm”.

Trong sinh hoạt gia đình là vậy. Còn đối với khu dân cư thì sao, đặc biệt là khu chung cư cũ và nhà dân xây dựng lâu năm, nguy cơ hỏa hoạn nằm ở hệ thống dây dẫn điện vốn thường có "tuổi đời cao". Hệ thống điện có thể được kiểm tra, thay thế, nhưng sự lắp đặt thiếu đồng bộ với toàn hệ thống công trình, công năng sử dụng trong từng hộ gia đình khác nhau, thì sẽ là nguy cơ chập cháy.

Vụ cháy tại ngôi nhà trên phố Tôn Đức Thắng xuất phát từ nguyên nhân chập điện

Vụ cháy tại ngôi nhà trên phố Tôn Đức Thắng xuất phát từ nguyên nhân chập điện

Trong những đợt khảo sát các khu dân cư, chung cư cũ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH- CATP Hà Nội tiến hành, các cán bộ không khỏi... rùng mình trước hệ thống điện mà người dân tự đấu nối. Điển hình khu tập thể Thành Công; đã và đang tồn tại những đường dây điện chằng chịt như mạng nhện chạy dọc tường nhà và tiếp xúc gần các vật liệu dễ cháy. Hệ thống dây điện phát sinh này rất dễ bị chuột cắn hở, có thể dễn tới chập điện gây hỏa hoạn lớn.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH- CAQ Đống Đa khẩn trương tiếp cận vụ cháy do chập điện tại ngôi nhà trong ngõ trên địa bàn

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH- CAQ Đống Đa khẩn trương tiếp cận vụ cháy do chập điện tại ngôi nhà trong ngõ trên địa bàn

Chủ động phòng cháy ngay tại gia đình

Thượng tá Đỗ Anh Quyến- Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội khuyến cáo: “Có những nguyên nhân cháy rất đơn giản, xuất phát từ những thói quen hằng ngày mà không ai ngờ tới. Điển hình việc quên tắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà; các bà nội trợ dùng bàn ủi để ủi đồ nhưng quên tắt gây cháy quần áo; rò rỉ điện từ các thiết bị như tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, máy nước nóng cũ; dây điện bị trầy xước do chuột cắn gây chập điện; lắp đặt đèn chiếu sáng quá sát với trần nhà...”

Có một thay đổi trong của người dân vài năm trở lại đây là thường sử dụng các bóng đèn điện hoặc những cây nhang điện thay thế vật dụng truyền thống. Tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc quá tin tưởng vào các thiết bị điện này, dẫn đến tình trạng bật liên tục ngày này qua ngày khác, sẽ dẫn tới quá tải và chập cháy. Chưa kể nếu thiết bị đó để trên ban thờ, nơi vốn nhiều đồ mã, hoặc không gian chật hẹp.

Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH- CATP Hà Nội đánh giá: “Những nguyên nhân cháy nổ thường xuất phát từ thói quen sử diện thiết bị điện của người dân nhưng kiến thức và ý thức an toàn PCCC còn hạn chế hoặc chủ quan. Để khắc phục những tồn tại và hạn chế cháy và thiệt hại do cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyên, hướng dẫn kỹ năng sử dụng điện an toàn trong gia đình, đồng thời phối hợp vơi Điện lực thành phố tiến hành kiểm tra hệ thống để đưa ra giải pháp an toàn cho người dân”.

Cũng theo chỉ huy lực lượng cứu hóa, việc lựa chọn thiết bị điện tốt, dây dẫn phù hợp là phương án tối ưu nhất để đề phòng cháy nổ hiệu quả. Cùng với đó, điều quan trọng không kém là ý thức người dân cần thay đổi hành vi sử dụng thiết bị điện thì mới mang lại hiệu quả cao. "Người dân nên sử dụng điện theo nguyên tắc bốn đúng: đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu. Điều cần thực hiện thường xuyên là bất kể ai trong gia đình, cơ quan hãy hành động tắt hết các thiết bị điện trong nhà, văn phòng, nhà máy... khi không có nhu cầu sử dụng để tránh lãng phí điện và giảm nguy cơ các sự cố điện có thể xảy ra", đại diện Cơ quan CS PCCC-CNCH CATP Hà Nội khuyến cáo,