Bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường

(ANTĐ) - Theo Nghị quyết 32 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, một loạt các biện pháp kiên quyết cưỡng chế thi hành pháp luật trật tự ATGT được đưa ra. Theo đó, từ ngày 15-9-2007, người đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến quốc lộ sẽ bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH). Và kể từ ngày 15-12-2007, người đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến đường (kể cả trong đô thị) đều bắt buộc phải đội MBH. Điều này là cần thiết nhưng việc tổ chức thực hiện thế nào cho hợp lý? Ai đảm bảo chất lượng MBH? Việc xử phạt sẽ như thế nào khi có quá nhiều xe máy lưu hành?

Bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường

(ANTĐ) - Theo Nghị quyết 32 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, một loạt các biện pháp kiên quyết cưỡng chế thi hành pháp luật trật tự ATGT được đưa ra. Theo đó, từ ngày 15-9-2007, người đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến quốc lộ sẽ bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH). Và kể từ ngày 15-12-2007, người đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến đường (kể cả trong đô thị) đều bắt buộc phải đội MBH. Điều này là cần thiết nhưng việc tổ chức thực hiện thế nào cho hợp lý? Ai đảm bảo chất lượng MBH? Việc xử phạt sẽ như thế nào khi có quá nhiều xe máy lưu hành?

CSGT Hà Nội kiểm tra, xử lý người tham gia giao thông không đội MBH trên đường Láng - Hòa Lạc. Ảnh: Minh Quân.
  CSGT Hà Nội  kiểm tra, xử lý người tham gia giao thông không đội MBH
trên đường Láng - Hòa Lạc. Ảnh: Minh Quân.

Cũng theo quy định nói trên, lực lượng CSGT được tạm giữ mô tô, xe máy 30 ngày trở lên nếu người điều khiển vi phạm một trong các quy định sau: chở quá số người cho phép; đi vào đường ngược chiều, đường cấm; lạng lách đánh võng; vượt đèn đỏ; không chấp hành hiệu lệnh của CSGT. Tạm giữ mô tô, xe máy 90 ngày không phân biệt sở hữu đối với trường hợp học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, hoặc không có giấy phép lái xe điều khiển mô tô, xe máy.

Để triển khai chủ trương này, bắt đầu từ ngày 1-7-2007, Hà Nội bắt đầu tuyên truyền, nhắc nhở các những người đi xe máy không đội MBH trên 6 tuyến phố. Việc xử phạt đã chính thức được áp dụng từ ngày 16-7-2007.

Còn tại TPHCM, việc xử phạt người đi xe mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm đã bắt đầu từ ngày 9-7-2007. Chỉ trong một đêm đầu tiên, CSGT CA TPHCM đã xử phạt 700 trường hợp vi phạm...

Cần phải khẳng định, việc đội MBH là rất cần thiết, vì nó khiến cho người tham gia giao thông an toàn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn có một số vướng mắc nảy sinh như thị trường không đáp ứng nổi số MBH, vì thế, chất lượng và giá cả MBH sẽ không kiểm soát nổi và người tham gia giao thông phải gánh chịu.

Mời các bạn bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề này!

ANTĐ

Trần Thành, emailDoan_tran_thanh@yahoo.com:

Việc đội mũ bảo hiểm là hết sức cần thiết

Tôi hoàn toàn tán thành việc đội mũ bảo hiểm cho tất cả các tuyến đường (kể cả trong đô thị).

Vấn đề tai nạn giao thông có thể nói là một trong những vấn đề nhức nhối mà đất nước ta phải đối mặt, trong đó số người chết vì chấn thương sọ não chiếm khá nhiều, do đó việc đội mũ bảo hiểm là hết sức cần thiết. Việc đội mũ bảo hiểm sẽ bảo vệ tính mạng cho người tham gia giao thông, giảm tai nạn giao thông.

Theo tôi, để giải quyết triệt để việc bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, cần có sự tham gia của toàn xã hội, mà trước hết chúng ta cần tuyên truyền, giáo dục cho người dân – những người trực tiếp tham gia giao thông về sự cần thiết và ý thức đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên trách như: công an, giao thông công chính, thậm chí cả lực lượng dân phòng địa phương cũng cần tham gia vào việc kiểm tra người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm.

Ngoài ra, cần có những quy định về tiêu chuẩn an toàn cho các loại mũ bảo hiểm, qua đó thống nhất về các loại mũ bảo hiểm để người dân yên tâm khi mua và sử dụng. Đối với những ai không chấp hành việc đội mũ bảo hiểm, cần có các biện pháp xử phạt thật nghiêm. Cần tăng mức phạt từ 20.000 – 40.000 đồng/lần lên cao hơn, và không thật cần thiết phải giữ xe ba ngày, vì nó sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác, như thiếu bãi gửi xe, lực lượng để mang xe v.v…..

Cuối cùng, theo tôi, ngoài việc bắt đội mũ bảo hiểm, các cơ quan chức năng, báo đài cần tham gia tích cực hơn nữa vào việc tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức tự giác khi tham gia giao thông của người dân, vì đây chính là vấn đề mấu chốt để giảm tai nạn giao thông./.

Vũ Anh Tuấn, email vutuanhung@gmail.com:

Đội mũ bảo hiểm là hành vi có văn hóa

Tôi đồng ý với việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường.

Tôi nhận thấy là rất hiếm khi người nước ngoài ngồi lên xe máy mà không đội mũ bảo hiểm. Gần nhà tôi có một gia đình người Thụy Điển sinh sống. Mỗi lần lên xe máy đi đâu là cả 2 vợ chồng, 2 đứa con nhỏ đều đội mũ bảo hiểm. Thậm chí, những đứa trẻ khi tập đi xe đạp, trượt patin... đều đội mũ bảo hiểm và mang bảo vệ khuỷu tay, đầu gối. Đối với họ, việc đội mũ bảo hiểm là thói quen tất yếu.

Lâu nay, Hà Nội vẫn hay nói về "văn minh, thanh lịch", "văn hóa Tràng An"... Xem ra, cần phải bổ sung yêu cầu bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Người đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông phải được coi là hành vi có văn hóa. Người không đội, không chấp hành thì phải lên án, xử phạt. Có như vậy việc này mới dần đi vào nề nếp./.

Quoc toan, email toan_ngan9903@yahoo.com:

Phản hồi về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm

Việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe moto ở các nước phát triển đã được thực hiện từ rất lâu rồi. Hiện nay ở Việt nam chúng ta mới bắt buộc phải thực hiện. Điều tôi muốn nói ở đây là nếu áp dụng quy định này trên các tuyến quốc lộ thì không có gì đáng bàn cãi nhưng nếu áp dụng cho cả trong đô thị thì cần phải xem xét lại điều kiện cụ thể của xã hội Việt nam hiện nay. Ở các nước phát triển không có hoặc rất hãn hữu xảy ra tình trạng ăn cắp vặt... Rồi ở nước ngoài, người dân đi siêu thị một lần mua thức ăn cho cả tháng ở các siêu thị. Còn người dân Việt Nam đi chợ cách nhà khoảng 500m muốn đi cái xe máy cho nhanh, mặc quần sooc, áo phông ra chợ mua mớ rau cũng phải đội 1 cái mũ bảo hiểm to gần bằng 2 cái đầu của mình, khi vào chợ chắc chắn phải mất thêm tiền để gửi mũ nữa. Giá gửi mũ là bao nhiêu (vì mũ dễ mất hơn xe)?

Ở các nước phát triển khác họ sử dụng ô tô riêng và các phương tiện giao thông công cộng khác như xe bus, tàu điện ngầm vv.. và nếu như họ có sử dụng moto hoặc xe đạp thì họ có đội mũ bảo hiểm nhưng họ treo mũ ở xe thì không bị mất trộm.

Tôi muốn nói rằng hiện tại nếp sinh hoạt đặc thù của người Việt Nam ta có lẽ chưa thể phù hợp với áp dụng đội mũ bảo hiểm trong cả các tuyến đường trong đô thị được vì phần lớn đân trong các đô thị đều sử dụng xe máy là phương tiện chính (chẳng ai đi ô tô hoặc xe bus đi chợ cách nhà mình ở 200m chỉ để mua quả ớt, mớ rau cả). Đi bộ ư vừa lâu, vừa nắng nóng, bụi bẩn ô nhiễm, thậm chí có nhiều tuyến phố không còn chỗ cho người đi bộ nữa... Hiện trạng đường phố của chúng ta hiện nay thế nào???? Nếu đi chợ bằng ô tô thì đến chợ Bưởi, Chợ Tam Đa... và những chợ Bình dân khác để xe ô tô ở đâu? 

Tóm lại các bạn thử nghĩ thực tế 1 chút đi xem sao? Đừng ngồi trên xe ô tô,làm việc trong nhà có điều hòa không khí, chẳng phải hàng ngày đi chợ, đón con cái học ở trường về.... mà có những quyết định thiếu tính thực tế làm trở ngại tới cuộc sống vốn đã khó khăn của người dân lao động.

Có lẽ vấn đề tôi nghĩ ở trên cũng có rất nhiều người nghĩ nhưng đã có ai có được câu trả lời thỏa đáng đứng về góc độ thực tế hiện nay thì xin cho mọi người được biết với nhé! Còn nói chung quy định này không sai, tất yếu nó sẽ phải áp dụng nhưng theo tôi thì xét theo thực tế xã hội việt nam, nếp sinh hoạt, điều kiện và hoàn cảnh của đa số người lao động, điều kiện cơ sở hạ tầng xã hội hiện nay (nhất là trong các đô thị) thì việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm trong nội thành là một quyết định quá sớm, chưa phù hợp./.

Đinh Cao Kỳ, email changtraigalang@yahoo.com:

Vướng mắc về vấn đề đội mũ bảo hiểm

Quy định mới về việc đội mũ bảo hiểm theo tôi tuy có nhiều mặt tốt nhưng vẫn có một số vấn đề nảy sinh. Chẳng hạn đối với việc đội mũ bảo hiểm trên tất cả các trục đường, kể cả đô thị được áp dụng vào tháng 12. Khi đường phố ở đô thị đã rất đông đúc nhộn nhịp vào các giờ cao điểm, thậm chí có thể gây ra tắc đường, đường phố thì hẹp mà mỗi người có một cái đầu thật to (MBH) thật là bất tiện cho việc quan sát xung quanh. Chính vì vậy tôi mong sẽ có một giải pháp hữu hiệu hơn đối với việc này./.

Minh Phương, email Phuongminh_hn@yahoo.com:

Ngại đội mũ bảo hiểm thì đi bộ hoặc đi xe bus

Đọc ý kiến của bạn Quoc toan, tôi không đồng tình. Bạn vạch ra đủ thứ "đặc thù" của Việt Nam và so sánh với nước ngoài để rồi kết luận là quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường là chưa phù hợp.

Vậy bao giờ thì quy định này phù hợp? Có lẽ theo cách nghĩ của bạn thì không bao giờ. 

Tôi không phản đối những thông tin bạn đưa ra là sai, nhưng nếu không có khởi đầu thì bao giờ có kết thúc. Nếu cứ cần là nhảy lên xe máy phóng "thuận tiện" như bạn nói thì làm sao người dân có thói quen sử dụng phương tiện công cộng? Vì sao lại không thể đi xe bus đi chợ? Vì sao không thể đi bộ tới chợ mà cứ phải là xe máy? Sao không thấy bạn nói về việc ở nước ngoài người ta đi bộ cả vài km từ nhà ga này tới bến đỗ kia nườm nượp mà không ai kêu ca?

Còn nhớ, cách đây mấy năm, khi có dự định xây đường riêng cho xe bus, rất nhiều ý kiến phản đối là sẽ gây khó khăn cho người đi xe máy, dẫn đến ách tắc giao thông. Và rồi dự án đó không được triển khai, chỉ còn một vài đường thí điểm có làn dành riêng cho xe bus. Thật đáng tiếc. Nhiều người nước ngoài nói rằng, nếu đi xe máy, thậm chí ô tô cá nhân thuận tiện quá thì tội gì đi xe bus. Đi xe máy phải thấy bất tiện, và nếu chuyển sang đi xe bus thấy thuận tiện hơn thì người ta mới sử dụng phương tiện công cộng chứ.

Với mũ bảo hiểm cũng vậy. Chắc chắn khi đi đường dài ít người còn "lăn tăn" về nó. Hiệu quả quá rõ rồi. Vừa đảm bảo an toàn hơn khi chẳng may bị tai nạn, vừa tránh được bụi bặm vào mắt, mũi... Còn khi đi trong phố, nhất là những quãng đường ngắn đội mũ bảo hiểm có vẻ gây bất tiện thật. Nhưng phải khó khăn như vậy thì mới có nhiều người sử dụng phương tiện công cộng hoặc đi bộ. Đi bộ là một nét đẹp văn minh của người phương Tây đấy chứ. Hơn nữa, đó còn là cách để rèn luyện sức khỏe.

Nói tóm lại, thấy một cái khó mà tìm cách bỏ đi thì dễ quá. Đã thấy là cần thiết thì cần phải tìm cho được giải pháp để thực hiện. Chắc chắn việc này không dễ dàng, nhưng ngay như Nhật Bản cũng phải mất hơn chục năm làm liên tục mới tạo được thói quen đúng khi tham gia giao thông đó thôi.

Tôi nghĩ, đội mũ bảo hiểm là cần thiết. Ai ngại thì đi bộ hoặc đi xe bus./.

Nguyễn Mạnh Trung, email kala21062000@yahoo.com:

Đội mũ bảo hiểm khi ra đường trong nội đô là bất tiện

Tôi thấy môi trường của xã hội, kinh tế của Việt Nam chưa thể phù hợp với châu Âu. Không cần phải nói nhiều, nhưng ý thức của người dân ta còn kém, nếu có việc chỉ đi cách xa nhà có 200 mét mà cũng mang cái MBH thì bất tiện quá. Chẳng nhẽ khi đó phải nói với chủ nhà trông hộ MBH? Mà cứ ôm khư khư vào trong nhà thì còn mất lịch sư hơn. Chưa kể vấn đề đi siêu thi, đi chợ, hay mua sắm, đã mất tiền gửi xe nay lại con mất tiền gửi MBH thì tốn kém cho người dân quá v..v.v. Nói chung tôi thấy việc đội MBH trong nội đô là bất tiện./.

Nguyễn Đức Thuần, email ndthuan@email.viettel.vn:

Để chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đi vào cuộc sống

Đã đến lúc không cần bàn đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên xe máy là cần thiết nữa. Mà quan trọng là nên làm gì để nó thực sự thấm sâu và tạo ra sự yên tâm của người dân: Đã đến lúc phải chỉ đạo, có đầu tư hỗ trợ để sản xuất ra các loại mũ bảo hiểm đa dạng, phù hợp, mỹ quan lại đảm bảo chất lượng cao về mặt bảo hiểm khi không may tai nạn xẩy ra.

Trước mắt, phải kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm và chỉ cho phép những loại đạt tiêu chuẩn được bán tại các đại lý quy định, để người dân yên tâm đến đó mà mua. Về giá cả cũng phải duyệt giá cả chỉ dao động từ bao nhiêu đến bao nhiêu tiền để người dân không bị lừa, tiền mất mà tật có thể sẽ mang khi tai nạn xẩy ra vì mũ bảo hiểm chất lượng quá kém.

Lâu dài, khi bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy tham gia giao thông trên tất cả các tuyến đường thì phải chỉ đạo việc sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm đáp ứng thừa nhu cầu. Nếu cần, có thể giảm thuế để người dân không phải mua mũ với giá cao v.v..

Buộc cán bộ đảng viên, đoàn viên thanh niên gương mẫu trong cuộc vận động 3 tháng trước khi bắt buộc với mọi người phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy tham gia giao thông. Đây là bước đi cần thiết để cuộc vận động có lộ trình, bước đi thích hợp trước khi mở rộng.

Lãnh đạo cơ sở có người của mình thuộc đối tượng trên phải chịu trách nhiệm tổ chức giáo dục kiểm tra và nghiêm khắc xử lý nếu bất kỳ ai vi phạm quy định này. Bên cạnh việc phải tăng cường giáo dục nét văn hóa đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy, cần có chế tài phạt nghiêm, phạt liên tục thì việc chấp hành mới trở thành nề nếp.

Đây phải là quá trình giáo dục và tổ chức thực hiện liên tục, không được sao nhãng, chỉ có tăng cường hoặc duy trì, không thể giảm dần được. Phải phát triển mạnh giao thông công cộng, trước mắt là xe buýt để nhiều người chuyển sang đi xe buýt, đi bộ nếu ngại đội mũ bảo hiểm. Hướng đi này thực chất là góp phần giảm dần tỷ lệ người đi xe máy tham gia giao thông và tăng nhanh tỷ lệ người đi xe buýt, tiến tới như nhiều nước ở các thành phố lớn, cấm hẳn đi xe máy./.

Nguyễn Đình Phong, email nguyendinhphuong54@vnn.vn:

Đội mũ bảo hiểm là cần thiết

Việc đội mũ bảo hiểm xe máy trên đường phố là một điều tôi thấy rất cần thiết. Nó không những giảm hậu quả của tai nạn giao thông khi đã xảy ra, mà còn có tác dụng tránh tai nạn giao thông trước khi người đó tham gia giao thông, đồng thời nâng cao ý thức pháp luật của mỗi người dân, không chỉ trong pháp luật giao thông.

Nhân diễn đàn này tôi muốn phân tich một số điều có lợi khi đội mũ bảo hiểm như sau:

Trước hết, đội mũ bảo hiểm để giảm chấn thương khi tai nạn xảy ra thì ai cũng biết. Vấn đề là ở chỗ, đội mũ bảo hiểm là cần thiết và khả năng áp dụng nó trong thực tế ra sao ta cần xem xét thêm một số ưu điểm tiếp theo. Khi mũ bảo hiểm đã là một vật "bắt buộc", bất ly thân cùng đồng hành với xe máy, thì người ta luôn có ý thức sử dụng nó khi cầm tay vào ghi đông xe để đi, lâu dần chắc chắn thành quen, không ai thấy phiền hà. Mọi người khi ngồi trên xe máy mà thiếu MBH sẽ cảm thấy thiếu một cái gì đó, như khi ra khỏi nhà mặc quần áo không đúng phong cách. Trước đây 20 năm, ai cũng nghĩ ở "Tây" mới đi giầy da thường xuyên còn ở ta là không tưởng, vì trời nóng! Nhưng nay thì đó là chuyện không ai phải bàn.

Một tác dụng nữa chắc chắn góp phần làm giảm lưu lượng xe máy trong thành phố, bởi vì thói quen của nhiều người là đi một bước cũng lên xe máy, từ nhà hoặc từ cơ quan đi đâu đó.... Đó là một thói quen không tốt (mà có lẽ chỉ ở việt nam mới có) khi mà đoạn đường đi có thể chỉ là ngắn, thậm chí chỉ vài trăm mét. Mục đích chuyến đi có thể là rõ ràng, nhưng đôi khi đi chỉ là đi làm một việc không nhất thiết phải làm. Do vậy trước khi đi mà đội MBH, bắt buộc người đi cũng sẽ phải cân nhắc có nên đi bằng xe máy hay không? Và nên đi từ nhà đến nơi làm việc bằng phương tiện gì, khi mà đi xe máy đến cơ quan xe cũng chỉ để ở nhà xe...

Như vậy, lượng xe máy sẽ giảm đi trên đường, vừa giảm TNGT vừa đỡ tốn xăng mà cũng giảm ô nhiễm môi trường. Điều quan trọng là mũ BH cần phải đảm bảo, nhẹ, thoáng, dễ sử dụng để tránh viêc người tham gia giao thông thấy phiền hà và khó nhận biết được các tín hiệu giao thông cần thiết, ngay cả trong điều kiện thời tiết bất lợi nhất./.

Anh Quân, email: acmilan_136@yahoo.com:

Bắt buộc đội mũ bảo hiểm... trong cả nội thành??

Tôi cũng đồng tình với ý kiến của anh Quốc Toàn. Cũng phải công nhận rằng đội mũ bảo hiểm là vì an toàn và nó cũng cần thiết. Nhưng cũng chỉ nên áp dụng trên 1 số tuyến đường chứ bắt buộc mọi người cứ lên xe là phải đội mũ thì quả thật có quá nhiều bất tiện.

Anh Minh Phương có nói nếu ngại đội mũ bảo hiểm thì đi bộ hoặc đi xe buýt nhưng anh có nghĩ là thực trạng của giao thông HN nói riêng và VN nói chung là thế nào không ạ !?

Nếu tất cả những người ngại đội mũ bảo hiểm đều đi bộ hay đi xe buýt ?? Theo anh 1 cái vỉa hè ở HN có thế 1 lúc có thể chứa bao nhiêu người qua lại ?? Khi mà hiện giờ chỉ 1-2 cái xe buýt cũng có thể làm tắc cả 1 đoạn đường. Vậy khi nhu cầu tăng như thế thì thử hỏi sẽ như thế nảo?? Ở VN phương tiện đi lại chủ yếu của người dân là xe máy, đâu có đa dạng như nước ngoài để có những con đường chỉ dành cho người đi bộ, đâu ra những tàu điện ngầm cao tốc và thuận tiện??

Ở nơi khác tôi không biết nhưng tôi thấy ở HN người ta có một sở thích và cũng là 1 thói quen là đi dạo mát bằng xe máy quanh những con đường ở HN. Anh cứ nghĩ xem 1 tối thứ 7 nào đó anh đèo người yêu đi dạo mát...đi qua hồ gươm và ở Hồ Gươm lúc ấy cũng có cả ngàn chiếc xe mà ai trên xe cũng có 1 cái mũ bảo hiểm trên đầu chen chúc nhau dạo mát... cái cảnh tượng ấy thật quá đỗi ngột ngạt. Anh có muốn mình đội mũ bảo hiểm trên đầu giữa mùa hè oi bức đứng cả tiếng đồng hồ ngoài đường do tắc đường không?? Vậy đấy còn rất nhiều điều bất tiện nữa khi mà đi đâu cũng phải đội mũ bảo hiểm (nhất là ở nội thành) mà chắc nhiều người cũng nghĩ tới...

Nguyen Hoang Linh Ngan, email hoinghesyxiechanoi@yahoo.com:

Cần phát động phong trào sâu rộng về đội MBH

Vấn đề MBH đã được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, phạt rồi giữ xe nói chung không được hiệu quả như mong muốn.

Vậy tại sao ta làm tốt được việc cấm đốt pháo trong dịp Tết?

Cần phải phát động một phong trào sâu rộng trong toàn xã hội, nhất là giới trẻ. Từ học sinh mẫu giáo đến học sinh phổ thông phải được giáo dục và khuyến khích ở nhà trường và gia đình.

Trước mắt có thể lấy ngày thứ 7, chủ nhật là ngày người người đội MBH khi ra đường, tạo thành khí thế, nhất là các cơ quan công sở. Tránh việc phạt hay xử lý không đến nơi đến chốn, tạo thành thói quen không tôn trọng pháp luật...

Thu, email thuyvkt@yahoo.com:

Ước gì cán bộ ngành GTVT thử đội MBH đi xe máy...

Đầu tiên phải phạt người vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chìều, vừa đi xe vừa dùng điện thoại di động, họp chợ ở Quốc lộ, lái xe không bằng lái... Đấy là nguyên nhân gây ngã và va chạm, gây tai nạn giao thông.

Đấy là số ít hơn mà lực lượng cảnh sát giao thông còn chưa làm xuể. Phạt người không đội mũ khi tham gia giao thông là phạt về cái ngọn. Số này lại rất đông thì sao làm nổi.

Đấy là chưa nói đến nhiều người đội mũ vào không nghe, không nhìn được, trong khi xe máy đi cạnh nhau chỉ cách nhau tính bằng cm thì sẽ có nhiều người ngã vì đội mũ. Đây mới là điều đáng tiếc nhất. Nhiều khi ý nghĩ tốt nhưng làm không đúng quy luật lại gây hậu quả không tốt. Ước gì các cán bộ đầu ngành GTVT như bộ trưởng thử đội mũ bảo hiểm đi trong nội thành cho biết đội mũ bảo hiểm đi trong nội thành nó thế nào./.

Truong duc hoang anh, email fantasy8910@yahoo.com:

Hơi vướng, nhưng bù tại ta được an toàn

Với dòng xe cộ đông đúc như hiện nay, mỗi chúng ta ra đường ai ai cũng đều cảm thấy bất an. Nhìn những chiếc xe tải, xe container, xe taxi, xe buýt chạy lạng lách, lấn đường thật là nguy hiểm.

Nếu chịu khó nghe tin tức ta cũng có thể thấy số vụ TNGT năm nay tăng đột biến, số người chết cũng vậy mà tăng theo. Thật đau lòng trước thực tại như vậy.

Vừa qua Chính phủ đã ra quyết định về việc đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường trong thành phố. Việc này đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Có người ủng hộ, có người không. Với những người ủng hộ thì cho rằng việc này rất cần thiết, vì theo nghiên cứu nếu ta chạy với tốc độ từ 11km/h trở lên khi ngã sẽ gây ra chấn thương sọ não. Cũng vì vậy mà các nước châu Âu bắt buộc dội mũ bảo hiểm với cả người đi xe đạp. Còn với những ai không ủng hộ thì cho rằng ở trong thành phố không đi nhanh được nên việc đội mũ bảo hiểm không cần thiết.

Dù là theo hướng nào chúng ta cũng phải nhận thấy rằng ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, lưu lượng xe ngày càng tăng thì việc đội mũ bảo hiểm là rất cần thiết để tự bảo vệ mình khỏi nhưng tai nạn rủ ro. Có thể là phụ nữ sẽ không thể làm đẹp khi đi dự tiệc mà đội mũ bảo hiểm, có thể chúng ta sẽ cảm thấy thật phiền hà khi đi đâu cũng kè kè chiếc mũ bảo hiểm. Ngoài ra khi đến một nơi nào đó không có chỗ giữ MBH, thì tệ nạn mất cắp sẽ tăng, rồi tình trạng MBH lậu tràn vào sẽ làm điêu đứng các doanh nghiệp sản xuất MBH…. Nhưng bù lại ta được an toàn mỗi khi ra đường, những người thân của ta sẽ an tâm hơn khi thấy ta vừa chấp hành tốt luật lệ giao thông vừa đảm bảo an toàn cho bản thân./.

Phạm Mai Anh, email bandsaws_tlp@yahoo.com.vn:

Mong là thói quen đội MBH của dân Ta cũng như Tây...

Tôi tán thành việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến phố. Buôn dưa lê vào những ngày nghỉ cuối tuần ở mấy hàng nước tại khu phố tôi đang ở trong thời gian gần đây cũng rất sôi nổi về vấn đề này.

Đại đa số đều ủng hộ chủ trương đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy. Tuy nhiên có không ít ý kiến than phiền về những bất tiện khi phải đội mũ bảo hiểm: nào là vướng víu, không tin tưởng chất lượng của mũ...v...v... Mà thực ra những người không tán thành đều là thanh niên hoặc còn trẻ (những người hàng ngày phải đi mô tô, xe máy đi làm hoặc đi học).

Có ý kiến còn cho rằng làm như vậy là khó thực hiện được hoặc rồi lại đâu vào đấy... Hơn nữa, có ý kiến còn cho rằng "các quan nhà ta hàng ngày phải đi xe hơi nên mới dám phát biểu vậy, chứ nếu hàng ngày các quan được đi xe máy đến cơ quan thì..."

Là công dân đã sống với thủ đô nhiều năm, tôi thực sự tán thành chủ trương này. Và mong rằng trong tương lai gần, thói quen đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy của dân Ta cũng giống dân Tây vậy./.

Tian anh, email troioi@yahoo.com:

Tôi tán thành, nhưng...

Tôi hoàn toàn tán thành việc dội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường. Nhưng việc bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm trong nội thi thi tôi thấy không được hợp lý cho lắm. Với mật độ xe đi trong thành phố quá lớn như hiện nay của ta, đôi khi còn tắc đường thi việc đội mũ bảo hiểm là quá bất tiên, cùng với thời tiết nóng bức mà phải dừng lại chờ đèn đỏ liên tục trong thành phố thi thật là khó chịu.

Huyền, email thuonghuyen84128@yahoo.com:

Đội mũ bảo hiểm trong đô thị - bất tiện!

Tôi hoàn toàn tán thành quy định đội mũ bảo hiểm đi trên các tuyến quốc lộ. Nhưng việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đi trong đô thị là một trở ngại lớn. Từ nhà tôi đến cơ quan có 1 km, đi làm là phải mang mũ bảo hiểm. Rồi từ nhà ra chợ, lại phải lỉnh kỉnh mang theo mũ bảo hiểm... Tóm lại là hết sức bất tiện. Những vụ tai nạn xảy ra trong đô thị mức độ đâu có nghiêm trọng như tai nạn xảy ra trên quốc lộ vì hầu hết xe đi trong đô thị với tốc độ chậm. Tôi cho rằng, việc đội mũ bảo hiểm đi trong đô thị cần phải được cân nhắc lại. Nếu cứ quyết định rồi nhưng vì quá bất tiện, người dân không thực hiện được thì lúc đó, cơ quan chức năng lại phải điều chỉnh quy định hoặc mang tiếng là đánh trống bỏ rùi. Còn nếu cứ xử phạt vi phạm thì e rằng, cảnh sát giao thông không bao giờ làm tròn nhiệm vụ cả.

Ngô Lê Lợi, email ngoleloihagiang@yahoo.com:

Đôi mũ bảo hiểm là an toàn cho mọi người tham gia giao thông

Tôi thấy chủ trương đội mũ bảo hiểm là rất đúng đắn. Đáng lẽ chúng ta phải tuyên truyền và thực hiện từ lâu rồi. Tuy muộn, nhưng đến tháng 12/2007 này quy định người dân cứ đi xe máy ra đường thì phải đội MBH bao gồm cả quốc lộ và đô thị nếu thực hiện được thì tốt quá. Hoan nghênh chủ trương của Nhà nước.

Nhưng tôi thấy băn khoăn về việc an ninh cho việc mang mũ, thực tế Việt Nam ta trộm cắp còn nhiều như trộm xe máy , trộm biển số xe mà một thời Công an phải điều tra phá án, đằng này cái mũ không có khóa mà giá một cái mũ lại còn khá đắt so với thu nhập của dân ta. Khi ra đường phải đội mũ BH khi mua hàng , vào chợ , đón con, nơi vui chơi... nếu mất thì ai giải quyết, lúc đó mất mũ lại rất rầy rà, trình báo ai tin.

Ngoài ra, điều quan trọng nữa là muốn người dân chấp hành đội MBH thì công chức nhà nước phải gương mẫu thực hiện trước,người được Đảng và nhân dân giao kiểm tra kiểm soát giao thông phải làm nghiêm minh, liêm khiết thì chắc chắn việc chấp hành đội MBH sẽ có kết quả tốt.

Duong thi thu Hao, email tthanh kt80@yahoo.com:

Tôi hoan nghênh việc đội MBH

Tôi rất mừng khi có quy định bắt buộc đội MBH đối với người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường. Kể từ ngày 1-7-2007, tôi đã chấp hành quy định này, mỗi khi đi xe máy tôi đều đội MBH, tôi cảm thất rất an tâm khi điều khiển xe.

Phạm Ngọc Bảo, email ngocbaophm@gmail.com:

Đội mũ bảo hiểm trong nội thị quá bất tiện

Tôi hoàn toàn đồng ý với chủ chương quy định đội mũ bảo hiềm khi đi xe máy, mô tô trên các tuyến quốc lộ, nhưng tôi không đồng tình với việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi trong nội thành Hà Nội.

Các bạn thử nghĩ xem hàng ngày có bao nhiêu người phải sử dụng xe máy, mô tô để đi làm, đi học, đi chợ, mua sắm... nếu đi gần hay xa đều phải đội mũ thì khi đến nơi cần đến như công sở, trường học, siêu thị, chợ... họ cứ phải ôm theo cái mũ, nếu mang theo trẻ em thì lại thêm 1 mũ cho cháu. Việc này quá bất tiện, trong khi đó dịch vụ trông xe có phát sinh thêm dịch vụ trông mũ và giá là bao nhiêu? Người lao động đã nghèo lại phải chịu thêm 1 chi phí nữa.

Ngoài ra thời tiết Hà Nội thì như các bạn đã biết, mùa hè rất nóng, bụi lại hay tắc đường, nếu gặp cảnh này bạn có dễ chịu khi phải đội 1 cái mũ to xù trên đầu không ? Chưa nói đến việc chiếc mũ sẽ làm giảm việc nghe, nhìn khi được dùng trong 1 môi trường quá đông đúc, nhiều phương tiện giao thông dùng chung 1 tuyến đường, rất dễ gây tai nạn.

Hoàng Kim Thạo, email thaohoangkim@gmail.com:

Rất cần thiết đội mũ Bảo Hiểm

Tôi thấy rất cần thiết khi các xe mô tô lưu hành trên tất cả các tuyến đường (kể cả nội đô) phải đội mũ Bảo hiểm. Cần phải tạo cho người dân một ý thức tự giác khi tham gia giao thông.

Truongsinh, email nguoinhapcuoc304@yahoo.com.vn:

Về việc đội mũ bảo hiểm trong nội đô

Tôi đã đọc rất nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc. Có ý kiến cho rằng đội mũ bảo hiểm trong nội đô là đúng, có ý kiến cho rằng sai. Vậy sự thật về việc này như thế nào thì các bạn cố chờ đợi thêm một thời gian nữa. Nhà nước yêu cầu chúng ta đội mũ cũng là vì tính mạng của bản thân chúng ta mà thôi, đâu có gì phải thắc mắc. Còn tiện hay bất tiện cũng không thể sánh với nguy cơ chấn thương sọ não hoặc tử vong. Không nên vì những tiện ích nhỏ đó mà làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Nếu như mai này nhà nước cấm sử dụng môtô xe máy, như nhiều nước đã làm, thì chúng ta cũng phải chấp hành thôi!

Đặng Trần Chiến, email dangtranchien@yahoo.com:

Đội mũ bảo hiểm chỉ là "giải pháp ngọn"

Kính thưa Tòa soạn và các bạn trong diễn đàn của báo An ninh Thủ đô!

Tôi cho rằng đội MBH là tốt lắm! nhưng thôi ta không bàn về những vấn đề như: đội MBH không nghe rõ các tín hiệu giao thông, không có chỗ gửi Mũ, v. v.. Ta quan tâm đến việc Chính phủ ra quyết định bắt buộc đội MBH nhưng không tổ chức việc sản xuất và phân phối Mũ cho người dân. Phó mặc cho các cơ sở sản xuất tự tung tự tác. Họ đưa ra những Mũ kém chất lượng những giá thì cắt cổ. Người dân thì oằn lưng ra để mua mũ.

Trong khi việc đội MBH chỉ là một khâu trong an toàn giao thông. Tại sao nhà nước không cải tạo hệ thống giao thông cho tốt, xây dựng đường sá khang trang rộng rãi đủ tiêu chuấn quốc tế? không làm thật chặt việc thi lấy bằng lái v.v và v.v...

Tôi xin không đưa ra những câu hỏi kiểu này nữa vì các quan chức nghành giao thông đã biết thừa rồi.

Việc đội MBH chỉ là biện pháp cuối cùng để phòng tránh TNGT mà thôi. Hay nói cách khác đấy chỉ là giải quyết cái ngọn của cây An toàn giao thông. Cây muốn vững chắc thì gốc phải vững vàng. Nhà nước ta chưa làm cho chắc cái gốc mà đã bắt dân phải vún đắp và chăm sóc cái ngọn. Tôi cho rằng đó là áp đặt không thuyết phục và không khả thi. Rồi các quí vị sẽ thấy, chỉ được thời gian ngắn thôi rồi đâu lại vào đấy như bắt cóc bỏ đĩa, ném đá ao bèo. Lúc đó người dân đã bỏ bao nhiêu tiền mua MBH?

Con số này ai cũng có thể tính được. Nếu nước ta có khoảng 20 triệu xe máy,  bình quân 2 MBH/1 xe. Vậy 40 triệu chiếc nhân với trung bình 150 ngàn đồng/chiếc, tổng số tiền chi ra lên tới 6000 tỷ đồng!

Ở các nước tiên tiến người ta tự nguyện đội MBH vì cái gốc của họ tốt rồi, nếu không đội thì chính người tham gia giao thông thấy không an toàn và xấu hổ.

Tôi có mấy lời nói từ đáy lòng nếu có gì sai xin bỏ quá!

Dao Ngoc Cuong, email Dao_Ngoc_Cuong09@.yahoo.com.vn:

Việc đội mũ bảo hiểm là hết sức cần thiết

Tôi hoàn toàn tán thành việc đội mũ bảo hiểm cho tất cả các tuyến đường (kể cả trong đô thị). Vấn đề tai nạn giao thông có thể nói là một trong những vấn đề nhức nhối mà đất nước ta phải đối mặt, trong đó số người chết vì chấn thương sọ não chiếm khá nhiều. Do đó việc đội mũ bảo hiểm sẽ bảo vệ tính mạng cho người tham gia giao thông, giảm tai nạn giao thông.

Theo tôi, để giải quyết triệt để việc bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, cần có sự tham gia của toàn xã hội, mà trước hết chúng ta cần tuyên truyền, giáo dục cho người dân – những người trực tiếp tham gia giao thông về sự cần thiết và ý thức đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên trách như: công an, giao thông công chính, thậm chí cả lực lượng dân phòng địa phương cũng cần tham gia vào việc kiểm tra người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm.

 Lời kết

Thưa quý vị và các bạn, ANTĐ online đã nhận được rất nhiều ý kiến tham gia diễn đàn về quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Đa số các ý kiến đồng tình với chủ trương lớn của Chính phủ, bởi lẽ quy định này là vì sự an toàn của người dân. Nhiều ý kiến cũng nêu ra một số vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Chẳng hạn về chất lượng mũ, giá cả, khả năng đáp ứng nhu cầu về mũ, trông giữ mũ hay lo ngại mất cắp mũ bảo hiểm... Trên thực tế, những ý kiến này đã được ANTĐ chuyển đến cơ quan quản lý thông qua các bài điều tra, phản ánh trong thời gian qua.

ANTĐ online xin kết thúc diễn đàn này, với mong muốn chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông sẽ được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Vì sự an toàn của bản thân và gia đình mình, hãy đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tất cả những lý do đưa ra để biện hộ cho việc chưa chấp hành đội mũ bảo hiểm đều là ngụy biện./.