Bắt bệnh để kê đơn

ANTĐ - So với bản báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội trước kỳ họp thứ 3 này, báo cáo được trình bày trên nghị trường đã có một số thay đổi về quan điểm đánh giá tình hình. Với tinh thần nhìn thẳng vào khó khăn thực tại cũng như lường trước những thách thức không nhỏ từ nay đến cuối năm, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận rằng, đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm kinh tế. Xác định như vậy tức là nhiệm vụ và các giải pháp cũng sẽ có sự thay đổi trong trật tự ưu tiên.

Theo đó, nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư được đặt lên hàng đầu, đồng thời song hành nhiệm vụ “tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”. Một trong những trọng tâm lớn được Quốc hội tập trung thảo luận tại kỳ họp này là Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Ngay sau khi Chính phủ trình bày tờ trình Đề án, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cần lượng hóa giải pháp được tính toán ra kết quả, đáp số như một “bài toán” thì mới có tính khả thi và thuyết phục. Góp ý cho Đề án, Ủy ban Kinh tế chỉ rõ, Chính phủ chỉ nên hoạch định và ban hành cơ chế, chính sách, đồng thời chọn một số khâu đột phá, trong đó sử dụng nguồn lực từ ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, chủ thể thực hiện không chỉ là doanh nghiệp Nhà nước, mà cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cùng tham gia. Có nghĩa là cần nhấn mạnh hạn chế “bàn tay” tham gia trực tiếp của Nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong thời gian từ nay đến hết năm 2012, theo Ủy ban Kinh tế cần phải thực thi một số giải pháp tập trung theo hướng để thị trường tự vận động.

Mặc dù Đề án đưa ra 13 nhóm giải pháp chủ yếu, song theo đánh giá, các nhóm giải pháp này chưa có sự gắn kết với nhau, cũng như chưa thực sự đồng bộ giữa các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và thiếu giải pháp đối với vấn đề an sinh xã hội và môi trường. Một ủy viên của Ủy ban cho rằng, những tồn tại yếu kém nêu trong Đề án không có gì mới, đã tồn tại nhiều năm và đã áp dụng nhiều giải pháp nhưng chưa có chuyển biến toàn diện. Chính phủ cần phân tích, làm rõ nguyên nhân do thể chế chưa phù hợp, chính sách chưa đúng, chưa đủ hay đã có chính sách nhưng tổ chức thực hiện chưa tốt. Tuy nhiên, trong Đề án Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những tổn thất có thể phải chịu đựng khi thực hiện Đề án. Đó là hàng nghìn dự án đầu tư, nhất là bằng vốn ngân sách nhà nước có thể phải đình hoãn; hàng chục nghìn doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể thua lỗ; nhiều doanh nghiệp yếu kém; sức cạnh tranh thấp phải đóng cửa, giải thể hoặc phá sản; một lực lượng lao động bị mất việc và thất nghiệp; một số địa phương phải thay đổi lại định hướng và kế hoạch phát triển với phí tổn không nhỏ…

Chấp nhận hy sinh tốc độ tăng trưởng để đổi lấy chất lượng tăng trưởng, Đề án tái cấu trúc nền kinh tế kỳ vọng tạo ra sự đột phá lớn lao, toàn diện và sâu sắc. Điều cực kỳ quan trọng là Đề án phải “bắt bệnh”, đánh giá chuẩn xác thực tại nền kinh tế, từ đó mới có thể “kê đơn” chính xác được.