Bất an với tàu ngầm Nga và Trung Quốc, Mỹ triển khai tàu tuần tra chống ngầm không người lái

ANTĐ - Đối diện với sự uy hiếp của tàu ngầm đến từ Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác, Mỹ đã có kế hoạch triển khai tàu tuần tra chống ngầm không người lái (ACTUV). Hệ thống ACTUV này có thể định vị cũng như theo dõi và bám nắm tàu ngầm của đối phương liên tục.  

Bất an với tàu ngầm Nga và Trung Quốc, Mỹ triển khai tàu tuần tra chống ngầm không người lái  ảnh 1 Mô hình đồ hoạ "thợ săn ngầm" ACTUV

Cơ quan nghiên cứu dự án quốc phòng tiên tiến Mỹ (DARPA) đã triển khai dự án này từ năm 2010, nhằm chế tạo ra một tàu tuần tra không người lái dài khoảng 132 feet (40.2336), để thực hiện nhiệm vụ theo dõi các tàu ngầm diesel - điện siêu êm.

Tháng 3-2015, dự án “tàu tuần tra chống ngầm không người lái” đã thử nghiệm thành công tại sông Mississippi, phạm vi thử nghiệm là 35 hải lý. Trong quá trình đó, công ty công trình Leidos và DARPA đã thử nghiệm hệ thống ACTUV thông qua việc mô phỏng hàng trăm tình huống khác nhau trên sông.

Lần thử nghiệm gần đây nhất đã hoàn thành thử nghiệm định vị, theo dõi bám nắm đối tượng thông qua sử dụng một tàu ngầm dài 42 feet (12,8016 m) làm quân xanh để phục vụ cho công tác thử nghiệm.

Giám đốc dự án - Scott Littlefield tiết lộ, hiện nay Mỹ đang tiếp tục tìm kiếm để phát triển hệ thống cảm biến tự động cho tàu không người lái mặt nước này. Đồng thời, tăng cường khả năng  nhận biết trong mọi tình hình thời tiết của loại tàu này ở bất kể tình trạng khí hậu và điều kiện giao thông nào, nhằm nâng cao khả năng thực hiện mọi nhiệm vụ quân sự của quân đội Mỹ trong mọi lúc mọi nơi.

Mục đích dự án này của Mỹ là nhằm đáp ứng yêu cầu bám nắm và theo dõi tàu ngầm diesel-điện, vì loại tàu ngầm này hoạt động rất êm, mức độ phát hiện, bám nắm theo dõi cực kỳ khó. Hiện nay Mỹ đang sử dụng tàu ngầm động cơ hạt nhân có giá thành đắt đỏ để theo dõi tàu ngầm hạt nhân đối phương.

Chính vì thế, Lầu Năm Góc muốn loại bỏ phương thức sử dụng tàu ngầm động cơ hạt nhân để theo dõi tàu ngầm đối phương, sang nghiên cứu loại tàu tuần tra không người lái với giá thành thấp hơn nhiều mà vẫn đạt được hiệu quả.

ACTUV có thể hoạt động độc lập hàng nghìn km trên biển, một đợt tuần tra có thể kéo dài hàng tháng. Nó có thể ra biển tuần tra, tìm kiếm và theo dõi tàu ngầm động cơ diesel-điện mà không cần sự có mặt của con người.

Nếu dự án này triển khai thành công, Mỹ sẽ sử dụng hệ thống ACTUV để giám sát loại tàu ngầm siêu êm của Nga, Trung Quốc và Iran.