Bất an với đại công trường dự án đường sắt đô thị

ANTĐ - Thanh dầm sắt nặng hơn 600kg tại công trường thi công Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội bất ngờ đổ ập xuống đường. Tuy không gây thương vong nhưng vụ việc lại một lần nữa làm dấy lên tâm lý bất an của  người dân Thủ đô đối với tình trạng thi công các tuyến đường sắt nội đô mất an toàn. 

Nhà thầu xin lỗi 

Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, thanh dầm sắt có trọng lượng 630kg, dài hơn 10m, rộng khoảng 20cm bị rơi từ chiếc cần cẩu đang thi công xuống đường. Sự cố xảy ra vào khoảng 18h30 tối 10-5, tại công trường thi công ga số 4 thuộc gói thầu CP02 Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội do nhà thầu Posco thi công.

Ông Lê Huy Hoàng, Phó Trưởng Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố,  đơn vị này đã có mặt yêu cầu nhà thầu Posco và thầu phụ dừng thi công để khắc phục sự cố. Sáng 11-5, Ban QLDA (chủ đầu tư) và các bên liên quan đã họp tại hiện trường, kiểm điểm trách nhiệm của nhà thầu về sự cố trên, đồng thời giao tư vấn kiểm tra lại chất lượng vật liệu, thiết bị, công tác cảnh giới trước khi cho nhà thầu triển khai tiếp.

Bất an với đại công trường dự án đường sắt đô thị ảnh 1

Việc thi công đường sắt trên cao mất an toàn khiến người dân bất an

“Nguyên nhân xảy ra sự cố do đơn vị thi công khi cẩu chưa kiểm tra kỹ, công nhân móc nối cáp không tuân thủy các quy trình về an toàn. Việc ép cọc cừ tại ga số 4 sẽ tạm dừng trong khoảng 3 ngày để chờ kết luận. Tuy nhiên, sẽ không vì để xảy ra sự cố này mà làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án”, ông Lê Huy Hoàng cho hay.

Cũng theo đại diện Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội, đơn vị này đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội. Trách nhiệm để xảy ra sự cố thuộc về chủ đầu tư. Ngoài ra, sẽ xem xét các nhà thầu phụ, nếu nhà thầu không đạt yêu cầu sẽ cho dừng thi công. 

Tại cuộc họp, đại diện nhà thầu Posco đã xin lỗi người dân, xin lỗi chủ đầu tư và UBND TP Hà Nội. “Đây là sự việc không được phép xảy ra. Posco xin lỗi vì đã không làm tròn vai trò quản lý của mình. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại tất cả các cọc cừ trong dự án, sẽ đào tạo lại kỹ sư của Posco và của các nhà thầu phụ để tránh tái diễn sự việc”, ông Lee Sang Don, Giám đốc Dự án của Posco bày tỏ. Các hư hại, ảnh hưởng do sự cố gây ra nhà thầu Posco sẽ chịu trách nhiệm bồi thường. Posco cũng sẽ chú trọng trong việc phân công nhân viên tham gia cảnh báo, hướng dẫn giao thông.

Tư vấn vắng mặt vì thi công vào chủ nhật!

Còn ông David Chevallier, Quyền trưởng đoàn tư vấn Systra của dự án cho biết, do nhà thầu thực hiện công việc vào chủ nhật nên khi xảy ra sự cố không có sự giám sát của tư vấn Systra. “Chúng tôi đặt an toàn là ưu tiên hàng đầu, khẩu hiệu này không phải để trang trí. Chúng tôi sẽ hành động để ngăn chặn các sự cố tương tự. Từ hôm nay (11-5), các gói thầu của dự án sẽ không được thi công vào chủ nhật”, ông David Chevallier khẳng định. 

Tư vấn Systra sẽ kiểm tra lại vật liệu tại tất cả các ga đang thi công, chỉ khi đầy đủ các điều kiện an toàn lao động, ATGT thì mới được phép thi công. Đồng thời, sẽ xem xét lại các nhà thầu phụ đang thi công, nếu lỗi do nhà thầu phụ sẽ loại ra khỏi dự án. 

Bất an với đại công trường dự án đường sắt đô thị ảnh 2Bất an với đại công trường dự án đường sắt đô thị ảnh 3

Hiện trường vụ dầm thép nặng 630kg rơi tại khu vực đang thi công 
dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội

Ông Nghiêm Xuân Đức, Trưởng phòng an toàn nhà thầu Posco - Dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội cho biết, để đảm bảo an toàn cho các đơn vị thi công trở lại, nhà thầu sẽ rà soát 100% chất lượng vật liệu. Cọc cừ nào rạn nứt, không đảm bảo sẽ loại bỏ. Dự kiến, sẽ sử dụng hai dây để neo móc cọc cừ thay vì một dây như trước. Đơn vị sẽ phân công người có trách nhiệm huấn luyện lại quy trình tháo lắp ma lý, treo cọc cừ cho công nhân. Người làm nhiệm vụ này sẽ được trang bị quần áo, mũ có màu khác biệt để đảm bảo không có ai di chuyển trong vùng nguy hiểm. Khi thi công, bắt buộc phải có người cảnh báo an toàn cho người tham gia giao thông.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn- Ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km với 9,6 km đi trên cao và 2,9 km đi ngầm. Toàn tuyến có 11 ga trên cao, 4 ga ngầm. Tổng mức đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD bằng nguồn vốn vay ODA. Trên địa bàn TP hiện có 2 dự án đường sắt đô thị đang thi công, dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư đã nhiều lần gặp sự cố, gây mất an toàn, làm 1 người chết.

“Có thể đề nghị thay thế nhà thầu mới”

Bất an với đại công trường dự án đường sắt đô thị ảnh 4

Ông Lê Huy Hoàng - Phó trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã nói đến khả năng này khi trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Việt Nam về xử lý sự cố rơi cọc thép gây nguy hiểm tính mạng và an toàn giao thông của người dân trên công trường Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội. 
- Xin ông cho biết nguyên nhân dẫn tới sự cố rơi cọc cừ larsen tại ga số 4, Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội hôm chủ nhật 10-5?

- Ông Lê Huy Hoàng – Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội: Do sự cố phần cọc larsen bị rách tại vị trí mắc buộc cáp, làm cho cọc rơi khỏi vị trí cầu. Đây là lỗi của nhà thầu do kiểm tra việc mắc buộc cáp với vật liệu chưa tốt.

- Vụ việc có nguyên nhân từ chất lượng thiết bị khi thi công hay không? Trách nhiệm này sẽ thuộc về ai?

- Tất cả các thiết bị đều được chúng tôi giám định và kiểm tra. Tuy nhiên, sự cố này không liên quan gì đến chất lượng thiết bị. Sự cố chỉ liên quan đến vật liệu là cọc larsen. Theo nhận định ban đầu của chúng tôi, phần móc cẩu bị rạn mà nhà thầu không chú ý, vẫn cho ép cọc xuống. Trách nhiệm này thuộc về nhà thầu Posco – đơn vị thi công.

- Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội có biện pháp gì để phòng ngừa sự cố tương tự có thể xảy ra trên công trường dự án thời gian tới?

- Chúng tôi đình chỉ công trường của 8 nhà ga, không riêng gì ga số 4 - nơi xảy ra sự cố, dừng thi công. Từ hôm nay 12-5, chúng tôi sẽ đánh giá lại toàn bộ vật liệu, thiết bị cả nhà thầu phụ và các đơn vị tham gia thi công 8 ga này để đưa ra biện pháp tiếp theo. Có thể, sẽ đề nghị thay thế nhà thầu mới.                                   

Băng Tâm (Ghi)