Trung Quốc:

Bắt 2.000 đối tượng vi phạm an toàn thực phẩm

ANTĐ - Trung Quốc đã bắt giữ khoảng 2.000 đối tượng và đóng cửa gần 5.000 cơ sở chế biến thực phẩm trên phạm vi toàn quốc trong một chiến dịch nhằm ngăn chặn những vi phạm về an toàn thực phẩm và sử dụng các chất phụ gia không được phép.

Trung Quốc sẽ tiếp tục mạnh tay với vi phạm an toàn thực phẩm

Chiến dịch được triển khai từ tháng 4 vừa qua sau một loạt sự cố thực phẩm nhiễm độc khiến người dân nước này hoang mang. Ủy ban An toàn thực phẩm Trung Quốc cho biết các cơ quan chức năng của nước này đã phối hợp kiểm tra gần 6 triệu cơ sở và nhà máy chế biến thực phẩm, sản xuất chất phụ gia, trong số đó, hơn 4.900 cơ sở đã bị buộc phải đóng cửa. Cảnh sát cũng đã điều tra 1.200 trường hợp tội phạm liên quan tới việc sử dụng các nguyên liệu bị cấm trong chế biến thực phẩm, đóng cửa nhiều cơ sở chế biến chui, triệt phá nhiều cơ sở, hệ thống kho bãi của các doanh nghiệp cung cấp lương thực, thực phẩm chui, các nhà kho và dây chuyền sản xuất không đảm bảo yêu cầu. Nhà chức trách nước này tuyên bố bất cứ ai bị phát hiện vi phạm sẽ bị nghiêm trị.

Trung Quốc đã cam kết sẽ mạnh tay với những vi phạm trong ngành công nghiệp thực phẩm kể từ sau vụ bê bối sữa được pha thêm hóa chất công nghiệp melamine để tăng hàm lượng protein khiến 6 trẻ em thiệt mạng và hơn 3.000 trẻ nhiễm bệnh hồi năm 2008. Năm 2009, nước này đã thông qua một đạo luật quy định về an toàn thực phẩm để trấn an người dân, tuy nhiên, liên tiếp sau đó, nhà chức trách phát hiện một loạt những vi phạm về an toàn thực phẩm như giá đỗ có chứa chất gây ung thư, nhân bánh bao chứa hóa chất bảo quản độc hại, gạo trộn kim loại…

Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh, thành ở Trung Quốc đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm do ăn phải thức ăn chứa các chất phụ gia bị cấm hoặc có chứa độc tố. Hồi tháng trước, tòa án tỉnh Hà Nam đã mở phiên tòa xét xử vụ thịt “bẩn” sau khi hàng trăm người bị bệnh do ăn thịt lợn nhiễm hóa chất. Đối tượng chính trong vụ này đã bị tuyên án tử hình, 4 đối tượng khác bị án tù từ 9 đến 15 năm.

Theo các chuyên gia, do cơ cấu của ngành công nghiệp thực phẩm của Trung Quốc quá kềnh càng nên vấn đề đảm bảo an toàn cho ngành này rất khó khăn, đặc biệt là khâu kiểm tra, giám sát. Hiện nước này có khoảng 200 triệu hộ chăn nuôi gia đình và 400.000 doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Trong khi đó, nỗ lực củng cố các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và thực phẩm của Trung Quốc đã bị chậm lại rất nhiều do liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề giải quyết việc làm cho hàng trăm triệu lao động nông thôn. Thêm vào đó, theo giáo sư Wu Ming (trường Đại học Y tế công cộng Bắc Kinh), việc không thực hiện liên tục các chiến dịch ngăn chặn vi phạm an toàn thực phẩm sẽ khiến cho tình trạng này liên tục tái diễn, các cơ sở vi phạm sẽ “án binh bất động” trong một thời gian rồi lại tiếp tục.

Sang Liwei, giám đốc một tổ chức an toàn thực phẩm phi lợi nhuận ở Bắc Kinh cho biết, tình trạng lạm phát cũng là một trong những nguyên nhân khiến gia tăng tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm. Giá cả ngày càng tăng đã khiến các cơ sở sản xuất luôn phải chịu sức ép chi phí đầu vào cao và họ phải tìm mọi cách để giảm chi phí. “Khi họ cho thêm hóa chất vào thực phẩm, họ muốn tìm cách để kiếm được nhiều lợi nhuận hơn” - ông Sang Liwei nói.