Bấp bênh giá xăng dầu: Người tiêu dùng luôn thiệt thòi

ANTĐ - Sau khi quyền định giá xăng dầu một lần nữa được trao vào tay doanh nghiệp, không ít người tiêu dùng vẫn nghi ngờ liệu quyền lợi của họ có được đảm bảo. Lo lắng này tới từ việc giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian qua và không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục tăng trong nay mai.

Giá xăng tăng nhiều lần trong thời gian ngắn không khỏi làm người tiêu dùng lo ngại


Quyền trong tay doanh nghiệp

Theo thông tin từ Bộ Tài chính thì trong 2 đợt tăng giá gần đây có một số phương án đề xuất của doanh nghiệp không dựa trên cơ sở tính giá bình quân 30 ngày mà tính cho thời gian ngắn hơn là 10 hoặc 20 ngày. Điều này đã làm dấy lên những lo ngại về việc doanh nghiệp “chăm chút” cho quyền lợi của mình mà quên mất quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong khi Thứ trưởng Bộ Tài chính - bà Vũ Thị Mai và ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đưa ra khẳng định dù đã trao quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp nhưng không thể thích tăng là tăng. Tuy nhiên, giá xăng trên thực tế vẫn liên tiếp được điều chỉnh tăng với biên độ rất ngắn. Ngay sau khi quyền quyết định điều chỉnh giá được đưa vào tay các doanh nghiệp xăng dầu thì người tiêu dùng đã được chứng kiến liên tục những đợt tăng giá.

Theo đánh giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương, mặt hàng xăng dầu sẽ dần tiến tới giá thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải làm quen với việc giá xăng điều chỉnh thường xuyên hơn. Nhưng đứng dưới góc độ của người tiêu dùng thì việc các doanh nghiệp có chấp hành đúng việc điều chỉnh hay không lại là một vấn đề cần được giải đáp rõ ràng. Quyền thì nằm trong tay của doanh nghiệp còn người tiêu dùng cũng chưa biết làm thế nào để bảo đảm quyền lợi của mình.  

Trong khi đó, Nhà nước - cơ quan điều tiết quyền lợi giữa các bên cũng có thêm nhiệm vụ đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, mà nguồn thu từ hoạt động kinh doanh xăng dầu chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Như vậy chỉ có người dân là không thể đảm bảo quyền lợi của chính mình.

Cần sự chia sẻ

Với những dự báo về khả năng tăng giá sau khi các doanh nghiệp gửi kiến nghị lên cơ quan quản lý, nhiều đại lý lại tiếp tục “chiêu thức” găm hàng chờ đợi. Không chỉ dừng lại cảnh bán nhỏ giọt, một số đại lý còn đóng cửa, treo biển “hết xăng”.

Trong khi đó, cùng nhận định về khả năng tăng giá xăng dầu, một nguồn tin từ Cục quản lý giá cho biết, nếu nhìn vào diễn biến xăng dầu thế giới tăng mạnh 128,6 USD/thùng (tăng 8,5% với lần tăng giá ngày 1-8) thì giá bán xăng nội địa bán lẻ có thể tăng tiếp. 

Ông Đinh Minh Tuấn - Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - chính sách cho rằng: “Rõ ràng muốn tiến tới giá thị trường người dân sẽ phải thường xuyên chứng kiến cảnh giá xăng thay đổi, nhưng là có tăng, có giảm. Các doanh nghiệp kiến nghị là một chuyện, cơ quan quản lý cũng tùy vào từng thời điểm để xử lý: hoặc giảm thuế, hoặc xả Quỹ bình ổn”.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học và Giá cả - Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Các loại thuế và phí chiếm đến 35% giá xăng và giá dầu là trên 30%. Trung bình mỗi năm tiêu  thụ 3 tỷ lít xăng. Như vậy, giá xăng gánh phí thì người tiêu dùng gánh giá. Hiện nay thuế suất nhập khẩu xăng dầu lên tới 12% nên có thể giảm để hạ nhiệt mức tăng giá”.

Các chuyên gia dự báo, xăng dầu tăng giá chỉ là thời điểm, nhưng hi vọng mức tăng không quá cao như doanh nghiệp kiến nghị. Phương án điều chỉnh giá cũng có thể được thực hiện theo hướng vừa xả Quỹ bình ổn vừa tăng giá. Còn phương án giảm thuế thì rất khó dự báo bởi theo báo cáo thu ngân sách tháng 7, số thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh khoảng 4.200 tỷ đồng so với tháng 6. Thêm vào đó, nhà máy lọc dầu Dung Quất lại đang ngừng hoạt động để sửa chữa. Nếu áp dụng biện pháp giảm thuế nhập khẩu thì ngân sách nhà nước sẽ phải gánh thêm một khoản không nhỏ. Và cơ quan quản lý chắc chắn sẽ không muốn nắm đằng ngọn.