Bấp bênh đời sống lao động khu vực phi chính thức

ANTD.VN - Người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức thường gặp rất nhiều rủi ro, công việc không ổn định, thu nhập thấp, không có bảo hiểm và không được tổ chức công đoàn bảo vệ…

Tại Việt Nam, lao động phi chính thức được xác định dựa trên việc làm không chính thức. Nghĩa là người lao động tự tạo công việc, không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hay hưởng lương cố định. Theo thống kê của Viện Khoa học, lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 18 triệu lao động phi chính thức, chiếm 57,2% tổng số lao động phi nông nghiệp, 3/4 tổng việc làm trong nền kinh tế.

Bấp bênh đời sống lao động khu vực phi chính thức ảnh 1Lao động phi chính thức thường có thu nhập thấp, ít tiếp cận với các cơ hội phát triển kỹ năng nghề

Ít lợi ích, nhiều thiệt thòi

Trong 21 nhóm ngành kinh tế, lao động phi chính thức tập trung chủ yếu ở 3 nhóm ngành chính: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng. Theo các chuyên gia xã hội học, phần lớn lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức đều phải chấp nhận điều kiện làm việc kém, không được hưởng quyền, nghĩa vụ lao động, khó tiếp cận được các dịch vụ, an sinh xã hội cũng như không có cơ hội để thăng tiến. 

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội, tiền lương bình quân/tháng của lao động phi chính thức thấp hơn lao động chính thức ở tất cả các vị thế việc làm. Cụ thể, tiền lương bình quân của lao động chính thức ở vào khoảng 6,7 triệu đồng/tháng, còn tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ có 4,4 triệu đồng/tháng. 

Lao động phi chính thức thường làm việc mà không có hợp đồng lao động bằng văn bản liên quan đến công việc đang làm, chỉ thỏa thuận bằng miệng với chủ sử dụng lao động. Do đó, người lao động dễ bị bóc lột sức lao động. Thậm chí, do môi trường làm việc không được tuân thủ theo một quy định chính quy nào nên người lao động phải làm việc không kể giờ giấc, ngày đêm, môi trường sản xuất độc hại, không được bảo hộ nên rất dễ ốm đau, bệnh tật. Như vậy, dù là tiếp cận dịch vụ, an sinh xã hội hay tham gia vào cộng đồng, lực lượng lao động phi chính thức đều thiệt thòi nhiều.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Những nghiên cứu về lao động phi chính thức ở Việt Nam đã chỉ ra, lực lượng lao động này có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần lấp đầy khoảng trống thiếu hụt việc làm và thu nhập. Tuy vậy, các chính sách an sinh xã hội vẫn chưa bao phủ lên số đông người lao động làm việc tại khu vực kinh tế phi chính thức. Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Đào Quang Vinh chia sẻ, mặc dù chiếm số lượng khá đông đảo nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội của nhóm lao động này còn rất hạn chế. Lao động phi chính thức dường như bị lãng quên trong chính sách về việc làm, bảo hiểm.

Lực lượng lao động phi chính thức có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần lấp đầy khoảng trống thiếu hụt việc làm và thu nhập. Tuy vậy, các chính sách an sinh xã hội vẫn chưa bao phủ lên số đông người lao động làm việc tại khu vực kinh tế phi chính thức. 

Trước tình trạng lao động phi chính thức dù có việc làm nhưng lại đứng ở ranh giới của sự bấp bênh giữa có việc làm và thất nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể nhằm mở rộng sự bảo vệ đến nhóm đối tượng này. Cụ thể, khi chuyển đổi khu vực phi chính thức thành khu vực chính thức cần có các chương trình hành động cụ thể, khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký thành lập dưới các hình thức doanh nghiệp.

Không thể phủ nhận điểm yếu nhất của lao động phi chính thức, từ trước đến nay, luôn là chất lượng lao động. Những người làm việc trong các hộ cá thể hầu hết là do tự đào tạo, vừa làm vừa học hơn là qua đào tạo nghề ở các trường lớp chính quy. Với chất lượng như vậy, lao động phi chính thức gặp khó khăn để tạo ra việc làm bền vững, ổn định hay chuyển dịch vào khu vực chính thức là điều dễ hiểu. 

Theo ông Đào Quang Vinh, muốn thúc đẩy chuyển dịch lao động phi chính thức, cần tăng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại doanh nghiệp, nhằm tái cơ cấu ngành kinh tế. Trọng tâm là đào tạo nghề để nâng cao chất lượng lao động cho lao động nông thôn, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Bên cạnh đó, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để rút bớt lao động phi chính thức trong lĩnh vực nông nghiệp.