Cử tri góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng

ANTĐ - Trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, bên cạnh việc thể chế hóa tư duy đổi mới của Đảng về quốc phòng-an ninh, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã làm rõ hơn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Dự thảo tiếp tục khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng đã hiến định hóa nguyên tắc lực lượng vũ trang đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân nói riêng và sự nghiệp quốc phòng-an ninh nói chung.

Điều 48 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được xây dựng trên cơ sở Điều 77 của Hiến pháp năm 1992 “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân”, ngoài ra đã bổ sung thêm “việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định”. Đây là vấn đề mới được ban soạn thảo bổ sung xuất phát từ thực tiễn và kinh nghiệm của các nước trong việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự và là cơ sở pháp lý cho việc phục vụ dân sự thay thế thực hiện nghĩa vụ quân sự để bảo đảm công bằng xã hội. Ở một số quốc gia khác cũng có những quy định về công dân thực hiện phục vụ dân sự thay thế nghĩa vụ quân sự. Những người này được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách phù hợp với tính chất, công việc mà mình đảm nhiệm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Điều 69 của dự thảo bổ sung Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 44 của Hiến pháp năm 1992) khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do luật định”.