Bảo vệ thương hiệu Việt: “Mất bò”… vẫn chưa lo “làm chuồng”

ANTĐ - Những năm gần đây, giá trị xuất khẩu của Việt Nam không ngừng gia tăng, đặc biệt là ở một số mặt hàng chủ lực: cà phê, gạo, dệt may, thực phẩm… Tuy nhiên, hầu hết hàng Việt Nam lại chưa được thị trường thế giới biết đến. Trong khi đó, số ít mặt hàng có thương hiệu, uy tín lại bị đánh cắp…


Mất thương hiệu như chơi!

Thời gian qua, hàng loạt thương hiệu của Việt Nam xuất hiện tại thị trường nước ngoài đã bị “đánh cắp”. Đầu tiên phải kể đến thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Sau khi vượt qua rất nhiều khó khăn để bước đầu chen chân được vào thị trường Mỹ thì ngay lập tức thương hiệu này đã bị một thương hiệu cà phê Trung Nguyên (cũng với màu sắc và logo tương tự) của một công ty ở California đăng ký bảo hộ tại văn phòng sáng chế và bảo hộ Mỹ (USPTO).

Không lâu sau đó, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam cũng có nguy cơ mất thương hiệu tại thị trường Mỹ khi thương hiệu Petro Việt Nam được một công ty tại Mỹ đăng ký bảo hộ tại USPTO. Ngay tại thị trường Trung Quốc, Công ty Sản xuất giầy dép Bình Tiên đã rất vất vả mới đòi lại được thương hiệu Biti’s từ một công ty ở Côn Minh… Tiếp sau đó là nhãn hiệu Kẹo dừa Bến Tre, Vinataba, Duylợi, Sabeco…Gần đây nhất, hai nhãn hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” và “Buôn Ma Thuột cà phê 1896” đã bị Công ty TNHH Cà phê Quảng Châu - Buôn Ma Thuột đăng ký bảo hộ trong 10 năm. Điều này đồng nghĩa với việc trong 10 năm tới, các DN cà phê mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột của Việt Nam khó xuất khẩu vào Trung Quốc.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc tế cho sản phẩm của mình trước khi tung ra thị trường quốc tế. Nhiều DN chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài hoặc nghĩ rằng mình chưa đủ lực để phát triển thị trường xuất khẩu. Các DN này vì lo lắng chạy theo các chỉ tiêu doanh số, lợi nhuận nên không quan tâm đến yếu tố quan trọng nhất, đó là bảo vệ thương hiệu. Chỉ khi có tranh chấp xảy ra, họ mới sực tỉnh thì “sự đã rồi”.

Thực tế cho thấy càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thương hiệu hàng hóa Việt Nam càng tỏ ra lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa và phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian hoặc gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Các thương hiệu Việt cũng liên tục bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rồi tự do khai thác thương hiệu “chiếm dụng” được trên thị trường thế giới, đẩy hàng hóa Việt Nam rơi vào tình trạng “vừa chập chững bước ra biển đã phải nhanh chóng lùi về sân nhà”.

Xây dựng thương hiệu đã khó song việc đòi lại các thương hiệu đã mất còn khó khăn hơn nhiều. Mất thương hiệu đồng nghĩa với việc mất thị trường. Khi mất quyền sở hữu nhãn hiệu, doanh nghiệp không chỉ mất thị trường, hàng thật biến thành hàng giả vì nhãn hiệu của mình đã được bảo hộ bởi một đơn vị khác... mà còn ảnh hưởng lâu dài tới uy tín.

Nhiều rủi ro nếu không đăng ký bảo hộ tại nước ngoài

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Luật S&B, một nhãn hiệu đã đăng ký tại Việt Nam thì chỉ được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam. Để được bảo hộ ở một nước khác, nhãn hiệu phải được đăng ký hoặc sử dụng ở nước đó (tùy thuộc vào luật pháp của nước đó quy định quyền đối với nhãn hiệu phát sinh thông qua đăng ký hay sử dụng nhãn hiệu). Khi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ra nước ngoài, nếu như DN muốn đăng ký vào một lãnh thổ nhất định, DN đó có thể đăng ký trực tiếp vào lãnh thổ đó mà không cần qua một tổ chức quốc tế.  Trường hợp DN muốn đăng ký ra một loạt các nước ở một châu lục nào đó thì DN nên đăng ký thông qua các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 Đăng ký Nhãn hiệu hàng hóa và Nhãn hiệu dịch vụ là một thủ tục nhằm xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của mình. Vì nhãn hiệu hàng hóa được coi là một thứ tài sản của DN (tài sản trí tuệ), nếu không làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu sẽ bị bắt chước dẫn đến các rủi ro không dễ dàng vượt qua, các DN có thể phải đối mặt với rủi ro bị một bên thứ 3 đăng ký chiếm chỗ. Việc đăng ký chiếm chỗ này có thể nhằm mục đích kiếm lợi từ việc yêu cầu chủ sở hữu nhãn hiệu phải mua lại nhãn hiệu của mình với giá cao; ngăn cản việc nhập khẩu hàng hóa hoặc việc kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam; sử dụng uy tín có được từ nhãn hiệu đối với bộ phận người tiêu dùng biết đến danh tiếng của nhãn hiệu đó; bôi xấu nhãn hiệu nhằm làm tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp thực tế sử dụng nhãn hiệu đó. Mặc dù vậy, hiện nhiều DN Việt Nam chưa nhận thức rõ những rủi ro của việc không đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ra nước ngoài.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới, việc đăng ký các nhãn hiệu hàng hóa quyết định đến sự thành bại của mỗi doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Để thương hiệu Việt ngày càng khẳng định vị trí thương hiệu của mình trên trường quốc tế và để tránh việc bị “đánh cắp”, các DN nên có chiến lược và chuẩn bị kỹ càng trước khi “đem chuông đi đánh xứ người”, khi đó thương hiệu Việt mới đứng vững và phát triển được.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, nhãn hiệu được xác lập quyền trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ hoặc công nhận đăng ký quốc tế của Cục Sở hữu trí tuệ (trừ trường hợp là nhãn hiệu nổi tiếng). Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam muốn được hưởng quyền đối với nhãn hiệu phải trực tiếp làm đơn xin cấp văn bằng bảo hộ nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc ủy quyền cho một Tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ đã được cấp chứng chỉ hành nghề  thực hiện các công việc liên quan. Quyền đối với nhãn hiệu được ghi nhận theo phạm vi lãnh thổ quốc gia, nhãn hiệu đã đăng ký tại Việt Nam hoặc ở một quốc gia bất kỳ chỉ được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam hoặc quốc gia đó. Để được bảo hộ ở một nước ngoài, nhãn hiệu phải được đăng ký hoặc sử dụng ở nước ngoài đó. Tuy nhiên, tùy thuộc vào luật pháp của nước đó quy định quyền đối với nhãn hiệu phát sinh thông qua đăng ký hay sử dụng nhãn hiệu.