Bảo vệ “nồi cơm” bản quyền

ANTĐ - Vi phạm sở hữu trí tuệ, làm hàng giả, hàng nhái, ăn cắp bản quyền… không chỉ gây thiệt thòi lớn cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đáng kể tới tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm.

Một người bán hàng nhái ngay trước hãng thời trang danh tiếng Louis Vuitton

Liên minh châu Âu (EU) ngày 1-7 đã thông qua kế hoạch hành động gồm hàng loạt các biện pháp nhằm thực thi và bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ (IPR). Kế hoạch này đề ra một loạt biện pháp, tập trung chủ yếu vào chính sách thực thi Quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới những hành vi vi phạm quy mô thương mại, bao gồm cả việc tham gia đối thoại với các bên liên quan, thẩm định tư cách pháp lý của các đối tác tham gia sản xuất và đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong liên minh.

Kế hoạch hành động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên cũng đề ra những cách thức nhằm cải thiện các công cụ hiện nay của Ủy ban châu Âu (EC, cơ quan hành pháp của EU) về thúc đẩy các tiêu chuẩn sở hữu trí tuệ ở các nước thứ 3. Trong đó có những nỗ lực đa phương, hợp tác với các nước đối tác, tuyên truyền và nâng cao nhận thức về các chương trình hỗ trợ kỹ thuật liên quan tới sở hữu trí tuệ phù hợp cho nước thứ 3.

Cũng như các nước và khu vực công nghiệp phát triển khác trên thế giới, EU là nạn nhân nhiều nhất của việc vi phạm sở hữu trí tuệ mà phổ biến nhất là hàng giả, hàng nhái và ăn cắp bản quyền. Số liệu thống kê trong 1 năm, tính tới tháng 8-2013, cho thấy có hơn 90.000 trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được các cơ quan hải quan phát hiện, trong đó một tỷ lệ lớn hàng hóa vi phạm được gửi qua đường bưu điện. 

Trong số các mặt hàng bị làm giả, thuốc lá tiếp tục dẫn đầu danh sách với tỷ lệ 31%, tiếp theo là các mặt hàng gia dụng như đèn, keo dán, pin, bột giặt… và các vật liệu đóng gói. Các sản phẩm sử dụng hàng ngày như mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ chơi, đồ điện chiếm 12,7% trong tổng số hàng hóa bị thu giữ. Đáng chú ý là lượng hàng giả lớn nhất vào EU có xuất xứ từ Trung Quốc. 

Việc vi phạm sở hữu trí tuệ, ngoài gây thiệt hại cho người tiêu dùng còn tác động trực tiếp tới tăng trưởng và việc làm của người dân EU, nhất là trong bối cảnh đang vật lộn với cuộc suy giảm vì khủng hoảng nợ công. Một nghiên cứu về sở hữu trí tuệ do Cơ quan Cấp bằng sáng chế châu Âu (EPO) và Cơ quan Hài hòa thị trường nội địa (OHIM) thuộc EU tiến hành cho thấy, 35% số việc làm trong liên minh liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ. 

Theo nghiên cứu, hoạt động kinh tế tổng thể trong EU đạt khoảng 4.700 tỷ euro mỗi năm, trong đó khu vực sở hữu trí tuệ chiếm 39% (gồm 26% việc làm trực tiếp và 9% việc làm gián tiếp). Đại diện EU về thị trường nội địa và dịch vụ đánh giá việc làm ông Michel Barnier, cho rằng kết quả nghiên cứu này khẳng định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng với tăng trưởng và việc làm. Hiện rất nhiều ngành sản xuất tại EU có liên quan đến sở hữu trí tuệ như ngành công nghiệp mũi nhọn, sản xuất các mặt hàng thể thao, đồ chơi, trò chơi điện tử… 

Vì thế, theo kế hoạch hành động được triển khai thực hiện năm 2014 và 2015 của EU, EC chịu trách nhiệm giám sát triển khai các biện pháp nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong việc chống hàng giả, hàng nhái và ăn cắp bản quyền để bảo vệ hữu hiệu nhất quyền sở hữu trí tuệ tại liên minh.