Bảo vệ nhân chứng để chống tội phạm

ANTĐ - ASEAN sẽ cùng hợp tác nhằm tăng cường năng lực của mạng lưới bảo vệ nhân chứng cũng như nạn nhân để chống lại các loại tội phạm có tổ chức và xuyên quốc gia trong khu vực.

Bảo vệ nhân chứng để chống tội phạm ảnh 1Tăng cường bảo vệ nhân chứng sẽ giúp đối phó hiệu quả hơn với các loại tội phạm có tổ chức như tội buôn bán người

Cơ quan Bảo vệ nhân chứng và nạn nhân Indonesia (LPSK) phối hợp với Bộ Ngoại giao Indonesia cùng các nước thành viên ASEAN và tổ chức quốc tế đã tổ chức Hội nghị với các đối tác là các nước thành viên ASEAN ngày 24-8 tại Yogyakarta (Indonesia) nhằm tăng cường năng lực của mạng lưới các cơ quan này trong khu vực ASEAN. Đại diện của Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan cùng Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNDCP), Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã tham dự hội nghị quốc tế nhằm chống lại tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực. 

Hội nghị đã thảo luận và nhất trí hợp tác nhằm xây dựng các điều khoản tham chiếu của mạng lưới cơ quan bảo vệ nhân chứng và nạn nhân, đồng thời tăng cường kết nối mạng này trong các nước ASEAN để qua đó tăng cường hợp tác trong việc đối phó với các loại tội phạm xuyên quốc gia. Đồng thời, đại biểu tham dự cũng thảo luận các biện pháp xử lý tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm buôn người, thiết lập các tiêu chuẩn pháp lý để bảo vệ các nhân chứng và nạn nhân giữa các nước ASEAN, tham chiếu đến các tiêu chuẩn quốc tế.

Chủ tịch LPSK Abdul Haris Semendawai cho rằng, hội nghị với sự tham gia của đại diện các nước trong khu vực và tổ chức quốc tế lớn lần này là nhằm triển khai kết quả cuộc họp liên vùng thứ hai của cơ quan khu vực ASEAN vào năm 2014. Theo ông Semendawai, việc tăng cường mạng lưới giữa các quốc gia thành viên ASEAN là rất quan trọng bởi tính phức tạp và ngày càng tinh vi của các loại tội phạm xuyên quốc gia.

Dù không quá nóng như một số khu vực khác trên thế giới song tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia hiện vẫn là một thách thức an ninh không nhỏ với các nước ASEAN, đặc biệt là tội phạm buôn ma túy và tội phạm buôn người. Trong khi bọn tội phạm ma túy đã hình thành nhiều đường dây để vận chuyển hàng tỷ USD ma túy từ khu “tam giác vàng” giữa Myanmar, Thái Lan và Lào ra các nước láng giềng thì các băng nhóm tội phạm buôn người cũng thu cả tỷ USD từ việc buôn bán khoảng hơn 10.000 người mỗi năm mà chủ yếu trong đó là phụ nữ và trẻ em.

Nhằm hạn chế và triệt phá các tổ chức tội phạm có tổ chức và xuyên quốc gia trong khu vực, ASEAN ngay từ năm 1976 đã tuyên chiến với các loại tội phạm nguy hiểm này và đã thông qua Tuyên bố ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia vào năm 1997 rồi ký Tuyên bố Manila về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia năm 1998. Mới đây nhất, Hội nghị khẩn cấp cấp Bộ trưởng ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (EAMMTC) đã được tổ chức tại Malaysia tháng 7 vừa qua để thảo luận, đề ra các biện pháp nhằm chặn làn sóng di cư bất thường do các băng nhóm tội phạm mua bán người và đưa người nhập cư bất hợp pháp gây ra.

Tuy các nước ASEAN đã hợp tác, hành động quyết liệt nhằm chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia trong khu vực song hiệu quả chưa được như mong muốn. Vì thế, việc tăng cường bảo vệ nhân chứng và nạn nhân được xem là giải pháp quan trọng giúp vạch mặt để triệt phá những băng nhóm tội phạm được tổ chức tinh vi ở các nước thành viên ASEAN.