Bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp là đòi hỏi cấp thiết

ANTD.VN - Mặc dù giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng con số các nhà báo trên thế giới bị sát hại trong nửa đầu năm 2019 vẫn “rất đáng lo ngại” và nghề báo vẫn nằm trong nhóm nghề nguy hiểm nhất thế giới.

Bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp là đòi hỏi cấp thiết ảnh 1Phóng viên ảnh Gleb Garanich của hãng Reuters bị thương khi đang phản ánh một cuộc biểu tình tại Ukraine

Đó là thông tin mới được tổ chức phi chính phủ Press Emblem Campaign (PEC), có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), công bố. Theo PEC, tình trạng nhà báo bị giết hại vẫn rất đáng lo ngại, đặc biệt là ở hai quốc gia Mexico và Afghanistan. Ở Mexico, 9 nhà báo đã bị sát hại trong 6 tháng đầu năm nay, con số này ở Afghanistan là 6 người. 

Từ lâu, nghề báo bị liệt vào danh sách những nghề nguy hiểm nhất thế giới. Để cung cấp cho bạn đọc những thông tin xác thực nhất, những bức ảnh chân thực nhất, các nhà báo phải xông pha vào những nơi nguy hiểm như vùng có xung đột vũ trang, chiến tranh. Vì thế, đằng sau nhiều bài báo, bức ảnh là mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu của các nhà báo.

Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, chỉ riêng ở Syria trong vòng 6 năm từ năm 2011 tới 2017, đã có 122 nhà báo, phóng viên chiến trường thiệt mạng khi đưa tin chiến sự ở nước này. Điển hình như vụ nhà báo Mỹ James Foley bị phiến quân của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết hồi năm 2014 bằng cách chặt đầu, vụ phóng viên kênh truyền hình RT (Nga) tử nạn trong một cuộc phục kích của các tay súng IS ngày 30-7-2017.

Tuy nhiên, ngay cả ở những nơi không có chiến tranh, thì tính mạng của nhà báo cũng không được bảo đảm. Vì đặc thù công việc luôn đấu tranh vì sự thật, bảo vệ sự công bằng, đạo lý tốt đẹp, nên nhiều lúc các nhà báo gặp không ít tình huống cam go. Họ phải đối mặt với những cản trở trong quá trình tác nghiệp như: Không cung cấp thông tin, mua chuộc, thu giữ phương tiện tác nghiệp, cố tình làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp, giữ người, quấy rối tình dục, vu khống, tấn công, gây thương tích, trả thù…

Đặc biệt là trong các vụ việc “gai góc” liên quan đến lý do chính trị, tham nhũng, nhân quyền hay tội phạm, không ít trường hợp các nhà báo bị trả thù, thậm chí bị thủ tiêu trong lúc tìm cách đưa tội ác ra ánh sáng. Theo thống kê của Hội Nhà báo Nga, có nhiều nhà báo của nước này bị giết theo “đơn đặt hàng”. Chẳng hạn như vụ ám sát nhà báo Nga nổi tiếng Vlad Listev ngày 1-3-1995. Mặc dù đích thân Tổng thống Vladimir Putin chỉ đạo điều tra, song đến nay thủ phạm vẫn ngoài vòng pháp luật.

Năm ngoái, thế giới chấn động khi nhà báo Khashoggi biến mất sau khi vào lãnh sự quán Arab Saudi ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để làm thủ tục kết hôn. Vì các bài báo phê phán chính quyền Arab Saudi, ông đã bị các mật vụ nước này bắt giữ, tra tấn, thủ tiêu  rồi phi tang qua đường cống dưới dạng chất lỏng. 

Mặc dù phải đối mặt với các mối đe dọa nguy hiểm như vậy, nhưng để đưa sự thật ra ánh sáng công luận, hầu hết các nhà báo đều chọn giải pháp không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác. Nhờ đó mà thế giới biết tới vụ thảm sát người dân thường vô tội ở Mỹ Lai trong Chiến tranh Việt Nam, sự tàn bạo của các băng nhóm tội phạm ở Mexico, mối liên kết giữa chính trị với mafia ở Italy…

Để ghi nhận công sức của các nhà báo, các quốc gia trên thế giới đều có những ngày kỷ niệm cũng như trao tặng các giải thưởng báo chí để vinh danh các nhà báo, trong đó có những giải danh giá như giải thưởng Pulitzer, giải thưởng Guillermo Cano… Tuy nhiên, chỉ tôn vinh thôi chưa đủ. Bảo vệ các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, nhất là tại các nơi xung đột, là đòi hỏi cấp thiết. 

Nguyên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon từng nhấn mạnh việc cần đưa vấn đề an toàn và an ninh của các nhà báo như là một đề mục trong báo cáo về bảo vệ dân thường trong tình huống xung đột. Còn Tổng thư ký PEC Blaise Lempen thì hối thúc cộng đồng quốc tế tạo ra một cơ chế độc lập chống lại  nạn sát hại nhà báo.