Bảo vệ mắt tránh tia cực tím

ANTĐ - Rất ít người đeo kính khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì họ cho rằng đeo kính chỉ để làm đẹp hơn là tác dụng bảo vệ mắt. Các nghiên cứu đã chỉ ra, mắt khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng dễ bị tổn thương như da. 

Mắt dễ bị tổn thương hơn da

Tia cực tím (UV) gây bỏng da và cũng có thể làm hỏng mắt. Theo các chuyên gia, đôi mắt dễ bị tổn thương hơn da gấp 10 lần. Bởi bề mặt mắt nhạy cảm với tia UV hơn da, làm cho chúng dễ bị tổn thương do ánh nắng. Tiếp xúc với tia UV trong thời gian ngắn có thể gây viêm giác mạc và kết mạc, khiến mờ mắt tạm thời. Nếu tiếp xúc trong thời gian dài có thể khiến giác mạc bị cháy nắng và nghiêm trọng hơn gây đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, thậm chí là ung thư mắt.

Mặt trời mọc và lặn gây nguy hiểm nhất 

Tia UV có 2 loại chính: tia UVA có bước sóng dài có thể thâm nhập các lớp mô sâu hơn và tia UVB có bước sóng ngắn và hấp thụ gần bề mặt. Tia UVA có thể xuyên qua giác mạc và làm hỏng mắt, đục thủy tinh thể. Tia UVB gây cháy nắng và ung thư da, chủ yếu được hấp thụ bởi giác mạc. Mắt có cơ chế bảo vệ tự nhiên, ví dụ, theo bản năng chúng ta thường nheo mắt khi gặp ánh sáng. Trước đây, chúng ta thường cho rằng cần tránh ánh nắng mặt trời khi đỉnh điểm, khoảng giữa trưa nhưng thực tế các chuyên gia y tế chỉ ra, ánh sáng mặt trời lúc bình minh và hoàng hôn gây tổn hại mắt nhiều nhất. 

Trẻ em dễ bị tổn thương

Một báo cáo mới đây của Mỹ cho thấy, cha mẹ thường rất ít cho trẻ đeo kính râm để bảo vệ mắt. Thói quen này tích lũy theo thời gian và đến khi trẻ 18 tuổi thì đã tiếp xúc với 80% các tia cực tím, bởi trẻ em dành nhiều thời gian hoạt động ngoài trời và mắt trẻ em dễ bị tổn thương hơn trước các tác động của tia nắng mặt trời. Đây là lý do cha mẹ cần cho trẻ em đeo kính râm bởi những tác động của tia cực tím có tính tích lũy, tiếp xúc khi còn trẻ có thể dẫn đến vấn đề về mắt sau này. 

Khi nào cần dùng kính râm?

Qua thử nghiệm trên chuột cho thấy, những con chuột tiếp xúc với tia UV hàng ngày trong một tuần đã bị hỏng giác mạc và giảm thị lực nhưng những con chuột được đeo kính bảo vệ UV400 có tầm nhìn tốt hơn, giác mạc khỏe mạnh và các tế bào chết ít hơn. Nhiều người cho rằng chỉ nên đeo kính râm khi trời nắng, nhưng thực tế ngay cả những ngày u ám và nhiều mây thì tia cực tím vẫn có thể gây nguy hiểm cho mắt. Mây được cho là chỉ làm giảm lượng tia cực tím khoảng 10%. Ngoài ra, bạn cần lưu ý, không phải tất cả các cửa sổ xe ô tô đều có bộ lọc tia cực tím, do đó, ngay cả khi bạn ngồi trong xe ô tô vẫn cần đeo kính râm. Một nghiên cứu gần đây của Mỹ cho thấy cửa sổ của ô tô chỉ chặn được 71% các tia cực tím, so với 96% ở kính chắn gió.

Loại kính nào có thể ngăn chặn tia cực tím?

Kính râm chỉ số UV400 có thể bảo vệ chống lại cả 2 tia UVA và UVB. Ánh sáng được đo bằng nanometeres (nm) và tia UV trong khoảng 320 đến 400nm. Kính râm UV400 cho phép hấp thụ không quá 5% các tia dưới 400nm. Theo tiêu chuẩn của châu Âu, kính râm phải chặn lên đến 380nm ánh sáng tia cực tím. Giống như kem chống nắng sẽ kém hiệu quả khi để lâu, kính râm cũng chỉ được sử dụng trong một thời gian nhất định. Các loại kính bằng nhựa dễ bị trầy xước, vì vậy sẽ giảm khả năng bảo vệ mắt trước ánh nắng mặt trời.