Bảo vệ lá phổi ở cư dân đô thị

(ANTĐ) -Tạp chí khoa học hàng đầu “The Lancet” của Anh số tháng 3 cho biết, ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến người có bệnh về đường hô hấp mà còn có liên quan đến đột quỵ, đau tim và ung thư. Vậy cư dân sống ở môi trường đô thị làm thế nào để có thể giảm thiểu thiệt hại này?

Bảo vệ lá phổi ở cư dân đô thị

(ANTĐ) -Tạp chí khoa học hàng đầu “The Lancet” của Anh số tháng 3 cho biết, ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến người có bệnh về đường hô hấp mà còn có liên quan đến đột quỵ, đau tim và ung thư. Vậy cư dân sống ở môi trường đô thị làm thế nào để có thể giảm thiểu thiệt hại này?

Tránh đường đông

Một nghiên cứu cho thấy, những người mất 48 phút đi trên đường Marylebone ở trung tâm London sẽ hít thở không khí ô nhiễm tương đương với một điếu thuốc lá. Vì thế, để giảm thiểu quá trình tiếp xúc, hãy tránh các tuyến đường chính có lượng phương tiện xe đông và ùn tắc giao thông nhiều hơn. Tại đó, tình trạng xe dừng lại sẽ phát ra lượng khói dày đặc hơn, nhất là xe buýt chạy bằng động cơ diezel phát ra các hạt siêu mịn xông tới phổi dễ dàng nhất. Nên chọn những đoạn đường có tán cây xanh, vỉa hè rộng, đồng thời tránh các đường hầm và các khu công trình đang xây dựng.

Chớ đứng lề đường

Năm 2005, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Hoàng gia Anh đã chỉ ra: Đi bộ trên vỉa hè khiến con người ta hít phải lượng khói bụi ô nhiễm hơn 10% so với trong nhà. Vì thế, nếu đang chờ đợi đèn thay đổi khi băng qua đường, hãy đứng lùi lại, đừng ra sát mép lề đường vì theo các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Queensland, Australia, xe ô tô khởi động từ khi vừa kết thúc đèn đỏ, chuyển sang đèn xanh thải ra lượng bụi gây ô nhiễm nhiều hơn đáng kể so với quá trình vận hành không bị ngắt quãng. Lưu ý khác, trẻ em thở nhanh hơn và tỷ lệ trao đổi chất cũng nhanh hơn người lớn nên chúng cũng dễ tổn thương đối với ô nhiễm không khí hơn, bởi vậy khi đi bộ nên cho trẻ đi sát vỉa hè và tránh xa các xe khi chờ đèn đỏ.

Không nên ngồi gần máy photocopy

Trung bình 90% thời gian của chúng ta là ở trong nhà chứ không phải ra ngoài trời, nhưng các nghiên cứu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã phát hiện mức độ ô nhiễm trong nhà có thể gấp 2-5 lần so với bên ngoài. Các sản phẩm làm sạch, làm mát không khí và các vật dụng như thảm tổng hợp, màn hình TV và đồ dùng bằng gỗ MDF có thể phát ra các hóa chất gọi là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), trong đó có liên quan đến các bệnh về ung thư.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Curtin tại Perth, Australia cho biết nhà có nồng độ VOC cao làm gia tăng nguy cơ hen suyễn ở trẻ dưới 3 tuổi. Do đó, để giữ sạch không khí trong phòng, nên ngắt thiết bị làm mát không khí và mở cửa sổ cho thoáng. Lời khuyên của các chuyên gia là tăng cường trồng cây trong nhà và tránh đứng cạnh lúc máy photocopy đang làm việc vì mực in của loại máy này phát ra VOC ở nồng độ cao.

Đi bộ trong mưa

Giáo sư Jon Ayres, Chủ tịch Uỷ ban về các hiệu ứng y tế của không khí ô nhiễm (COMEAP), trong đó tư vấn cho Chính phủ Anh về ô nhiễm không khí giải thích: “Khi có gió, mức độ ô nhiễm không khí thấp vì các hạt được thổi xung quanh. Nhưng vào những ngày nóng, không khí nóng hấp lại giống như cái nắp nồi bẫy tất cả các khí thải phía dưới. Vấn đề là vào ngày nóng nực, mọi người thích đi tập thể dục ngoài trời. Có lẽ vậy mà ngày hè có nhiều người nhập viện vì bệnh đường hô hấp hay tim mạch. Nếu tập thể dục ngày nóng ấm, nên đi hoặc chạy bộ buổi sáng bởi mức độ ô nhiễm sẽ tối đa hóa vào buổi chiều. Một ngày mưa là điều kiện tốt nhất để đi dạo vì mưa giúp làm sạch không khí”.

Yến Chi

(Theo Dailymail)