Bảo vệ “lá chắn hành tinh”

ANTĐ - Chính phủ Cuba vừa lên kế hoạch loại trừ hoàn toàn việc sử dụng chất hydrochlorofluorocarbon (HCFC) vào năm 2030 trong nỗ lực ngăn chặn sự suy giảm của tầng ozone, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu Trái đất.

Băng tan do tầng ozone bị phá hủy đang đe dọa cuộc sống của loài gấu Bắc Cực

Phát biểu trước báo giới ngày 12-8, Giám đốc Cơ quan Kỹ thuật tầng ozone của Cuba N. Espinosa nhấn mạnh, để đạt mục tiêu trên, nước này đã hoàn thành và đưa vào thực hiện một chương trình loại bỏ từng bước việc nhập khẩu và sử dụng các chất HCFC, loại khí cực mạnh gây hiệu ứng nhà kính và là yếu tố chính làm suy giảm tầng bảo vệ khí quyển. Trước mắt, dự kiến việc sử dụng các chất HCFC sẽ giảm khoảng 10% từ 1-1-2015. Đây là một thách thức rất lớn vì các chất HCFC được sử dụng phổ biến trong máy điều hòa nhiệt độ, các hệ thống cấp đông kho lạnh, máy làm đá, do đó cần phải có công nghệ mới để sản xuất ra loại khí thay thế.

Tầng ozone được coi như “lá chắn hành tinh” hấp thụ các tia cực tím nguy hại nhất (UV-B) có trong ánh sáng mặt trời, ngăn không cho chúng đi tới bề mặt trái đất. Nếu không có tầng ozone sự sống không thể tồn tại và phát triển trên trái đất. Nếu tầng ozone bị suy giảm và có các lỗ hổng, lượng tia UV-B đi tới bề mặt trái đất ngày càng tăng, gây tác hại nghiêm trọng đối với sức khoẻ con người và hệ sinh thái, như tỷ lệ ung thư da tăng lên, hệ miễn dịch trong cơ thể con người và động vật bị suy giảm và năng suất cây trồng cũng giảm. Các nhà khoa học tính rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn, lượng chất phá hủy tầng ozone trong khí quyển Trái đất có thể tăng gấp 10 lần vào năm 2050, gây thêm 20 triệu ca bệnh ung thư da và 130 triệu ca bệnh đục thủy tinh thể.

Tình trạng suy giảm tầng ozone còn làm cho trái đất nóng dần lên, gây biến đổi khí hậu. Mới đây, một phát hiện gây bất ngờ đối với giới khoa học khi người ta biết rằng lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực là nguyên nhân làm biến đổi khí hậu của một nửa Trái Đất, kể cả khu vực xích đạo, đặc biệt là làm tăng lượng mưa ở Nam Bán cầu. Lỗ thủng tầng này đã làm Nam Cực lạnh đi nghiêm trọng khiến gió Nam đổi chiều thổi từ Tây sang Đông khắp Nam Cực, đẩy vành đai khô hạn ở vùng cận nhiệt đới tiến sâu xuống phía Nam.

Vai trò của tầng ozone với cuộc sống con người quan trọng như vậy nên ngay từ năm 1987, cộng đồng thế giới đã nỗ lực cho ra đời Nghị định thư Montreal nhằm ngăn chặn các chất phá hủy tầng ozone. Từ đó đến nay, gần 100 chất đã được loại bỏ dần, trong đó có chất HCFC phá hủy tầng ozone. Số lượng chất HFC (hydrofluorocarbons) được sử dụng để thay thế HCFC ngày càng tăng. Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, sau nhiều thập kỷ bị các chất hóa học tấn công, tầng ozone của Trái Đất có lẽ phải cần tới 50 năm mới có thể khôi phục được.

 Chính vì thế, bảo vệ “lá chắn hành tinh” là vấn đề thời sự toàn cầu. Là một quốc gia tham gia ký Nghị định thư Montreal, Cuba đã tuân thủ chặt chẽ những cam kết giảm thiểu và tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng các chất gây ảnh hưởng tới tầng ozone. Trong thời gian 15 năm trở lại đây, Cuba đã nỗ lực loại bỏ việc nhập khẩu và sử dụng các chất phá hoại tầng ozone để bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân. Trong khi nhiều nước tiềm lực kinh tế mạnh hơn vẫn không thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định thư Montreal vì lo ngại thiệt hại về kinh tế, kế hoạch loại bỏ hoàn toàn chất HCFC vào năm 2030 của Cuba cho thấy trách nhiệm và tấm gương của đất nước này trước tương lai tồn tại của nhân loại.