Bảo vệ khu công nghiệp trước dịch bệnh Covid-19 để không “đứt gãy” chuỗi sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Việt Nam phải đối mặt với thách thức dịch bùng phát mạnh trong các khu công nghiệp quy mô lớn. Làm sao bảo đảm an toàn với dịch bệnh cho các khu công nghiệp để không “đứt gãy” chuỗi sản xuất đang là vấn đề cần được quan tâm.
Yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 được tăng cường tại nơi làm việc trong khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang

Yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 được tăng cường tại nơi làm việc trong khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang

Thiệt hại khó lường nếu các khu công nghiệp bị gián đoạn hoạt động

Những ngày này, có lẽ thông tin mà người dân hết sức quan tâm là tình hình đối phó với dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp lớn trong cả nước như ở Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM. Lý do cũng dễ hiểu bởi đây là những địa phương có hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu lớn nhất cả nước. Chỉ riêng Bắc Ninh đã có 10 khu công nghiệp, nơi đặt cơ sở sản xuất của nhiều doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi toàn cầu như Samsung, Canon, sử dụng 400.000 công nhân đến làm việc từ 61 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Với TP.HCM, đây là nơi tập trung của 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao với 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động cùng sự tham gia của hơn 320.000 công nhân và 3.000 chuyên gia nước ngoài. Rất nhiều công ty có quy mô lớn, như công ty Pouyuen ở quận Bình Tân, nơi mới phát hiện ca dương tính Covid-19, sử dụng tới 56.000 lao động. Chính vì thế, dịch bùng phát đã khiến cả nghìn công nhân phải tạm thời nghỉ việc, sản xuất bị gián đoạn.

Trên quy mô cả nước, tính đến cuối tháng 5-2021, Việt Nam có 256/286 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút 10.853 dự án sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 228,4 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 69,6%. Trong 5 tháng đầu năm 2021, dù dịch bệnh nhưng các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được 291 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 6,02 tỷ USD; 271 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 53,2 nghìn tỷ đồng.

Đóng góp của các khu công nghiệp với nền kinh tế cả nước rất lớn. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chiếm trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hoạt động của các khu công nghiệp mỗi năm đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 5 tỷ USD. Và điều hết sức quan trọng là các khu công nghiệp giải quyết việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp, chiếm 7,3% lực lượng lao động của cả nước.

Có thể nói các khu công nghiệp đóng vai trò chẳng khác nào như những đầu tàu dẫn dắt sự phát triển công nghiệp quốc gia và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp đã thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước.

Điều gì sẽ xảy ra khi hoạt động của các khu công nghiệp bị gián đoạn bởi dịch Covid-19? Chỉ xin nêu một con số thống kê: theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, vì dịch bệnh, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh mất đi 2.000 tỷ đồng mỗi ngày, 140.000 lao động phải nghỉ việc. Tất nhiên, chịu thiệt hại lớn nhất ở đây là các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Điều đó cho thấy nếu không kiểm soát tốt để dịch bệnh tấn công vào khu công nghiệp, thiệt hại sẽ lớn đến mức nào.

Để các khu công nghiệp trở thành “thành trì” vững chắc trước dịch bệnh

Bảo vệ các khu công nghiệp trong cả nước, biến nơi đây thành những “thành trì” vững chắc trước dịch bệnh đã trở thành yêu cầu cấp bách, bởi đó chính là nhằm ngăn chặn nguy cơ gián đoạn các chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam.

Để chặn “làn sóng” dịch bệnh Covid-19 có thể lây lan tại các khu công nghiệp, giải pháp căn bản nhất cần hướng tới là ưu tiên tiêm vaccine sớm nhất cho công nhân ở các khu công nghiệp. Điều này là cần thiết bởi đây là đối tượng có nguy cơ cao do đặc điểm các khu công nghiệp thường thu hút lực lượng lao động đông đến từ nhiều địa phương, người lao động làm việc trong môi trường khép kín, dễ bị lây bệnh. Công nhân trong các khu công nghiệp cũng thường ở thuê tại các xóm trọ, nhà trọ do tư nhân xây dựng và quản lý, diện tích ở chật hẹp, số lượng người ở chung một phòng đông nên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thường rất cao.

Quan trọng hơn là việc tiêm vaccine sớm cho công nhân các khu công nghiệp sẽ giúp chúng ta có thể ngăn chặn hàng nghìn tỷ đồng đã và đang có nguy cơ “bốc hơi” bởi dịch Covid-19. Đó cũng chính là phương thức bền vững, an toàn, giúp doanh nghiệp tập trung phục hồi sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Trong thực hiện chiến lược vaccine, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh phải ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu, các địa phương có nguy cơ rõ ràng, các khu công nghiệp…Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, theo chỉ đạo của Thủ tướng, 300.000 nghìn liều vaccine phòng Covid-19 đã được chuyển hỗ trợ Bắc Ninh và Bắc Giang để hoàn thành tiêm chủng trong vòng 1-2 tuần. Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo chính thức bổ sung đối tượng công nhân tại các doanh nghiệp vào danh sách nhóm được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19.

Trong khi chờ các nguồn vaccine về tiếp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các khu công nghiệp cần xây dựng kịch bản, phương án ứng phó, phòng, chống dịch Covid-19 như hướng dẫn của Bộ Y tế. Trước hết là giãn cách dây chuyền sản xuất, bố trí lệch ca sản xuất, đảm bảo mật độ lao động ở các phân xưởng, lắp đặt vách ngăn giữa các vị trí ngồi ăn, đảm bảo khoảng cách khi ăn; thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch giữa đơn vị quản lý và người sử dụng lao động. Với các công nhân là việc thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu khi làm việc, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, rửa tay theo quy định.

Cùng với việc phòng, chống dịch bệnh là những nỗ lực trợ giúp người lao động trong các khu công nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh. Tổng Liên đoàn lao động đã có Công văn số 2001 về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp có đông công nhân lao động. Theo đó, cần chăm lo, hỗ trợ, bảo đảm chế độ, tiền lương cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, nhất là các ca F0, F1, F2 và người đang phải nghỉ việc do dịch, do thực hiện cách ly trong khu vực bị phong tỏa. Trên cơ sở Quyết định số 2606/QÐ-TLÐ của Ðoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, các cấp công đoàn trực thuộc thực hiện chi hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Theo đó, các ca F0 được hỗ trợ 3 triệu đồng/trường hợp.