Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an:

Bảo vệ con người, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chiều 28-3-2021, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giới thiệu chuyên đề “Những nhận thức mới, tư duy mới về an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh quốc gia”.
Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giới thiệu chuyên đề “Những nhận thức mới, tư duy mới về an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh quốc gia” tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giới thiệu chuyên đề “Những nhận thức mới, tư duy mới về an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh quốc gia” tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhất là Báo cáo Chính trị đã nêu những nhận thức mới, tư duy mới về vấn đề an ninh toàn cầu, an ninh phi truyền thống và an ninh quốc gia so với Đại hội XII.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, Đại hội XIII của Đảng ta xác định: Vấn đề an ninh quốc gia cần được hiểu một cách toàn diện hơn, rộng hơn, sâu hơn, không chỉ có các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống, như: An ninh mạng; khủng bố, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; an ninh tài chính - tiền tệ; an ninh năng lượng; an ninh lương thực; an ninh môi trường, dịch bệnh; thậm chí cũng cần phải bàn đến “an ninh chính quyền”, “an ninh chế độ”…

Lần đầu tiên xác định “an ninh con người”, bảo vệ “an ninh con người” nhằm cụ thể hóa các tư tưởng lập hiến đã nêu trong Hiến pháp 2013 và trở thành các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước từ năm 2021 đến 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, Đại hội XIII của Đảng đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động, bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng. Đại hội XIII xác định: “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”, do vậy bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân.

9 yếu tố cấu thành sức mạnh bảo vệ an ninh quốc gia

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Trong nước, dưới góc độ thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc gia, đất nước ta đang đứng trước 3 thách thức lớn đe dọa trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đó là, âm mưu, hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn. Nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, gắn với thách thức trong xử lý quan hệ với các nước lớn và giữ vững uy tín của Đảng, chế độ trước nhân dân ngày càng gia tăng. Nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của nhân dân diễn biến phức tạp. Trong 3 thách thức nêu trên, Đại tướng Tô Lâm cho rằng “nguy cơ mất an ninh chính trị nội bộ, suy giảm thế trận lòng dân, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, của chế độ ta từ gốc, từ bên trong” là nguy hiểm nhất.

Bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã tác động sâu sắc đến tư duy về sức mạnh, nguồn lực bảo vệ an ninh quốc gia, nhất là sức mạnh tổng hợp quốc gia gồm 9 yếu tố cấu thành: Vị trí địa lý; nguồn tài nguyên thiên nhiên; khả năng sản xuất công nghiệp; dân số; lực lượng vũ trang; chí khí dân tộc; khả năng ngoại giao; năng lực và hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ. Vì thế, “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia” phải được xem như một bộ phận quan trọng của “Chiến lược phát triển quốc gia” nằm trong tổng thể của “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc”. Trong sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia, cùng với những diễn biến phức tạp của nhiều vấn đề mang tính toàn cầu đã làm nảy sinh những nguy cơ chung đe dọa an ninh của tất cả các quốc gia trên thế giới như: Khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, khủng hoảng kinh tế, tài chính, năng lượng, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần, dịch bệnh… làm phát sinh những nội dung mới trong bảo vệ an ninh quốc gia.

Như vậy, điểm mới về mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia ở đây là “Bảo vệ con người, an ninh con người” và “xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh” bằng các biện pháp mới hơn, mạnh hơn đó là “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại” để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia. Đại hội XIII đã bổ sung nội dung “Kết hợp với sức mạnh thời đại” để phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp nhằm bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia...

Một số nhiệm vụ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 51 ngày 5-9-2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết quan điểm chỉ đạo về các nhiệm vụ an ninh quốc gia trong thời kỳ mới, nhấn mạnh an ninh quốc gia là sự vững mạnh, trường tồn của Đảng, sự ổn định, phát triển bền vững về mọi mặt của đất nước, xã hội chủ nghĩa. Công tác bảo vệ an ninh quốc gia đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước.

5.000 cán bộ, đảng viên CATP Hà Nội được tham gia Hội nghị trực tuyến

Thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TW, ngày 9-/3-2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về việc “nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP cùng các đồng chí trong Đảng ủy Ban Giám đốc; Đảng ủy các đơn vị, Bí thư chi bộ, và đảng viên các chi bộ trong CATP Hà Nội tham gia hội nghị tại điểm cầu hội trường lớn CATP. Tổng số tại 35 điểm cầu, toàn CATP Hà Nội có trên 5.000 cán bộ, đảng viên tham gia.

Bảo vệ an ninh quốc gia là tổng thể các biện pháp xây dựng, củng cố tiềm lực an ninh quốc gia, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Chủ động tiến công, tích cực phòng ngừa. Lấy phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính. Bên cạnh đó, bảo vệ an ninh kinh tế là bảo vệ an ninh quốc gia và phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về an ninh phù hợp với tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc cũng như nhận diện, xử lý đúng đắn và vận dụng sáng tạo quan điểm về đối tượng, đối tác trong bảo vệ an ninh quốc gia.

Phương châm chỉ đạo, theo Đại tướng Tô Lâm, đó là: “Phải đặt độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn diện lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết. Phải giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh quốc gia từ cơ sở, dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương theo cơ chế thống nhất và phương châm 4 tại chỗ. Bộ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định quan điểm: “Điều tra, xử lý tội phạm phải kiên quyết, thận trọng, khách quan, toàn diện, không bỏ lọt tội phạm, không để ra oan, sai”.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết có 9 nhiệm vụ, giải pháp được Đại hội XIII của Đảng đưa ra với mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia. Đó là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia. Nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, trách nhiệm của người dân và toàn xã hội đối với các vấn đề liên quan an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia. Xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, thiết lập thế trận an ninh liên hoàn. Xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Bên cạnh đó, cần tập trung giải quyết các yếu tố tiềm ẩn phức tạp đối với an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, tư tưởng, an ninh thông tin. Sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Nhiệm vụ quan trọng kế tiếp là xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn; tăng cường hội nhập quốc tế về an ninh; củng cố tiềm lực an ninh quốc gia…

Đại tá Nguyễn Bình (Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội): “Kim chỉ nam” tháo gỡ mọi khó khăn, thách thức

“Sau hai ngày tham gia hội nghị trực tuyến, nhất là sau khi nghe đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu, cá nhân tôi tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi đây là “kim chỉ nam” tháo gỡ mọi khó khăn, thách thức, tạo động lực quyết tâm tiến về phía trước, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó.

Nắm giữ trọng trách phòng ngừa, tấn công các loại tội phạm hình sự, đảm bảo an ninh, an toàn địa bàn Thủ đô, mỗi người lính hình sự Công an Hà Nội luôn chủ động, sẵn sàng đấu tranh, bóc gỡ mọi thủ đoạn của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội cũng như lực lượng Cảnh sát hình sự Công an các quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội luôn chủ động đề ra những kế hoạch cụ thể nhằm đánh trúng, đánh đúng và kiềm chế, kéo giảm tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, không để tội phạm hoạt động manh động gây bức xúc trong nhân dân; phấn đấu không để xảy ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Cùng với đó, lực lượng CSHS luôn hạ quyết tâm điều tra khám phá nhanh các vụ án, nhất là án đặc biệt nghiêm trọng, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tập trung truy bắt đối tượng truy nã đang lẩn trốn, nhất là số đối tượng truy nã nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, số đối tượng truy nã trốn lâu năm, được coi là “nguồn” phát sinh các loại tội phạm hình sự”.

Đại tá Lê Đức Hùng (Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Thêm thấm nhuần vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an

“Khi được nghe đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an truyền đạt những nội dung quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia trong tình hình mới, cá nhân tôi nói riêng, Đảng ủy, Ban chỉ huy Công an quận Bắc Từ Liêm nói chung càng thêm thấm nhuần vai trò và trách nhiệm của lực lượng Công an.

Với quyết tâm chính trị cao nhất, CAQ Bắc Từ Liêm sẽ tập trung chỉ đạo các lực lượng tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn quận trong thời gian tới, đặc biệt là bảo vệ tuyệt đối an toàn trước trong và sau thời gian diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, với các nhiệm vụ trọng tâm như triển khai thực hiện các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, sự kiện chính trị, quốc tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại quan trọng, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam diễn ra trên địa bàn.

Tập trung chỉ đạo mở cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, kiềm chế và làm giảm tội phạm, không để tội phạm hoạt động công khai lộng hành gây bức xúc trong nhân dân; thường xuyên rà soát, đánh giá nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm để chủ động phòng ngừa, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội, không để phát sinh tội phạm”.

Trung tá Bùi Xuân Phương (Phó Đội trưởng Đội CSGT số 11, Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội): Ngăn ngừa các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia từ xa, từ sớm

“Tôi rất tâm đắc với bài giới thiệu chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nêu bật nhiều khái niệm mới trong vấn đề an ninh toàn cầu, an ninh phi truyền thống thì nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an ninh con người, an toàn cho mọi người người dân là rất quan trọng.

Thời gian qua, lực lượng Công an nhân dân đã làm tốt công tác đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện lợi ích nhóm trong lĩnh vực kinh tế có bước chuyển biến thực chất, tích cực, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, đã phòng ngừa, kịp thời phát hiện, điều tra khám phá nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, quản lý đất đai, xăng, dầu, khoáng sản, xây dựng...; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, sai phạm, thu hồi tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà nước và nhân dân. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nhất là tội phạm về ma túy, mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm hình sự nguy hiểm, các băng, ổ, nhóm phạm tội đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, không để những vấn đề trật tự, an toàn xã hội, tội phạm chuyển hóa thành các vấn đề an ninh quốc gia. Hoạt động hợp tác quốc tế, đối ngoại an ninh được đẩy mạnh theo hướng đa tầng, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần chủ động nhận diện, nâng cao năng lực ứng phó, phối hợp phòng ngừa, ngăn ngừa các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia từ xa, từ sớm, nhất là các yếu tố phi truyền thống”.

Đặt lợi ích dân tộc, quốc gia lên trên hết

Trong 2 ngày dự hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cá nhân tôi nhận thấy 5 chuyên đề được trình bày tại hội nghị đều tập trung vào những vấn đề cốt lõi, nhận thức mới, tư duy mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Quán triệt các nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nói chung và nhận thức nội dung quán triệt của đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tại hội nghị về đổi mới tư duy về an ninh quốc gia, tôi nhận thấy tư duy mới về ANQG là đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Đảm bảo ANQG gắn với đảm bảo an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh mạng... Kết hợp giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.

Là thủ trưởng một đơn vị Công an cấp cơ sở, trong những năm gần đây, địa bàn huyện có nhiều tiềm ẩn phức tạp, các thế lực thù địch có thể lợi dụng để hoạt động gây mất ổn định ANTT. Cá nhân tôi nhận thấy, để phòng ngừa, đối phó, giải quyết với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện.

Cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng: "Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh”. Trong chỉ đạo giải quyết các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống cần đặc biệt coi trọng công tác phòng ngừa, khi có tình huống xảy ra thì tích cực, chủ động ứng cứu nhanh, có hiệu quả. Đồng thời thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

Nâng cao ý thức cho mọi tầng lớp nhân dân về bảo vệ Tổ quốc nói chung, phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống nói riêng theo yêu cầu của thời kỳ mới. Xây dựng các kế hoạch, phương án quản trị, phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa, thảm họa an ninh phi truyền thống từ cơ sở với sự tham gia của toàn thể hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân đóng vai trò nòng cốt.

Nắm chắc và vận dụng các quan điểm chỉ đạo của Đảng vừa là tiền đề và điều kiện tiên quyết để lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

(Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng CAH Mỹ Đức)