- Vụ bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương: Giám đốc bệnh viện cũng phẫn nộ!
- Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm bảo vệ gây khó khăn cho người bệnh
- Về vụ bảo vệ BV Nhi Trung ương chặn xe cứu thương đưa bệnh nhi về nhà
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ sáng nay, 8-7.
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế trả lời phỏng vấn về vụ việc
bảo vệ chặn xe cứu thương tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Phân tích cụ thể về vụ việc này, TS Nguyễn Huy Quang cho biết, mỗi bệnh viện đều có những quy định, nội quy riêng để đảm bảo an ninh trật tự của bệnh viện, như việc quy định chỗ nào được đỗ xe, chỗ nào được dừng xe… và những người ra, vào bệnh viện, kể cả là xe taxi hay xe cứu thương đều phải tuân thủ, phải xuất trình, thông báo với bảo vệ bệnh viện khi ra, vào bệnh viện.
Việc các bệnh viện ra quy chế như vậy không có gì là sai, vì bệnh viện cũng như bất cứ một cơ quan nào, nếu không kiểm soát, để người lạ ra- vào tùy tiện sẽ mất an ninh. Tuy nhiên, các bệnh viện cũng đều quy định rõ, trong trường hợp xe cứu thương đang chở người bệnh vào bệnh viện cấp cứu thì phải được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để bệnh nhân được chăm sóc y tế một cách sớm nhất, vì khi đó là “thời gian vàng” để cứu bệnh nhân.
Còn với trường hợp xe cứu thương chở người bệnh ra khỏi bệnh viện thì lái xe phải thông báo với bảo vệ là đúng, đề phòng trường hợp mất an ninh, trộm cắp hay bắt cóc bệnh nhân. Nhưng nếu xe cứu thương đó có giấy tờ đầy đủ (có bệnh nhân, giấy ra viện của bệnh nhân – pv) thì bảo vệ phải cho người ta chở bệnh nhân ra khỏi bệnh viện.
Với trường hợp cụ thể như vụ việc bảo vệ chặn xe cứu thương ở Bệnh viện Nhi Trung ương, TS Nguyễn Huy Quang cho biết, cần phải xem xét, làm rõ xem cụ thể bảo vệ chặn xe cứu thương ra khỏi bệnh viện vì lý do gì?
“Nếu bảo vệ hạch sách, chặn xe cứu thương có bệnh nhân đi ra chỉ vì bệnh nhân này không dùng xe cứu thương của bệnh viện, mang tính chất bảo lãnh, bảo kê cho xe cứu thương của bệnh viện thì rõ ràng là họ sai rồi” – Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế nêu quan điểm.
Hình ảnh xe cứu thương chở bệnh nhi đang bóp bóng bị bảo vệ chặn lại
tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong khi mẹ bệnh nhi gào khóc
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trong vụ việc bảo vệ chặn xe cứu thương ở Bệnh viện Nhi Trung ương kể trên, bệnh viện có trách nhiệm gì hay không?, ông Nguyễn Huy Quang cho biết: trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về người bảo vệ chặn xe cứu thương đó. Thứ hai là trách nhiệm của công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ cho bệnh viện. Thứ ba, đó là trách nhiệm của bệnh viện.
“Mặc dù bệnh viện bỏ tiền ra thuê bảo vệ của một công ty bên ngoài nhưng bệnh viện phải có trách nhiệm giám sát việc thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ giữa hai bên xem họ có cung cấp dịch vụ, con người đúng yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí của bệnh viện hay không. Sự việc xảy ra trong bệnh viện nơi anh quản lý thì anh phải có trách nhiệm liên đới về sự việc đó, cũng như trách nhiệm trong việc giải quyết vụ việc” – ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế chia sẻ thêm, dù là bảo vệ đi thuê bên ngoài thì đó cũng là lực lượng làm cho bệnh viện, phục vụ bệnh viện. Hơn nữa, hiện nay ngành y tế đang xây dựng chất lượng bệnh viện cho tốt mà chất lượng bệnh viện được đánh giá bởi tiêu chí bệnh viện cung cấp các dịch vụ, giá cả như thế nào đáp ứng sự hài lòng của bệnh. Trong đó, dịch vụ do bệnh viện cung cấp không chỉ là đội ngũ bác sĩ, trang thiết bị, kỹ thuật mà ngay từ khâu đón tiếp người bệnh, từ thái độ của nhân viên y tế cho đến bảo vệ bệnh viện.