Bảo vệ an toàn tuyệt đối những chuyến hàng đặc biệt

ANTD.VN - 10 năm về trước, một đơn vị có chức năng bảo vệ, vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước (trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) chính thức được thành lập. Trải qua chừng ấy năm, chiến công của đơn vị không phải là những trận đánh đầy oai hùng mà âm thầm, giản dị, đó là bảo vệ đi đến nơi, về đến chốn với những chuyến hàng đặc biệt. 

Trung tá Nguyễn Văn Tuân - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ hàng đặc biệt

Bí mật quyết định thắng lợi

Trung tá Nguyễn Văn Tuân - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ hàng đặc biệt cho hay, đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ hàng đặc biệt thuộc sở hữu Nhà nước để vận chuyển, lưu thông trên toàn quốc theo Nghị định của Chính phủ. Những chuyến hàng đó có thể được chở bằng xe chuyên dụng, xe đặc chủng, tàu hỏa, hoặc các phương tiện khác.

Do vận chuyển hàng đặc biệt nên yêu cầu bí mật phải đặt lên hàng đầu. Vì thế trước mỗi chuyến đi dù dài hay ngắn, chỉ có cấp chỉ huy mới được biết và được sử dụng hệ thống thông tin liên lạc. Thậm chí những người lính bảo vệ cũng không được phép mang theo điện thoại. “Thế nên mới có chuyện nhiều anh lính trẻ đang hẹn hò người yêu thì đột nhiên biến mất trong nhiều ngày khiến bạn gái không cách nào liên lạc được. Đến khi gặp lại thì mất bao công sức giải thích, có mối tình mới chớm cũng mất hút theo” - Trung tá Tuân kể. 

Thiếu tá Bùi Văn Hợp - cán bộ chính trị Tiểu đoàn kể một câu chuyện khác. Đó là đã đi bảo vệ hàng đặc biệt phải cắt liên lạc với gia đình, người thân để đảm bảo nguyên tắc bí mật. Vậy nên nhiều khi, gia đình không biết con em mình đi đâu, làm gì. Ngay cả trong nhà có những việc như bố ốm, mẹ đau, tang gia họ cũng không được biết. Do đó, để các chiến sỹ chuyên tâm làm nhiệm vụ, Tiểu đoàn thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, động viên CBCS khi đã được phân công phải gạt hết tình riêng, toàn tâm toàn ý vì lợi ích Tổ quốc.

Âm thầm trên những tuyến đường

Mỗi chuyến đi thông thường kéo dài khoảng vài ba ngày. Có những chuyến hàng phải chuyển bằng xe lửa thì khối lượng được tính bằng… container. Điều đó có nghĩa là số hàng hóa vận chuyển sẽ cực kỳ lớn. Trung bình những chuyến như vậy đơn vị sẽ phải đảm bảo an toàn cho khoảng 22 container và phải lập chốt kiểm soát từng toa. Thời gian tham gia trực chốt là từ 6-8 tiếng.

Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng những ngày nắng, nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C thì trong những toa hàng nhiệt độ phải lên đến gần 60 độ C. Có người hết ca trực thì quân phục cũng ướt sũng như vừa đi tắm mưa về. “Mỗi lần tàu dừng chỉ trong khoảng thời gian 10 phút, chúng tôi thường tận dụng khoảng thời gian ít ỏi ấy để thay ca. Ở đây, tất cả đều phải nhanh nhẹn, linh hoạt vì chỉ cần chậm chễ 1 phút thôi, đồng đội của mình sẽ không “gối” ca được. Điều đó đồng nghĩa người trực trước sẽ phải làm thêm một “tua” nữa cho đến ca kế tiếp” - Trung tá Nguyễn Văn Tuân chia sẻ.

Ngày mưa, thậm chí là bão, những chuyến hàng vẫn lên đường. Ấn tượng nhất là chuyến hàng cuối năm 2018 đúng dịp bão đổ bộ các tỉnh miền Trung. Khi đó mưa lớn và sạt lở đất đã chia cắt một số tuyến giao thông. Khi đến Lăng Cô, đoàn tàu bắt buộc phải dừng chờ thông tuyến. Một cuộc họp khẩn được triệu tập để thông qua phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn khi tàu dừng đỗ.

Sự cố bất ngờ cũng kéo theo nhiều vấn đề bất lợi phát sinh, đó là lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt chuẩn bị cho chuyến đi đều hết mà không thể mua ở đâu được. Thế rồi cuối cùng cả đoàn công tác cũng khắc phục để vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau 4 ngày, đơn vị đã bàn giao 12 container hàng đến điểm tập kết an toàn. 

Bảo vệ hàng đặc biệt thì mọi sinh hoạt trong quá trình vận chuyển cũng rất… đặc biệt. Đó là người lính phải ăn, ngủ ngay bên cạnh mục tiêu bảo vệ của mình. Trong 10 năm qua, đơn vị đã vận chuyển gần 10.000 chuyến hàng, có nghĩa là mỗi ngày có ít nhất họ phải đảm bảo 3 chuyến tới đích an toàn. 

Những tình huống bất ngờ

Chuyển hàng bằng xe lửa không thiếu lần các chiến sỹ gặp những… vị khách không mời. Đó là những người muốn đi lậu vé bằng hình thức “nhảy tàu”. Trung tá Nguyễn Văn Tuân kể, giữa tháng 5-2019 Tiểu đoàn nhận nhiệm vụ vận chuyển 12 container từ Hà Nội đến Bình Định và TP Hồ Chí Minh.

Nửa đêm, khi qua đường ngang dân sinh, trung tâm chỉ huy phát hiện và báo động tới các toa về một bóng người bất thình lình xuất hiện và nhảy phắt lên tàu. Phương án tác chiến được nhanh chóng triển khai. Ban chỉ huy liên lạc với bộ phận quản lý đường sắt để dừng tàu nhằm bắt giữ đối tượng. Chỉ trong chớp mắt, đối tượng đã bị khống chế, bàn giao cho công an địa phương rồi tiếp tục hành trình. 

Cuối năm 2016, Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ hàng đặc biệt nhận nhiệm vụ tiêu hủy một số lượng lớn ngà voi, sừng tê giác của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Sự kiện này thu hút quan tâm của hàng trăm hãng thông tấn báo chí trong và ngoài nước bởi nó nằm trong chương trình vận động không sử dụng động vật hoang dã, việc tiêu hủy chính là thể hiện cam kết của Việt Nam.

Tiểu đoàn có nhiệm vụ vận chuyển hàng từ Hải Phòng về bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội. Chuyến hàng này có nhiều áp lực với CBCS vận chuyển bởi thông tin tiêu hủy được công bố rộng rãi, không có yếu tố bí mật. Cùng với đó, những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán bị tịch thu tang vật đã nắm chắc vị trí lưu giữ các mẫu vật có giá trị lớn nên có ý định cướp lại tang vật.

Trong khi đó, các tổ chức quốc tế còn giám định ADN để đảm bảo số sừng tê, ngà voi đã được tiêu hủy đúng. Với kinh nghiệm trong công tác vận chuyển, Tiểu đoàn đã xây dựng phương án tối ưu đưa tang vật về địa điểm tiêu hủy an toàn với sự chứng kiến của cơ quan chức năng, báo đài trong và ngoài nước. Trong suốt quá trình bảo vệ, mỗi CBCS đều nêu cao tinh thần cảnh giác cao độ, đảm bảo tuyệt đối an toàn đến khi tiêu hủy xong không để xảy ra bất cứ một sai sót nào dù là nhỏ nhất. 

Bên cạnh đó, đơn vị còn bảo vệ thành công việc tiêu hủy tiền xu không đủ chất lượng lưu thông. Số tiền này tiêu hủy bằng cách đun nóng chảy, trong khi nhiệm vụ của người chiến sỹ bảo vệ là phải “canh lò”. Suốt cả buổi làm nhiệm vụ mồ hôi túa ra như tắm nhưng không một ai rời vị trí.