MiG-21 được công nhận là bảo vật quốc gia Việt Nam (Kỳ 2)

“Bảo vật Quốc gia” MiG-21: “Hung thần trên không” đối với máy bay Mỹ

ANTĐ - Dòng máy bay MiG đã góp mặt trong nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới. Tuy nhiên tên tuổi của MiG chỉ trở lên chói lòa khi những chiếc MiG-21 Việt Nam lập nhiều chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nếu so sánh tương quan lực lượng giữa Không quân Nhân dân Việt Nam và Không quân Mỹ là quá khập khiễng cả về trang bị, số lượng, kinh nghiệm trận mạc. Tuy nhiên, lực lượng không quân non trẻ với những phi công chỉ có vài trăm giờ bay ít ỏi lại giành được những chiến công hiển hách trước lực lượng Không quân mạnh nhất thế giới của Hoa Kỳ.

Đánh bại không quân chiến thuật Mỹ vượt trội về số lượng và chất lượng

Không quân nhân dân Việt Nam đã đưa tiêm kích MiG-21 trở thành huyền thoại của thế kỷ 20 với những chiến công lẫy lừng trong kháng chiến chống Mỹ, sau khi bắn hạ nhiều chiến đấu cơ hiện đại của Mỹ, bao gồm cả máy bay ném bom chiến lược B-52 vốn được mệnh danh là “pháo đài bất khả xâm phạm”.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, phải tới cuối 1965, đầu 1966, Không quân Nhân dân Việt Nam mới bắt đầu nhận được những biến thể MiG-21F-13, MiG-21PF để dần dần thay thế cho phi đội MiG-17 có tính năng kém.

Sau năm 1968, Liên Xô đã chuyển cho Không quân Việt Nam máy bay tiêm kích MiG-21PFM với thùng pháo treo GP-9, sau đó ít lâu là các máy bay MiG-21MFL có pháo GSh-23 lắp trong thân máy bay, tiếp theo là các máy bay MiG-21MF có khả năng mang 4 tên lửa thay vì 2 như các phiên bản đầu.

Lúc đó, MiG-17 của ta thậm chí không có tên lửa đối không mà chỉ có 2 khẩu súng máy NR-23 cỡ nòng 23 mm, cơ số đạn 80 viên và 1 pháo N-37 37mm, cơ số đạn 40 viên (biến thể duy nhất có trang bị tên lửa không đối không là MiG-17PM (PFU), mang 4 tên lửa K-5 hay còn goi là RS-1U (NATO gọi là AA-1 Alkali).

MiG-21 thời kỳ đầu chỉ được trang bị 2 quả tên lửa không đối không, ít hơn từ 2-4 lần so với các loại máy bay Mỹ

Thời kỳ đầu, mỗi đợt bắn phá của không quân Mỹ thường bao gồm hàng chục chiếc, trong khi ta chỉ xuất kích thông thường chỉ 2-3 tốp, mỗi tốp thường là 3 chiếc nên số lượng máy bay Mỹ luôn áp đảo, có lúc chỉ 2 chiếc MiG giao chiến với hàng chục chiếc tiêm, cường kích Mỹ.

Ví dụ như trong nhật ký làm việc của một sĩ quan liên lạc Mỹ ghi nhận, trong các trận tấn công của không quân Mỹ vào một khu vực dài chưa đến 20 dặm bờ biển Bắc Việt, số lượng và chủng loại lực lượng máy bay Mỹ tham gia ném bom gồm: 8 máy bay tấn công (A-4 hoặc A6) + tốp chuyên đánh chặn MiG (4 đến 6 F-4 và 2 đến 4 F-8 trang bị AIM-9B), 4 đến 6 A-1 hoặc A-4 trấn áp cao xạ, hai máy bay tiếp dầu và tối thiểu 2 máy bay mang ECM (gây nhiễu tên lửa phòng không).

Tuy nhiên, do cách đánh tài tình của không quân Việt Nam, các máy bay chiến thuật của Mỹ luôn thất thế trong không chiến với các loại máy bay MiG-21 của Việt Nam, không thể bảo vệ các máy bay cường kích ném bom, mặc dù luôn áp đảo về số lượng. Bởi vậy, họ đã phải tìm tòi cách khắc chế các máy bay tiêm kích Việt Nam

Trong huấn luyện, để khắc phục khả năng không chiến với những máy bay tiêm kích nhỏ và nhanh nhẹn như những máy bay MiG, Mỹ đã thành lập dự án huấn luyện không chiến đặc biệt (DACT) của không quân và chương trình huấn luyện TOPGUN của hải quân.

Hải quân Mỹ đã phải sử dụng những máy bay A-4 Skyhawk để đóng giả máy bay chiến đấu cận âm như MiG-17 và F-5 Tiger để đóng giả làm những máy bay siêu âm như MiG-21 Fishbed của không quân Việt Nam. Không quân Mỹ cũng thành lập những phi đội A-4 cơ động nhanh, mang trang bị của Mig làm quân xanh để thực hành tấn công trong chương trình DACT.

Mỹ đã phải sử dụng các chương trình huấn luyện đặc biệt để khắc chế MiG-21 của Việt Nam (Ảnh: Máy bay Mỹ ngụy trang thành máy bay Nga làm "quân xanh" trong huấn luyện)

Các chiến đấu cơ Mỹ cũng phải thay đổi chức năng nhiệm vụ để chống lại những tiêm kích đánh chặn siêu hạng của Việt Nam. F-4C trước có nhiệm vụ ném bom và phòng thủ biên đội (mang bom tấn công mặt đất và nếu MiG tấn công sẽ vứt bom để đánh trả) nay chuyển hẳn sang chống MiG, bỏ mang bom và chỉ mang mỗi tên lửa không đối không.

Số lượng phi đội ngăn chặn MiG-21 và MiG-17, để hộ tống đoàn bay đánh phá tăng lên tới 8 phi đội (tương đương khoảng 32-40 máy bay). Thêm vào đó, một vài phi đội F-105 được chuẩn bị như máy bay tiêm kích, mang AIM-9B và không mang bom, hy vọng sẽ làm tăng ưu thế không chiến.

Về chiến thuật, không quân Mỹ đã chuẩn mực hóa phần lớn các chiến thuật không kích. Đội hình điển hình trong thực hiện nhiệm vụ ném bom miền Bắc bao giờ cũng lấy trọng tâm là phi đội ngăn chặn MiG với 4 phi đội F-105 hoặc F-4 cường kích, 2 phi đội tuần phòng MiG, 2 phi đội F-105 “bàn tay sắt” (Iron Hand).

Lực lượng máy bay bảo đảm cũng được tăng cường để tránh bất ngờ về tình huống. Mỗi đợt ném bom cần 8 máy bay KC135 tiếp dầu trên không. Cộng với EB-66 và EC-121, máy bay tìm kiếm cứu hộ, máy bay trợ chiến khác, tổng số máy bay liên quan lên tới 110 chiếc! Tuy vậy những sự hay đổi này cũng không mang lại hiệu quả gì.

Từ cuối 1967 cho đến hết chiến dịch Sấm Rền (“Rolling Thunder”, diễn ra từ ngày 2 tháng 3 năm 1965 đến 1 tháng 11 năm 1968), trong khi cứ 99 máy bay Mỹ cất cánh thì mới phát hiện một chiếc MiG lên đánh chặn, tức là số lượng máy bay của ta so với Mỹ là "một trời, một vực".

Chiến đấu cơ F-105 Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Thế nhưng, so sánh tỷ lệ bị bắn hạ của MiG-21 và máy bay Mỹ là  hơn 1/5, cứ 1 chiếc MiG bị bắn hạ thì nó cũng đã diệt được khoảng 5 chiếc máy bay Mỹ. Để đối chiếu chúng ta nên biết rằng, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên trước đó, F-86 của Mỹ đã hạ MiG-15 với tỷ lệ gần 10/1.

Nực cười hơn nữa là, mặc dù số lượng máy bay và số lượng tên lửa không đối không nhiều gấp bội nhưng F-105 Mỹ còn phải xây dựng đến 4, 5 phương án luyện tập chỉ để tháo chạy trước MiG-17 và MiG-21.

Ví dụ điển hình như: Rút lui bằng cách tăng tốc bỏ chạy thật nhanh hoặc ngoặt gấp vào bên tấn công rồi lao xuống để tăng tốc bay thoát, nếu không thì lao xuống xoáy trôn ốc, để giữ F- 105 bên ngoài khu vực bắn hiệu quả của Atoll, thoát khẩn cấp thì ngoặt cực gấp về phía MiG, rồi tiếp tục vòng và lật ngửa, hết cần ga rồi bung cánh cản cho đến khi lật xong, giảm độ cao và tốc độ đột ngột cho MiG-21 bay trượt qua rồi tiếp tục lao xuống thấp hơn để chạy trốn.

Trở thành loại máy bay duy nhất bắn rơi máy bay ném bom B-52

Trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, các phi công của ta đã tiêu diệt 2 máy bay B-52 của Mỹ. Để có được kết quả đó, không quân nhân dân Việt Nam đã có bước chuẩn bị từ khá sớm; điều quan trọng không kém là ta đã điều chỉnh cách đánh kịp thời sau mỗi lần xuất kích.

Từ nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sớm muộn Mỹ sẽ dùng B-52 đánh ra Hà Nội, Quân chủng PK-KQ đã có bước chuẩn bị đánh B-52 từ rất sớm. Theo đó, Bộ đội Không quân đã triển khai sở chỉ huy dã chiến để nghiên cứu hoạt động của B52 và chỉ huy không quân cất cánh, đánh B-52 từ các sân bay dã chiến.

Cùng với tên lửa phòng không S-75 Dvina (NATO: SA-2 Guideline, Việt Nam: SAM-2), MiG-21 đã hạ gục uy danh pháo đài bay B-52 Mỹ

Để chuẩn bị đánh B-52, các phi công MiG-21 đã dày công luyện tập, sẵn sàng cho cuộc đọ sức lịch sử trên bầu trời Thủ đô. Các phi công của ta còn cơ động về Quảng Bình, Vĩnh Linh, lên tận đỉnh đèo Mụ Giạ để quan sát, tìm hiểu đội hình và quy luật hoạt động của B-52. Nhiều lần, các phi công của ta đã truy kích máy bay địch đến tận biên giới.

Ngay đêm 18-12-1972, khi B-52 xâm phạm vùng trời Thủ đô, mở đầu chiến dịch tập kích đường đường không của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố lớn trên hậu phương miền Bắc, từ sân bay Nội Bài, các phi công MiG-21 đã được lệnh xuất kích, ráo riết săn tìm “con ngáo ộp” trên không.

Sau đêm đầu tiên của Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (18-12-1972), các đêm tiếp theo, các phi công MiG-21 tiếp tục cất cánh tìm diệt B-52, song họ không lọt qua được vòng bảo vệ dày đặc của các tiêm kích hộ vệ B-52 cũng như màn nhiễu trắng xóa mà chúng phóng ra.

Sau đêm đầu tiên của Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (18-12-1972), các đêm tiếp theo, các phi công MiG-21 tiếp tục cất cánh tìm diệt B-52, song “siêu pháo đài bay” của Mỹ vẫn chưa bị bắn hạ. Lo lắng đè nặng lên suy nghĩ của các phi công chiến đấu…

Không quân tổ chức rút kinh nghiệm sâu sắc các trận đánh trước đó và quyết định thay đổi cách đánh. Sở chỉ huy được đưa ra vòng ngoài, tại Thanh Hóa, Mộc Châu, Yên Bái; chuyển máy bay ra vòng ngoài; dẫn đường từ vòng ngoài; phi công được cho phép chủ động xử lý tình huống trên không.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 - siêu pháo đài bay của Mỹ tại sân bay U-Tapao - Thái Lan thường xuyên cất cánh sang ném bom Việt Nam

Những trận đánh trước đó, sau khi cất cánh, phi công MiG-21 thường bay thấp để tránh bị địch phát hiện, sau đó lấy độ cao. Phương thức bay này là hợp lý, nếu không có nhiễu. Tuy nhiên, do bị địch gây nhiễu nên khi kéo cao, MiG-21 không thể bắt và bám sát được mục tiêu B-52.

Vậy nên, qua rút kinh nghiệm, cách đánh được vạch ra là sau khi cất cánh, chủ động giành lợi thế độ cao. Điều này vừa có thể chủ động quan sát địch vừa khiến MiG của ta tránh được hàng trăm chiếc tiêm kích bảo vệ các tốp B-52. Khi bay cao, ta có độ cao, có tốc độ, sẽ có điều kiện tiếp cận mục tiêu nhanh nhất.

Với việc rút kinh nghiệm qua từng trận đánh để thay đổi cách đánh kịp thời, Không quân nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt 2 máy bay B-52 trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, góp phần làm nên kỳ tích vô song trên bầu trời miền Bắc.

Trước đó, vào ngày 20-11-1971, phi công Vũ Đình Rạng cũng đã thực chiến lần đầu tiên với B-52 và đúc rút được khá nhiều kinh nghiệm quý báu cho cuộc quyết chiến trên không năm 1972. Trong đó, có bài học kinh điển là khi công kích B-52, phi công phải phóng cả 2 tên lửa mới diệt tại chỗ được nó.

Ngày đó, Vũ Đình Rạng nhận nhiệm vụ tiêu diệt tốp B52 đang bay từ Thái Lan qua Lào vào đánh phá khu vực Nghệ An. Tiếp cận được B-52, theo lệnh của sở chỉ huy mặt đất, anh phóng một quả tên lửa vào chiếc B-52. Trúng đạn, chiếc máy bay này phải về hạ cánh bắt buộc và hỏng hoàn toàn.

Chiếc MiG-21 mang số hiệu 4324 uy nghiêm, phía dưới là những chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi

Vũ Đình Rạng đã chấp hành nghiêm quy định là chỉ dùng một quả tên lửa để tiêu diệt B-52, quả còn lại để sẵn sàng không chiến với tiêm kích địch trên đường về sân bay. Tuy nhiên, chỉ 1 quả tên lửa khó có thể hạ sát tại chỗ được siêu pháo đài bay của Mỹ. Vì vậy, một bài học được không quân ta rút ra là khi công kích B-52, phi công phải phóng cả 2 tên lửa.

Với việc chuẩn bị trước các phương án đối phó và rút kinh nghiệm qua từng trận đánh để thay đổi cách đánh kịp thời, Không quân nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt 2 máy bay B-52 trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, góp phần làm nên kỳ tích vô song trên bầu trời miền Bắc.

Trong suốt thời gian tham chiến tại Việt Nam từ năm 1966 đến 1972, MiG-21 dược điều khiển bởi các phi công Việt Nam đã bắn hạ 128 máy bay các loại của Mỹ. Đặc biệt là, chỉ với 20 chiếc MiG-21 đầu tiên, Không quân Việt Nam đã tiêu diệt được 103 chiếc Phantom

Trong khi phía Mỹ tuyên bố có 96 chiếc MiG-21 bị máy bay Mỹ bắn rơi thì tài liệu của Việt Nam xác nhận là đã có 60 chiếc MiG-21 bị rơi trong không chiến (54 chiếc do F-4 bắn rơi và 6 chiếc do các loại khác của Mỹ bắn rơi) và một vài chiếc khác rơi do tai nạn.

Tính tới thời điểm hiện tại, MiG-21 vẫn là chiến đấu cơ duy nhất đã từng tham chiến với B-52 và hạ gục siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm - niềm tự hào của không lực Hoa Kỳ. Sau này, MiG-21 cũng đã từng tham chiến trong thành phần nhiều quốc gia khác như Ai Cập, Iraq… nhưng không ở đâu, nó lập được những chiến công lẫy lừng như ở Việt Nam.