MiG-21 được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam (Kỳ 1)

“Bảo vật Quốc gia” MiG-21: Con đường trở thành huyền thoại thế kỷ 20

ANTĐ - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia (đợt 3) cho 12 hiện vật và nhóm hiện vật. Trong nhóm hiện vật thời kháng chiến chống Mỹ, nổi bật nhất là chiếc máy bay MiG-21 mang số hiệu 4324.

Máy bay MiG-21 số hiệu 4324 được công nhận là bảo vật quốc gia

Được biết, nhóm hiện vật trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ gồm có: Máy bay MiG-21 mang số hiệu 4324 (Hiện vật kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam); Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh (Hiện vật trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam).

Trong thời gian diễn ra những cuộc đối đầu giữa Không quân Nhân dân Việt Nam và các phi công của Hải quân Hoa Kỳ, các phi công Mỹ thường tuyên truyền hình ảnh chiếc máy bay MiG-17 mang số hiệu 3020, cũng như chiếc MiG-21 mang số hiệu 4326, với ký hiệu 13 ngôi sao đỏ trên mũi, biểu hiện cho việc đã bắn hạ 13 máy bay của đối phương.

Sau chiến tranh, theo một số thông tin được phía Việt Nam công bố, chiếc máy bay MiG-17F mang số hiệu 3020, là thuộc trung đoàn 923 Yên Thế. Chiếc máy bay này có màu sơn xanh loang lổ, được các phi công Mỹ thường gọi là “Green Snake” (Rắn xanh), theo màu sơn của những chiếc máy bay cùng loại.

Chiếc MiG-17F mang số hiệu 3020 được nhiều phi công thay phiên nhau điều khiển nó và họ đã bắn hạ ít nhất 8 máy bay đối phương với chiếc máy bay này.

Riêng về chiếc MiG-21PF mang số hiệu 4326, hiện được trưng bày tại bảo tàng Phòng Không, sân bay Bạch Mai, Hà Nội, từng thuộc trung đoàn 921 Sao Đỏ.

Chiếc máy bay này cũng được xác nhận là do nhiều phi công luân phiên sử dụng và đã từng hạ được 13 máy bay đối phương. Về sau, trong đó có 6 phi công từng điều khiển máy bay nay được phong Anh hùng, trong đó có cả có phi công Nguyễn Văn Cốc được xác nhận là bắn hạ 9 chiếc đối phương, đạt hiệu suất cao nhất Không quân Việt Nam (Mỹ chỉ thừa nhận có 7).

Phiên bản MiG-21bis (trên) và biến thể huấn luyện hai chỗ ngồi MiG-21UM

Tuy nhiên, kỷ lục của Không quân Nhân dân Việt Nam lại thuộc về chiếc MiG-21 PF số hiệu 4324, trước đây thuộc biên chế Trung đoàn không quân 921, Sư đoàn không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân. Hiện nó đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ở Hà Nội.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, con “én bạc” mang số hiệu 4324 của Không quân nhân dân Việt Nam đã xuất kích 69 lần, gặp địch 22 lần, nổ súng tấn công 16 lần, khai hỏa 25 quả tên lửa đối không, bắn rơi 14 máy bay các loại của Mỹ trong khoảng thời gian tháng 11-1967 đến tháng 5-1968, được thể hiện bằng 14 ngôi sao đỏ ở phần đầu máy bay.

Đây là chiếc máy bay đã bắn hạ nhiều máy bay Mỹ nhất. Trong số 12 phi công đã từng điều khiển máy bay này, có 9 người đã từng bắn rơi máy bay đối phương, 8 phi công đạt đẳng cấp Ace (bắn rơi từ 5 chiếc trở lên), 7 người được tuyên dương Anh hùng, 5 người trở thành tướng lĩnh.

Chỉ tính riêng năm 1967, có 9 phi công của Không quân nhân dân Việt Nam đã thay nhau lái chiếc tiêm kích này, bắn rơi 14 máy bay các loại của Mỹ. 8 trong số 9 phi công nói trên đã được tuyên dương và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Người đầu tiên lập công cùng “én bạc” 4324 là phi công Lê Trọng Huyên. Ngày 30-4-1967, phi công Lê Trọng Huyên xuất kích chiến đấu, bắn rơi 1 chiếc “thần sấm” F-105 trên bầu trời Bắc Thái (nay thuộc địa bàn 2 tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên). Chiến công này được tưởng thưởng bằng ngôi sao đỏ đầu tiên trên máy bay.

Chiếc tiêm kích đánh chặn MiG-21 mang số hiệu 4326 từng bắn rơi 13 máy bay Mỹ

Lịch sử ra đời và phát triển của Mikoyan Gurevich MiG-21

Mikoyan Gurevich MiG-21 (tên ký hiệu của NATO: Fishbed) là máy bay tiêm kích đánh chặn siêu âm, được chế tạo cho không quân Liên Xô. Những chiếc MiG-21 đầu tiên được coi là máy bay phản lực thế hệ thứ hai nhưng các phiên bản nâng cấp sau này đã hiện đại hơn rất nhiều và được xếp vào loại máy bay phản lực chiến đấu thế hệ thứ ba.

MiG-21 kế thừa những thành tựu trong quá trình phát triển phản lực cận âm MiG-15 và MiG-17 cùng phản lực siêu âm MiG-19. Cất cánh lần đầu trong tháng 2-1956 và chính thức góp mặt trong biên chế không quân Liên Xô năm 1959, trải qua gần 60 năm, MiG-21 vẫn đang được nhiều quốc gia sử dụng.

Việc phát triển MiG-21 được bắt đầu trong những năm 1950 với mẫu nghiệm chứng kỹ thuật đầu tiên là Ye-1 năm 1954 và bắt đầu bay thử với nguyên mẫu Ye-4. MiG-21 chính thức xuất hiện công khai vào tháng 7-1956 tại triển lãm kỷ niệm ngày Hàng không Liên Xô ở sân bay Tushino, Moscow.

MiG-21 là tiêm kích đầu tiên được thiết kế chuyên về đánh chặn của Liên Xô, là máy bay chiến đấu hạng nhẹ, có vận tốc lên tới Mach 2, tương đương khoảng 2.175 km/h. MiG-21 được coi là mẫu phi cơ đơn giản, dễ sử dụng với chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với phi cơ cùng loại nên được nhiều quốc gia ưa chuộng.

Liên Xô và đồng minh thuộc khối Xã hội Chủ nghĩa đã chế tạo tổng cộng 11.496 chiếc MiG-21, trong đó có 10.645 chiếc được sản xuất ở các nhà máy trên đất Liên Xô, 657 chiếc được chế tạo ở Ấn Độ và 194 chiếc tại Czechoslovakia, nay là Cộng hòa Czech, Slovakia và Ukraine.


“Bảo vật Quốc gia” MiG-21: Con đường trở thành huyền thoại thế kỷ 20 ảnh 3

Bản đồ phân bố các nước sử dụng MiG (màu đỏ thẫm là đã loại biên, màu đỏ tươi là còn đang sử dụng)

MiG-21 đã hiện diện trong biên chế lực lượng không quân của khoảng 60 quốc gia trên 4 lục địa (trừ châu Đại dương) và hiện chúng vẫn đang góp mặt trong biên chế chiến đấu của một nửa số quốc gia đó, trong đó có không quân nhân dân Việt Nam.

Dòng tiêm kích huyền thoại này đã đã được những kỷ lục vô tiền khoáng hậu là: Máy bay phản lực được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử hàng không; Máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất từ sau Chiến tranh Thế giới II; Máy bay chiến đấu có thời gian sử dụng lâu nhất và máy bay chiến đấu tốc độ cao nhất (thời kỳ đó).

MiG-21 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ thuộc dòng tiêm kích đánh chặn. Nó có chiều dài 15,76m, chiều cao 4,12m với sải cánh 7,15 m. Nó có trọng lượng không tải 5350kg, trọng lượng cất cánh 8726kg, trọng lượng cất cánh tối đa 9660kg, lượng mang tải bom đạn chỉ đạt 2000kg.

Bán kính tác chiến của MiG-21 chỉ đạt tầm 500km, trong khi trần bay tối đa của nó lên tới 18.000 - 19.000m. Một động cơ đẩy phản lực sử dụng buồng đốt sau Tumansky R25-300 cho phép máy bay di chuyển với vận tốc tối đa 694m/s, tức gần 2500km, tương đương Mach2 ở độ cao lớn.

Những chiến công lịch sử của MiG-21 Việt Nam

Về hỏa lực, MiG-21 được trang bị một pháo tự động GSh-23 cỡ nòng 23 mm. Các giá treo vũ khí dưới cánh cho phép nó mang theo 2 tên lửa không đối không tầm trung R-27R1 hoặc 4 tên lửa dẫn đường radar Vympel R-77 hay tên lửa dẫn đường hồng ngoại R-60M. Ngoài ra, nó có thể mang 2 quả bom nặng 500 kg-quả.


“Bảo vật Quốc gia” MiG-21: Con đường trở thành huyền thoại thế kỷ 20 ảnh 4“Én bạc”Mig-21 mang số hiệu 4324, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam năm 1967 bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất với 14 chiếc

Tuy nhiên, đây là những vũ khí sau này của các phiên bản MiG-21 nâng cấp, còn trong thời điểm bắt đầu được biên chế trong không quân Việt Nam, MiG-21 của chúng ta chỉ được trang bị 2 quả tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar bán chủ động Vympel K-13, hay R-3S (tên ký hiệu của NATO AA-2 “Atoll”)

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, phải tới cuối 1965, đầu 1966, Không quân Nhân dân Việt Nam mới bắt đầu nhận được những biến thể MiG-21F-13, MiG-21PF để dần dần thay thế cho phi đội MiG-17 già cỗi.

Sau năm 1968, Liên Xô đã chuyển cho Không quân Việt Nam máy bay tiêm kích MiG-21PFM với thùng pháo treo GP-9, sau đó ít lâu là các máy bay Mi G-21MFL có pháo GSh-23 lắp trong thân máy bay, tiếp theo là các máy bay MiG-21MF có khả năng mang 4 tên lửa thay vì 2 như các phiên bản đầu.

Trong chiến tranh VN, các phi công MiG đã bắn rơi 174 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 2 chiếc B-52 (2 chiếc do phi công Phạm Tuân và Vũ Đình Rạng bắn hạ, còn phi công Vũ Xuân Thiều khi bắn tên lửa không hạ được đã lao máy bay vào tiêu diệt chiếc B-52 đó).

Trong kháng chiến chống Mỹ đã có 56 phi công MiG Việt Nam bắn rơi máy bay Mỹ, 18 người bắn rơi 4 chiếc trở lên. Đặc biệt là có 16 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp Ace - đẳng cấp cao nhất của phi công lái máy bay chiến đấu trong không chiến, tức là bắn hạ từ 5 máy bay địch trở lên.

Trong số 16 Ace, có 13 phi công lái MiG-21, 2 phi công lái MiG-17 và 1 phi công lái cả 2 loại. Phi công Nguyễn Văn Cốc với chiếc MiG-21 đã hạ 9 máy bay Mỹ cùng với 2 chiếc UAV trinh sát của Mỹ, là phi công có thành tích cao nhất trong cả cuộc chiến.

F-4 Phantom - đối thủ nặng ký nhất của MiG-21 Việt Nam

13 phi công lái MiG-21 đạt đẳng cấp Ace của Việt Nam như sau:  

1. Nguyễn Văn Cốc, bắn rơi 9 máy bay và 2 chiếc UAV trinh sát

2. Phạm Thanh Ngân, bắn rơi 8 máy bay

3. Nguyễn Hồng Nhị, bắn rơi 8 máy bay

4. Mai Văn Cường, bắn rơi 8 máy bay

5. Đặng Ngọc Ngự, bắn rơi 7 máy bay

6. Nguyễn Đức Soát, bắn rơi 6 máy bay

7. Nguyễn Ngọc Độ, bắn rơi 6 máy bay

8. Nguyễn Nhật Chiêu, bắn rơi 6 máy bay

9. Vũ Ngọc Đỉnh, bắn rơi 6 máy bay

10. Lê Thanh Đạo, bắn rơi 6 máy bay

11. Nguyễn Đăng Kính, bắn rơi 6 chiếc

12. Nguyễn Tiến Sâm, bắn rơi 6 máy bay

13. Nguyễn Văn Nghĩa hạ được 5 máy bay

Tính tới thời điểm hiện tại, MiG-21 vẫn là máy bay phản lực chiến đấu thực chiến nhiều nhất và cũng là loại máy bay chiến đấu duy nhất có khả năng bắn hạ siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm B-52 Stratofortresscủa không quân Mỹ. Tất cả những chiến công này đều được thực hiện bởi không quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Mời độc giả đón xem tiếp kỳ 2: MiG-21 Việt Nam: "Hung thần trên không" đối với máy bay Mỹ