Bảo tồn voi Tây Nguyên: Vẫn nói nhiều và làm trên... giấy

ANTĐ - Công tác bảo tồn và phát triển đàn voi nhà được tỉnh Đắc Lắc tính đến từ 5 năm trước. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, lập dự án, chứ chưa triển khai được những việc làm cụ thể nào, trong khi đó đàn voi đang giảm dần và cạn kiệt sức lực do tuổi tác và do khai thác quá mức. Không lâu nữa, voi nhà sẽ chỉ còn trong chuyện kể.
Bảo tồn voi Tây Nguyên: Vẫn nói nhiều và làm trên... giấy ảnh 1 Voi trong Lễ hội đua voi
Voi nhà suy giảm nhanh

Có điều kiện tự nhiên thuận lợi, bảo đảm tốt môi trường sinh sống của voi, nên từ bao đời nay rừng Đắc Lắc trở thành ngôi nhà lý tưởng của voi rừng cũng như voi nhà. Và cũng từ rất lâu, vùng Bản Đôn (xã Krông Na), huyện Buôn Đôn đã nổi tiếng với “nghề” săn bắt và thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà. Vùng đất này đã sản sinh ra vua săn voi Khun Zu Nốp, những nghệ nhân săn và thuần dưỡng cả trăm voi như Ama Kông... Voi nhà ở Bản Đôn, sau khi thuần dưỡng, dưới tài điều khiển của các “nài voi”, voi nhà làm được nhiều việc có ích cho cuộc sống con người, như vận chuyển hàng hoá, lương thực, kéo gỗ, đưa người qua sông, suối. Đặc biệt trong kháng chiến, nhiều con voi nhà của Đắc Lắc đã tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm…, mang về cho chủ nhân những tấm huân, huy chương ghi công.

Theo số liệu thống kê, năm 1982, đàn voi nhà của Đắc Lắc có 502 con, năm 2000 còn 84 con và đến tháng 10-2011 này chỉ còn 52 con, trong đó voi của các hộ dân 12 con, còn lại là voi do 3 doanh nghiệp kinh doanh du lịch sở hữu.

Diễu hành voi trong Lễ kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột

Chăm sóc cho voi nhà ở Khu du lịch sinh thái-văn hoá Bản Đôn

Từ đầu năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc có 4 con voi nhà bị chết do già yếu và khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị bệnh không được chu đáo. Với thực trạng này, nhiều người lo ngại rằng không lâu nữa, đàn voi nhà Đắc Lắc sẽ vắng bóng. Đàn voi nhà của Đắc Lắc suy giảm nhanh chóng, nguyên nhân chủ yếu là do voi già chết, và voi nhà không có điều kiện tự nhiên phù hợp để sinh sản. Mặt khác trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, đàn voi nhà còn bị khai thác quá mức vào việc kinh doanh phục vụ “du lịch trên lưng voi”, khiến cho voi bị kiệt sức, tuổi thọ bị rút ngắn. Đã từng xảy ra trường hợp voi ở Khu du lịch Buôn Jun, huyện Lắc chết trong khi đưa khách thăm thú hồ Lắc. Bên cạnh đó, voi nhà và cả voi rừng ở Đắc Lắc còn bị kẻ xấu “sát hại” để lấy ngà, lấy lông đuôi bán phục vụ cho thú chơi đậm màu sắc mê tín dị đoan.

Trong tổng số 52 con voi nhà hiện có ở Đắc Lắc, thì có tới 70% voi già (độ tuổi hơn 60), không còn khả năng sinh sản, và cũng không có điều kiện tự nhiên phù hợp để voi sinh sản, vì vậy những năm tới đây voi nhà Đắc Lắc suy giảm mạnh là điều khó tránh khỏi. Đàn voi nhà của Đắc Lắc đã góp phần không nhỏ cho tỉnh này quảng bá thương hiệu du lịch, quảng bá những sinh hoạt văn hoá “độc nhất vô nhị” như Lễ hội đua voi, phục dựng cảnh săn bắt thuần dưỡng voi, lễ cúng voi, voi thi đá bóng, thi vượt sông, thi ném gỗ, thi chạy. Chính vì thế, đến khi nào đó, đàn voi nhà của Đắc Lắc vắng bóng, thì tính hấp dẫn của du lịch, của văn hoá truyền thống Đắc Lắc sẽ phần nào chịu tác động tiêu cực.

Ông Y Ka, Bí thư Đảng ủy xã Krông Na, huyện Buôn Đôn-vùng đất mệnh danh là cái nôi của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi lo ngại: “Xã Krông Na mà hết voi nhà, thì du lịch ở đây sẽ kém hấp dẫn. Bởi du lịch trên lưng voi mới là thương hiệu của Buôn Đôn. Mà hết voi cũng có nghĩa là sẽ mất đi nhiều lễ hội, nhiều trò chơi dân gian quý giá!”.

Voi rừng cạn dần nguồn sống

Về đàn voi rừng, theo khảo sát mới đây của Khoa Nông lâm nghiệp (ĐH Tây Nguyên), trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc hiện có khoảng 80-110 con voi rừng (thuộc loài voi Châu Á, có tên khoa học Elephas maximus) sinh sống trong những cánh rừng nguyên sinh. Tuy nhiên, thực tế môi trường sống, sinh sản của voi rừng Đắc Lắc đang ngày càng bị thu hẹp bởi tình trạng phá rừng, xâm lấn đất rừng đã và đang xảy ra ngày một nghiêm trọng. Theo nhận định của các nhà khoa học, trong tổng số hơn 680 nghìn ha rừng hiện có ở Đắc Lắc, có khoảng 160 nghìn ha rừng là môi trường sống an toàn cho voi (chủ yếu là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ).

Voi nhà Đắc Lắc đưa khách du lịch thăm quan

Trong trường hợp, diện tích rừng này bị tác động tiêu cực thì môi trường sống của voi rừng sẽ hẹp dần. Ông Hà Công Bình, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp Đắc Lắc khẳng định: “Muốn bảo tồn được đàn voi (cả voi rừng lẫn voi nhà), điều quan trọng nhất là phải bảo vệ được rừng-môi trường sống và sinh sản, phát triển của voi. Nếu tàn phá hết rừng thì voi không còn đất sống, xung đột giữa con người và voi sẽ xảy ra. Chúng ta cần quy hoạch diện tích lâm nghiệp thế nào cho phù hợp để bảo vệ đàn voi.”. Thực tế cũng đã xảy ra một số vụ voi rừng bị bắn chết, hoặc bị thương do dính bẫy của các thợ săn với mục đích lấy ngà voi và lấy lông đuôi voi.

Phục dựng nghề săn voi ở Bản Đôn

Mặt khác, do rừng bị tàn phá ngày một nghiêm trọng, nguồn thức ăn, cũng như địa bàn sinh sống của voi bị xâm hại nên những năm gần đây tại huyện Ea Súp (Đắc Lăc, Cư Dút (Đắc Nông), Chư Prông (Gia Lai) thường xuyên xảy ra vụ voi rừng xâm nhập vườn rẫy, phá hại hoa màu, chòi canh rẫy của dân. Đầu tháng 9-2011, đàn voi rừng 32 con đã xuất hiện tại tiểu khu 418, thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn. Theo quan sát của cán bộ Trạm kiểm lâm số 8, thì trong đàn voi, ngoài những con voi trưởng thành, còn có một số con voi con. Như vậy, đây rất có thể là đàn voi khoảng hơn 20 con đã từng xuất hiện, xâm nhập và gây ra những vụ phá hoại cây trồng, chòi rẫy của bà con một số xã gần rừng của huyện Ea Súp.

Lần theo dấu vết đàn voi rừng, chúng tôi phát hiện, dọc hai bên Tỉnh lộ 16, từ Km 7 đến Km 23, có rất nhiều dấu chân voi, dấu chân lớn có dường kính hơn 40 cm, dấu chân nhỏ đường kính hơn 20cm. Điều đáng nói là ở những vị trí voi xuất hiện, các cột mốc chỉ dẫn Km của Tỉnh lộ 16 đều bị đàn voi quật đổ. Anh Nguyễn Văn Hải, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 8 (Vườn quốc gia Yok Đôn) cho biết: khi thấy đàn voi xuất hiện tại các tiểu khu trên, trạm đã báo cáo với lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân khi phát hiện đàn voi không lên tới gần, mà phải tìm cách xua đuổi đàn voi đi sâu vào rừng, nhằm bảo đảm an toàn cho cả voi và người.

Dấu chân đàn voi rừng 32 con xuất hiện trong Vườn quốc gia Yok Đôn tháng 9-2011

Trước nguy cơ đàn voi nhà suy giảm nhanh chóng, đàn voi rừng bị xâm hại từ đầu năm 2007, tỉnh Đắc Lắc đã phê duyệt Dự án bảo tồn và phát triển đàn voi nhà với kinh phí hơn 100 triệu đồng, tuy nhiên hiệu quả mang lại không đáng kể. Vì vậy, đến cuối năm 2009, UBND tỉnh Đắc Lắc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với ĐH Tây Nguyên nghiên cứu lập “Dự án bảo tồn đàn voi rừng và voi nhà”.

Theo khảo sát ban đầu để làm cơ sở lập dự án, các nhà khoa học kiến nghị cần thành lập: Trung tâm bảo tồn voi với diện tích khoảng 200 ha, kinh phí 58 tỷ đồng. Trung tâm bảo tồn voi có các chức năng sau: “Bảo đảm điều kiện sinh sống, sinh sản và phát triển bầy đàn cho voi rừng và voi nhà; bảo vệ những truyền thống văn hoá liên quan đến voi; đào tạo lực lượng chuyên môn làm công tác bảo tồn và chăm sóc voi; hình thành bệnh viện phục vụ phòng chống dịch bệnh và nghiên cứu sinh sản cho voi; quan hệ với các tổ chức quốc tế để tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật hiện đại phục vụ bảo tồn, chăm sóc, phát triển dàn voi”. Hy vọng rằng, Trung tâm bảo tồn đàn voi của tỉnh Đắc Lắc sớm được thực hiện, để đàn voi rừng và voi nhà tránh được nguy cơ tuyệt chủng.